Những "chiến sỹ" thầm lặng

  • 08:13 | Thứ Năm, 27/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hàng năm, cứ đến ngày 27-2, những người đã và đang công tác trong ngành Y tế lại náo nức, vui mừng ôn lại truyền thống “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”. Thế nhưng năm nay (27-2-2020), ngành Y tế không tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm, văn nghệ, thể thao mà tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bác sỹ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế cho hay: “Với tinh thần sẵn sàng, chủ động, ngành Y tế đã và đang nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe, ổn định cuộc sống cho người dân”.
 
Khó có thể nói hết công việc thực tế hàng ngày của đội ngũ cán bộ y tế làm công tác phòng, chống dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình (trước đây là Trung tâm Y tế dự phòng) và các bác sỹ làm việc tại khoa truyền nhiễm của các bệnh viện.
 
Năm 2019, được xem là năm có nhiều dấu ấn trong công tác phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế. Đây là năm có số người mắc sốt xuất huyết (SXH) tăng đột biến, với khoảng 13.000 ca mắc, tăng 12,7 lần so với năm 2018. Nhằm khống chế dịch hiệu quả, cán bộ làm công tác y tế dự phòng và những bác sỹ làm việc tại khoa truyền nhiễm của các bệnh viện đã không quản ngại ngày đêm, nỗ lực hết mình để mang lại sức khỏe cho người dân.
 
Bác sỹ Võ Khắc Nhật, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa thành phố Đồng Hới, một trong những đơn vị y tế tiếp nhận rất đông bệnh nhân SXH trong năm 2019 tâm sự: Khoa chỉ có 29 giường bệnh song do bệnh nhân đông, bệnh viện đã kê thêm 50 giường xếp bố trí cơ động tại các hành lang để phục vụ cho việc điều trị. Quá tải bệnh nhân nên các bác sỹ, điều dưỡng phải làm việc hết công suất. Khó khăn, vất vả là vậy, song cán bộ y tế của khoa đã thực hiện tốt công việc của mình. Tất cả người bệnh đều được chăm sóc, điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, không có trường hợp xảy ra biến chứng trong quá trình điều trị.
 
Với đặc trưng là công tác lưu động, hoạt động chống dịch tại cộng đồng nên cán bộ y tế dự phòng phải thường xuyên đi cơ sở, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và những địa bàn thường xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm. Không chỉ cống hiến nhiều về thời gian, họ còn phải thực hiện một khối lượng lớn công việc khá vất và nguy hiểm, như: phun hóa chất xử lý môi trường và là những người đầu tiên trực tiếp có mặt tại nơi phát dịch để điều tra dịch tễ học; đồng thời triển khai các hoạt động phòng chống dịch.
  Cán bộ y tế dự phòng thực hiện phun hóa chất làm sạch môi trường để phòng, chống dịch bệnh.
Cán bộ y tế dự phòng thực hiện phun hóa chất làm sạch môi trường để phòng, chống dịch bệnh.
Nhìn cán bộ y tế dự phòng mang trên mình chiếc máy phun thuốc tầm 25kg (tính cả bình nước và thuốc) di chuyển liên tục khắp các ngóc ngách, địa điểm khác nhau để khử khuẩn môi trường mới thấy sự vất vả, mệt nhọc, nhất là trong những ngày hè nóng bức. Thế nhưng, họ luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ, kịp thời có mặt ở khắp các địa bàn trọng điểm của dịch bệnh.
 
Ngay từ đầu năm 2020, khi CDC mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất 6 trung tâm y tế tuyến tỉnh có cùng chức năng, cán bộ y tế của đơn vị lại đương đầu với dịch bệnh Covid-19. Nhằm kiểm soát dịch bệnh, không để dịch xâm nhập vào địa bàn, CDC phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển. CDC còn phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hoạt động tiếp nhận, cách ly, theo dõi sức khỏe các đối tượng từ vùng dịch về địa bàn tỉnh; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng; phối hợp với Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới lấy mẫu bệnh phẩm đối với các trường hợp nghi ngờ để gửi viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm.
 
Ngoài việc tăng cường công tác điều tra, giám sát dịch, CDC còn phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt việc tiếp nhận, cách ly theo dõi sức khỏe các thuyền viên Việt Nam trở về từ vùng có dịch và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không để dịch bùng phát trên địa bàn.
 
Trong cuộc chiến chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, đội ngũ cán bộ y tế làm việc tại khoa truyền nhiễm các bệnh viện cũng phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức. Khoa lâm sàng các bệnh nhiệt đới (Khoa Truyền nhiễm) Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới vừa tập trung triển khai các hoạt động chăm sóc, điều trị cho người mắc các bệnh truyền nhiễm vừa thực hiện nhiệm vụ theo dõi sức khỏe các trường hợp cách ly vì có liên quan đến tiếp xúc với người nước ngoài (vùng có dịch).
 
Chị Phạm Thị Như Phương, một trong những bác sỹ trẻ nhất công tác tại khoa cho biết: "Vì chưa có kinh nghiệm trong công việc nên nên khi tiếp nhận thông tin về dịch bệnh Covid-19, tôi cảm thấy hơi lo lắng. Song được các đồng nghiệp đi trước tận tình chỉ bảo, được tập huấn kiến thức về dịch Covid-19, tôi đã vững tin hơn trong công việc. Và cũng như các chú, các anh, chị, thế hệ bác sỹ trẻ chúng tôi luôn sẵn sàng vì trách nhiệm với nghề, vì sức khỏe của người dân."
 
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới đã thành lập đội phản ứng nhanh với dịch bệnh, thành lập khu cách ly và tăng cường thời gian trực của cán bộ y tế nhằm kịp thời ứng phó với các diễn biến của dịch. Hiện tại, bệnh viện cũng như nhiều cơ sở y tế khác đang đứng trước khó khăn là thiếu khẩu trang y tế. Để giải quyết bài toán này, bệnh viện tổ chức may khẩu trang vải cho cán bộ trong đơn vị và dành khẩu trang y tế cho cán bộ tham gia trong phòng mổ, cán bộ tiếp xúc với bệnh nhân nặng, bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm.
 
Điều đáng mừng là đến thời điểm này, Quảng Bình chưa phát hiện có trường hợp mắc Covid-19. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn tăng cường triển khai các hoạt động dự phòng, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch Covid-19 nói riêng và các dịch bệnh khác nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. 
 
Cán bộ y tế là lực lượng tiên phong trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh. Không quản ngại khó khăn, vất vả, họ luôn có mặt kịp thời ở những địa bàn trọng điểm của bão, lũ, dịch bệnh để làm sạch môi trường, ngăn ngừa mầm bệnh, giúp người dân ổn định cuộc sống… Với đặc thù công việc, “những chiến sỹ áo trắng” không có nhiều thời gian cho bản thân, gia đình... mà âm thầm cống hiến vì sức khỏe của người dân.         
 
                                                                             Nh.V