Bảo đảm an toàn thực phẩm:

Cần sự vào cuộc quyết liệt của cả cộng đồng

  • 07:13 | Thứ Năm, 16/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngoài việc cung ứng đủ các loại hàng hóa phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang được các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng hết sức quan tâm. Nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra đã, đang được triển khai nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về ATTP. Để giúp bạn đọc rõ hơn công tác này, phóng viên Báo Quảng Bình đã phỏng vấn bác sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Bình về những nội dung liên quan.
 
PV: Được biết, thời gian qua, ngành Y tế và các cơ quan chức năng đã tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm bảo đảm ATTP trên địa bàn. Bác sỹ có thể nói rõ hơn về vấn đề này, nhất  là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý?
 
Bác sỹ Nguyễn Quốc Tuấn: Năm 2019, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Các công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATTP; phòng chống ngộ độc thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; cấp giấy chứng nhận ATTP... được đẩy mạnh và thực hiện một cách đồng bộ.
 
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) đã tổ chức nhiều hoạt động, như: tập huấn, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực ATTP; tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh và duy trì hoạt động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm lưu thông trên thị trường và tại các chợ truyền thống bằng phương pháp test nhanh…
 
Ngành Y tế còn triển khai các chiến dịch truyền thông và tổ chức ký cam kết trách nhiệm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, nhất là vào các đợt cao điểm như dịp lễ, Tết, mùa du lịch để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đồng thời, phát huy vai trò của người tiêu dùng trong việc giám sát chất lượng thực phẩm.
 
Công tác phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm VSATTP được tăng cường. Toàn tỉnh đã tổ chức 6.132 lượt kiểm tra tại các cơ sở sản xuất,  kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, cơ sở vật tư nông nghiệp và nông-lâm-thủy sản. Qua đó, phát hiện 978 lượt cơ sở vi phạm, nhiều cơ sở đã bị xử lý bằng các hình thức như phạt tiền, tiêu hủy sản phẩm…
 
Xác định vào dịp Tết, mùa lễ hội, thị trường thực phẩm rất sôi động. Đây cũng là thời điểm dẫn đến nhiều nguy cơ mất ATTP do không ít số lượng hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn vào thị trường, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, trước, trong và sau Tết Nguyên đán, các cơ quan chức năng trên toàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra về ATTP nhằm phát hiện kịp thời các vụ việc vi phạm, công khai cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng, góp phần bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng.
 
Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó tập trung vào việc phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP; hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; mức xử phạt vi phạm về ATTP mới được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung... nhằm nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, tỉnh ta còn thực hiện nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; đồng thời tăng cường hoạt động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là giám sát bảo đảm  ATTP phục vụ các sự kiện, lễ hội diễn ra trên địa bàn.
Công tác thanh tra, kiểm tra ATTP được tăng cường góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về ATTP.
Công tác thanh tra, kiểm tra ATTP được tăng cường góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về ATTP.
PV: Vậy những thách thức đối với công tác bảo đảm VSATTP trên địa bàn tỉnh ta là gì, thưa bác sỹ?
 
Bác sỹ Nguyễn Quốc Tuấn: Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, một số lượng lớn các cơ sở không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nên việc áp dụng các mô hình chuẩn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cũng như công tác quản lý, áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính gặp nhiều khó khăn.
 
Nhận thức của một số chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao nên chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về ATTP. Thực tế cho thấy, tỷ lệ cơ sở được kiểm tra và mẫu thực phẩm được kiểm tra chưa đạt yêu cầu còn cao, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Công tác xử lý vi phạm hành chính về ATTP còn hạn chế, chủ yếu mới chỉ thực hiện ở tuyến tỉnh. Nguồn lực phục vụ công tác bảo đảm ATTP chưa đáp ứng nhu cầu.
 
PV: Vấn đề bảo đảm ATTP có vai trò, trách nhiệm lớn từ người dân, bác sỹ có khuyến cáo gì với người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết này?
 
Bác sỹ Nguyễn Quốc Tuấn: Mỗi dịp Tết đến, nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm của người dân tăng lên rất nhiều so với ngày thường. Nguy cơ xuất hiện thực phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường trong dịp này cũng thường rất cao. Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nêu cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo đảm ATTP. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có ý thức, trách nhiệm với người tiêu dùng; thực hiện nghiêm túc những quy định của pháp luật về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm...
 
Người tiêu dùng có vai trò rất quan trọng trong việc đồng hành với cơ quan chức năng để thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm ATTP. Vì vậy, mỗi người dân cần tự trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để nhận biết, lựa chọn chế biến, sử dụng và bảo quản thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, bảo quản thực phẩm đúng cách.
 
Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng. Đối với các thực phẩm tươi sống, ngoài việc chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, trong quá trình chế biến phải nấu chín để chủ động phòng tránh tránh ngộ độc thực phẩm. Người tiêu dùng cũng cần có trách nhiệm trong việc phát giác, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn cho các cơ quan chức năng để có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm VSATTP trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
 
PV: Xin cảm ơn bác sỹ
 
                                                                                      Nhật Văn (thực hiện)