Hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam 26-12-2019:

Đồng hành cùng sự nghiệp dân số và phát triển

  • 07:31 | Thứ Tư, 25/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, một trong những vấn đề kinh tế-xã hội hàng đầu của quốc gia. Thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Những năm qua, được  sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của các ban, ngành, hội, đoàn thể, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh Quảng Bình đã đạt những kết quả quan trọng.
 
Sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 14-6-2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ và xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh đã góp phần quan trọng thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được khống chế. Tỷ suất sinh giảm từ 33,46‰(năm 1993) xuống còn 20,11‰ (năm 2004) và 15,07‰ (năm 2018). Cơ cấu dân số chuyển dịch theo hướng tích cực, nhóm dân số phụ thuộc (từ 0-14 tuổi) giảm dần, nhóm dân số trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) tăng dần. Tỷ số giới tính khi sinh (số bé trai/100 số bé gái) dao động qua các năm và còn ở mức mất cân đối. Năm 2011 là 127/100, năm 2018 là 110/100. Chất lượng DS được cải thiện về nhiều mặt. Nhận thức và hành động của nhân dân về DS-KHHGĐ đã được nâng lên rõ rệt, quan niệm hôn nhân, sinh đẻ của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng có nhiều người chấp nhận kết hôn muộn, đẻ muộn, đẻ thưa, đẻ ít để nuôi con khỏe, dạy con ngoan.
Truyền thông về công tác dân số là một trong những hoạt động được ngành Y tế rất chú trọng.
Truyền thông về công tác dân số là một trong những hoạt động được ngành Y tế rất chú trọng.
Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về DS tiếp tục được đổi mới về phương pháp, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng và yêu cầu, nhiệm vụ của công tác DS-KHHGĐ trong từng thời kỳ. Dịch vụ DS-KHHGĐ được mở rộng, chất lượng ngày càng được nâng lên. Hệ thống tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
 
Tuy nhiên, Quảng Bình vẫn còn đối diện với những khó khăn, là một trong những tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế. Mức sinh còn cao, tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm chậm và đang có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương. Mặt khác, mức sinh vẫn có sự khác biệt và chênh lệch giữa các địa bàn, nhất là đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và các xã thuộc vùng biển, ven biển...
 
Xu hướng già hóa DS đang diễn ra với tốc độ khá nhanh, số người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ hơn 12% tổng DS. Tuổi thọ trung bình của người dân tuy có tăng (khoảng 71 tuổi) nhưng vẫn thấp hơn so với toàn quốc (73 tuổi). Tỷ lệ người cao tuổi tăng cao nhưng chế độ an sinh xã hội chưa bảo đảm, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Việc phân bố dân số, quản lý nhập cư, di dân còn nhiều bất cập. Tổ chức bộ máy công tác DS chưa ổn định, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ ở cấp cơ sở còn thấp. Nguồn lực đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ còn hạn chế, kinh phí đầu tư nhỏ lẻ, phân bổ chậm, chưa bảo đảm để triển khai các hoạt động cần thiết về ổn định quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng DS...
 
Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, nâng cao chất lượng DS, thời gian tới, cần tập trung tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác DS. Tập trung đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác DS nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và chuyển đổi hành vi của cộng đồng. Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về DS, trong đó từng bước hình thành, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ DS toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác DS tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Tăng cường và đẩy mạnh tính hiệu quả của các mối quan hệ hợp tác trong và ngoài tỉnh, các nguồn đầu tư từ nước ngoài cũng như các cá nhân, doanh nghiệp và các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhằm tác động tích cực góp phần thực hiện tốt công tác DS trên toàn tỉnh...
 
Tháng hành động quốc gia về DS và Ngày DS Việt Nam năm nay với chủ đề “Đồng hành cùng sự nghiệp DS và phát triển vì sự phồn vinh của đất nước”, một lần khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác DS đối với sự phát triển của mỗi xã hội, mỗi quốc gia. Làm tốt công tác DS là làm tốt công tác đầu tư nhằm nâng cao năng lực, giá trị của mỗi con người, tạo nên nhân tố quyết định để đất nước tận dụng được các cơ hội hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững.
Bác sỹ CKII Lê Thanh Tuân
Phó Giám đốc Sở Y tế