Phòng, chống sốt xuất huyết: Kinh nghiệm từ Bố Trạch

  • 07:34 | Thứ Hai, 25/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bố Trạch là một trong những địa phương nằm trong tâm điểm bùng phát của dịch sốt xuất huyết (SXH), nhưng đến thời điểm này, tất cả các bệnh nhân điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn huyện đều an toàn, không xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Để làm được điều này, trong quá trình khám và điều trị, phòng ngừa SXH, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Bố Trạch đã có nhiều giải pháp hiệu quả để sẵn sàng đối phó, đẩy lùi dịch bệnh.
 
Thống kê của BVĐK huyện Bố Trạch từ ngày 1-7-2019 đến giữa tháng 11-2019, số bệnh nhân SXH điều trị nội trú là 2.911 người, trong đó điều trị tại bệnh viện huyện là 2.297 người và tại Đơn nguyên điều trị nội trú Sơn Trạch là 614 bệnh nhân.
 
Bác sỹ Nguyễn Tất Thắng, Giám đốc bệnh viện cho biết, ngay từ khi bệnh SXH xuất hiện rải rác tại các địa phương, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế và căn cứ đặc thù địa phương, đơn vị đã xây dựng kế hoạch tăng cường phòng, chống SXH với nhiều phương án cụ thể, sát với thực tiễn.
 
Trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh SXH, có những ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 120 đến 250 bệnh nhân nhập viện điều trị. Tình trạng quá tải đã xảy ra, bệnh viện tăng cường thêm 3 bác sỹ, 11 điều dưỡng để phục vụ công tác thăm khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Để bảo đảm cho công tác điều trị, đơn vị đã điều tiết bệnh nhân SXH sang các khoa, phòng phù hợp, đồng thời tận dụng Khoa Dinh dưỡng và khu nhà phục hồi chức năng để kê thêm giường bệnh với tổng số 150 giường. Trong đợt cao điểm của dịch SXH, quy mô thiết kế của bệnh viện là 248 giường đã tăng lên thành 480 giường.
Khoa Dinh dưỡng tại BVĐK huyện Bố Trạch tạm thời được dùng để điều trị bệnh nhân SXH.
Khoa Dinh dưỡng tại BVĐK huyện Bố Trạch tạm thời được dùng để điều trị bệnh nhân SXH.
Bên cạnh việc chủ động tăng cường y, bác sỹ và số giường bệnh để phòng, chống dịch, BVĐK huyện Bố Trạch đã triển khai tập huấn, hướng dẫn phác đồ điều trị của Bộ Y tế nhằm bảo đảm công tác điều trị đạt hiệu quả cao nhất. Các loại thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất và trang thiết bị phục vụ, điều trị, chăm sóc bệnh nhân SXH được chuẩn bị đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân nội trú. Đặc biệt, với những diễn biến nguy hiểm của bệnh SXH, bệnh viện đã có kế hoạch chủ động chuẩn bị nguồn máu để truyền trong trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết nặng.
 
“Nếu bệnh viện thiếu nguồn máu dự trữ, thì phương án đầu tiên là lựa chọn người nhà để hiến máu cho bệnh nhân. Và để đồng hành cùng bệnh nhân, bệnh viện cũng đã xây dựng “ngân hàng máu sống” với sự tham gia của 60 cán bộ, nhân viên. Không chỉ chuẩn bị nguồn máu cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, số cán bộ, nhân viên tham gia “ngân hàng máu sống” sẵn sàng cơ động để hiến máu trong các trường hợp khẩn cấp khác đang điều trị tại các bệnh viện lân cận!”, bác sỹ Nguyễn Tất Thắng chia sẻ.
 
Từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân SXH nặng được BVĐK Bố huyện Bố Trạch chuyển lên tuyến trên điều trị là 34 ca, còn lại gần 2.900 bệnh nhân điều trị nội trú đều bảo đảm xuất viện an toàn. So với các địa phương khác, Bố Trạch có đặc thù riêng là địa bàn rộng, lại có lượng khách du lịch lớn, nên Đơn nguyên điều trị nội trú Sơn Trạch ra đời cũng nhằm đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của nhân dân các xã vùng trên gồm Phúc Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch, Sơn Trạch, Hưng Trạch, Cự Nẫm và du khách tham quan các danh lam thắng cảnh tại Phong Nha-Kẻ Bàng.
 
Bác sỹ Trần Quốc Huề, phụ trách Đơn nguyên cho biết: Có thể nói, đây là lần đầu tiên bệnh SXH bùng phát với số lượng bệnh nhân lớn nhất từ trước đến nay tại các xã trong khu vực nên thời điểm ban đầu, công tác phòng chống, điều trị bệnh SXH còn gặp một số khó khăn.
 
Với 20 cán bộ, nhân viên, giai đoạn cao điểm của dịch SXH, Đơn nguyên đã tiếp nhận điều trị 40 bệnh nhân (quy mô thiết kế của Đơn nguyên là 20 giường). Trong điều kiện kinh nghiệm còn ít, phương tiện xét nghiệm hạn chế, nên quá trình khám, chữa bệnh chủ yếu chỉ dựa vào xét nghiệm huyết học, dịch tễ và kinh nghiệm lâm sàng. Quá trình điều trị, y, bác sỹ theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của bệnh nhân để kịp thời chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Đơn nguyên chỉ mới có một bệnh nhân nặng phải chuyển lên tuyến trên điều trị.
 
Cùng với số bệnh nhân là người dân trong vùng, Đơn nguyên cũng đã tiếp nhận và khám, tư vấn ban đầu cho nhiều du khách, trong đó có một số du khách nước ngoài. Hầu hết du khách sau khi được khám và tư vấn ban đầu đã tiếp tục hành trình hoặc về bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh để tiếp tục theo dõi, điều trị.
 
Chị Phạm Thị Thu, thôn 3 Thanh Sen, xã Phúc Trạch cho biết, khi con gái chị là cháu Phạm Thị Mỹ Thanh (sinh năm 2005) bị sốt, chị đã nghi ngờ là SXH và cho cháu đến Đơn nguyên khám. Cháu đã được bác sỹ chỉ định nhập viện điều trị. Sau bốn ngày được y, bác sỹ chăm sóc, sức khỏe cháu đã tạm ổn định. “Ở xã tôi có rất nhiều người bị SXH, có gia đình tất cả mọi người đều bị bệnh. Những ngày ở bệnh viện chăm sóc con, tôi và nhiều người bệnh, người nhà cũng được y, bác sỹ trao đổi, hướng dẫn cách phòng, chống bệnh SXH tại cộng đồng!”, chị Thu cho biết thêm.
 
Bác sỹ Nguyễn Tất Thắng cho biết, hiện tại, số bệnh nhân SXH tại đang có xu hướng giảm dần, đây là tín hiệu vui và là kết quả tích cực của quá trình phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn. Tuy nhiên với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, BVĐK huyện Bố Trạch tuyệt đối không chủ quan. Cùng với việc nỗ lực khám, điều trị cho bệnh nhân, các y, bác sỹ và nhân viên bệnh viện cũng đồng thời chia sẻ thông tin về cách thức phòng, chống dịch bệnh cho người dân trong cộng đồng để cùng chung tay hạn chế, đẩy lùi dịch SXH, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.
 
Ngọc Mai