Quyết liệt phòng, chống sốt xuất huyết

  • 14:29 | Thứ Bảy, 26/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sốt xuất huyết (SXH) là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn truyền từ người bệnh sang người lành và chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện nay đang là mùa dịch, số ổ dịch và số ca mắc liên tục tăng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.
 
Bệnh viện quá tải
 
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 5.814 trường hợp mắc SXH, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2018 và đã có 2 bệnh nhân SXH tử vong. Số người mắc SXH tăng cao, khiến cho khoa truyền nhiễm ở các bệnh viện quá tải, cán bộ y tế phải làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn.
 
Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa thành phố Đồng Hới từ đầu tháng 10 đến nay luôn tiếp nhận, điều trị cho từ 100-140 bệnh nhân SXH, trong khi khoa chỉ có 29 giường bệnh. Vì vậy, bệnh viện đã đầu tư thêm 50 giường xếp bố trí cơ động tại các hành lang của khoa truyền nhiễm và lấy một số phòng bệnh của các khoa: Hồi sức cấp cứu, Nội tổng hợp, Nhi, Y học cổ truyền… phục vụ cho việc điều trị bệnh nhân SXH. Bác sỹ Võ Khắc Nhật, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa thành phố Đồng Hới cho hay: "Khoa chỉ có 3 bác sỹ mà phải điều trị một số lượng bệnh nhân rất lớn nên chúng tôi phải hoạt động hết công suất. Hiện tại, đa số bệnh nhân khi điều trị đều đáp ứng tốt. Những trường hợp nặng, chúng tôi đã chuyển tuyến kịp thời, chưa có trường hợp nào bị biến chứng tại khoa."
 Không đủ giường bệnh nên Bệnh viện đa khoa Đồng Hới phải đặt giường xếp cơ động phục vụ bệnh nhân SXH tại hành lang Khoa Truyền nhiễm.
Không đủ giường bệnh nên Bệnh viện đa khoa Đồng Hới phải đặt giường xếp cơ động phục vụ bệnh nhân SXH tại hành lang Khoa Truyền nhiễm.
Trước câu hỏi “Có hay không việc bệnh viện cho bệnh nhân SXH về nhà sau truyền dịch vì thiếu chỗ nằm như một số nguồn tin cung cấp?”, bác sỹ Võ Khắc Nhật cho hay: "Trong tình trạng quá tải, chúng tôi luôn động viên người bệnh khắc phục khó khăn, chia sẻ với cán bộ y tế để đạt hiệu quả cao nhất. Chúng tôi chưa bao giờ cho bệnh nhân điều trị nội trú về nhà nhưng không thể kiểm soát được nếu bệnh nhân cố ý trốn viện…".
 
Bác sỹ Nhật cho biết thêm: Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22-8- 2019 về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH Dengue nêu rõ: Bệnh SXH Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, sử dụng thuốc hạ nhiệt, bù dịch sớm bằng đường uống và thường xuyên đến cơ sở y tế để tái khám, làm xét nghiệm. Nếu xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như: không ăn, uống được, nôn ói, đau bụng nhiều, mệt lả, bứt rứt… mới phải nhập viện điều trị. Cán bộ y tế chỉ truyền dịch khi bệnh nhân có các dấu hiệu như: mệt lừ đừ, không uống được nước, nôn ói, có dấu hiệu mất nước…
 
“Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đến đây, chúng tôi đều tiến hành truyền dịch để người bệnh cảm thấy khỏe hơn, dễ chịu hơn do được cấp nước kịp thời. Vì không hiểu rõ bản chất của bệnh nên khi nhập viện vì mắc SXH, mọi người thường quá lo lắng. Họ mong muốn nhiều hơn từ cán bộ y tế nhưng thực sự chúng tôi đã làm việc hết sức rồi…”-bác sỹ Nhật cho hay.
 
Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình cũng đang trong tình trạng quá tải trầm trọng do số người mắc SXH tăng đột biến. Vì quá đông bệnh nhân nên bệnh viện phải kê thêm giường bệnh cơ động tại hành lang của khoa truyền nhiễm, điều phối bệnh nhân ở các khoa thuộc hệ nội để có chỗ cho bệnh nhân SXH, tăng cường thời gian trực của cán bộ y tế và chủ động cơ số thuốc, dịch truyền... Trong thời gian tới, nếu số lượng bệnh nhân tiếp tục tăng, bệnh viện sẽ phải kê thêm giường bệnh tại hội trường của đơn vị. “Cả bệnh nhân và cán bộ y tế đều rất vất vả. Và không còn cách nào khác là cùng nhau cố gắng”-bác sỹ Nguyễn Viết Thái, Giám đốc bệnh viện chia sẻ.
 
Các bệnh viện khác như: Bệnh viện đa khoa Bố Trạch, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới cũng chung tình trạng quá tải tại khoa truyền nhiễm vì số người mắc SXH và các bệnh truyền nhiễm khác nhập viện tăng cao. Hiện tại, các bệnh viện đều khắc phục khó khăn, đầu tư thêm cơ sở vật chất như giường bệnh, quạt mát… và đang “gồng mình” để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị cho người bệnh.
 
Dự phòng là then chốt
 
Để chủ động phòng, chống dịch, thời gian qua, ngành Y tế đã đẩy mạnh các hoạt động dự phòng, tập trung vào việc điều tra giám sát dịch tễ, phun hóa chất diệt muỗi và phối hợp các địa phương thực hiện vệ sinh môi trường để ngăn chặn sự sinh trưởng của muỗi truyền bệnh. Tuy nhiên, hoạt động phun hóa chất diệt muỗi của cán bộ y tế dự phòng cũng gặp không ít khó khăn.
 
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, loài muỗi Aedes gây bệnh SXH hoạt động mạnh nhất vào đầu buổi sáng và chập choạng tối. Do đó, thời gian phun thuốc diệt muỗi hiệu quả nhất là vào buổi sáng và buổi chiều trong ngày. Song đây là thời gian mà đa số người dân đi làm, đóng cửa nhà, nên cán bộ y tế không tiếp cận được với các hộ gia đình để phun hóa chất. Một số người dân không hợp tác vì sợ tác dụng phụ của hóa chất. Không ít người dân lại thắc mắc là không thấy cán bộ y tế đến phun thuốc trong khi rất nhiều người dân trên địa bàn mắc SXH phải nhập viện.
Lãnh đạo Sở Y tế làm việc với các huyện về triển khai các biện pháp đẩy mạnh công tác phòng. chống SXH.
Lãnh đạo Sở Y tế làm việc với các huyện về triển khai các biện pháp đẩy mạnh công tác phòng. chống SXH.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Biện pháp phun hóa chất diệt muỗi SXH chỉ có tác dụng tức thì, không lâu dài nên chỉ phun vào những đợt cao điểm để tiêu diệt nhanh muỗi trưởng thành. Hóa chất diệt muỗi sử dụng trong chương trình phòng, chống sốt xuất huyết giai đoạn 2019-2021 của Bộ Y tế là tương đối an toàn. Tuy nhiên, một số người có cơ địa nhạy cảm có thể gặp các biểu hiện như hắt hơi, mẩn ngứa... và thông thường sẽ hết khi được rửa bằng nước sạch nhiều lần… Việc chỉ định có phun hóa chất hay không phụ thuộc vào kết quả điều tra chỉ số côn trùng, qua hoạt động giám sát dịch tễ và phải tuân thủ theo hướng dẫn tại Quyết định 3711/QĐ-BYT, ngày 19-9-2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
 
"Thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thường xuyên thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước… và ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày vẫn là biện pháp phòng ngừa SXH lâu dài và hiệu quả nhất.", bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp khẳng định.
 
Trên thực tế, hoạt động phòng, chống SXH ở một số địa phương chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Người dân xem việc phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ của ngành Y tế nên chưa chủ động phối hợp thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng. Sự chủ động vào cuộc của các các tổ chức đoàn thể, mỗi người dân trong công tác phòng, chống SXH tại một số địa phương chưa cao… Đó là một trong những nguyên nhân chính làm phát sinh muỗi truyền bệnh. Nếu không quyết liệt triển khai các hoạt động phòng, chống, SXH có thể bùng phát trên diện rộng.
 
Trao đổi với chúng tôi về công tác phòng, chống SXH, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế cho hay: Năm 2019, số người mắc SXH tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái tại các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Nguyên nhân khiến SXH tăng là do biến đổi khí hậu. Tại Quảng Bình, mùa hè năm nay đến sớm, mưa nắng thất thường dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh… Thời gian qua, ngành Y tế đã tập trung toàn lực cho công tác phòng chống SXH. Song theo dự báo, dịch SXH còn tiếp tục diễn biến phức tạp do diễn biến thất thường của thời tiết. Vì vậy, ngoài việc triển khai các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch của ngành Y tế cần có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, các đoàn thể và nhất là sự phối hợp của cộng đồng trong việc loại trừ muỗi, lăng quăng.
 
                                                                                      Nh.V