Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhìn từ chợ truyền thống

  • 09:40 | Thứ Tư, 14/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chợ truyền thống là nơi cung cấp nguồn thực phẩm thường xuyên cho hầu hết người dân trên các địa bàn nên vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) tại đây luôn là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Nhằm góp phần bảo đảm ATTP, những năm qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Bình đã tổ chức các hoạt động kiểm nghiệm thực phẩm tại chợ truyền thống và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác bảo đảm ATTP tại các chợ còn gặp không ít khó khăn.
 
Chợ truyền thống là nơi bày bán nhiều thực phẩm thiết yếu, phục vụ cho bữa ăn của các gia đình như: thịt, cá, rau, quả, hải sản tươi sống, bánh kẹo, nước giải khát, thức ăn chín… 
 
Hiện tại, hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh ta đã cơ bản được đầu tư xây dựng và nâng cấp về cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được mua, bán khá đầy đủ các loại hàng hóa ngay tại địa phương.
 
Song, bên cạnh đó còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng. Điều dễ nhận thấy là hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh ta, nhất là những chợ ở các vùng nông thôn còn đối diện với không ít khó khăn về cơ sở vật chất, tình trạng nước thải, rác thải tồn đọng vào mùa mưa đang là vấn đề khá phổ biến hiện nay.
  Tăng cường công tác kiểm tra ATTP tại các chợ là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức về ATTP cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Tăng cường công tác kiểm tra ATTP tại các chợ là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức về ATTP cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Đáng lo ngại là tại một số chợ vẫn còn tình trạng thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm tươi sống được bày bán cạnh nhau, thức ăn đã qua chế biến không được che đậy hoặc bày bán trong điều kiện mất vệ sinh.
 
Đơn cử như tại chợ Nam Lý (thành phố Đồng Hới), nhiều chủ hàng thịt bày bán thịt tươi sống ngay bên cạnh thịt đã qua chế biến (lòng bò đã nấu chín; chả thịt bò, thịt lợn đã hấp chín hoặc các loại chả thịt đã được nướng thành từng tấm không có lớp bọc bảo vệ bên ngoài). Không ít gian hàng ăn được bày bán trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh, địa điểm bán được đặt ở vị trí thấp, thậm chí ngay trên nền đất ở những nơi đông người qua lại. Một số chủ hàng không dùng bao tay sạch mà dùng đôi tay trần để bốc bún, rau, thịt… vào các tô, dĩa, bao nilon để bán cho thực khách.
 
Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, phần lớn các gian hàng ăn tại những chợ truyền thống đều trong tình trạng mất vệ sinh như vậy. Do không gian chật hẹp, thiếu nước nên vấn đề vệ sinh dụng cụ chứa thức ăn cũng không được các chủ hàng chú trọng. Ở các điểm bán hàng ăn di động tại chợ, chủ hàng chỉ dùng một tấm giẻ lau nhàu, cũ để lau chén, dĩa trước khi đựng thức ăn cho thực khách.
 
Tình trạng giết mổ gia cầm, hải sản nhỏ lẻ cũng làm tăng thêm nguy cơ mất ATTP tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng là muốn mua những loại gia cầm, hải sản đã được làm sạch nên hầu hết chủ hàng đều tìm cách đáp ứng ngay tại các điểm bán. Và chỉ cần vài vật dụng sơ sài như tấm bìa cũ, chiếc giẻ lau, một chiếc dao hoặc kéo…, các chủ hàng đã có thể giết mổ các loại gia cầm, hải sản một cách nhanh chóng cho khách hàng.
 
Điều đáng nói là nguy cơ mất vệ sinh diễn ra ngay trước mắt nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận và đây là nguyên nhân làm cho tình trạng mất vệ sinh ATTP tại các chợ ngày càng phổ biến hơn.
Cán bộ y tế đang thực hiện kiểm nghiệm mẫu thực phẩm bằng phương pháp test nhanh
Cán bộ y tế đang thực hiện kiểm nghiệm mẫu thực phẩm bằng phương pháp test nhanh
Bác sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Nhằm kiểm soát tình hình vệ sinh ATTP tại các chợ truyền thống trên địa bàn, từ tháng 1-2018, toàn tỉnh đã triển khai hoạt động kiểm nghiệm nhanh về ATTP tại các chợ trung tâm trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, các cơ quan chức năng đã lấy 680 mẫu thực phẩm các loại để kiểm nghiệm và đa số các mẫu đều đạt chỉ tiêu về ATTP.
 
Từ khi triển khai đến nay, hoạt động này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cả người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng. Kết quả kiểm nghiệm là cơ sở quan trọng để giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và cảnh báo nhanh cho cộng đồng.
 
Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP tại các chợ còn gặp rất nhiều khó khăn do thực phẩm được đưa vào chợ từ nhiều nguồn khác nhau nên rất khó kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng… Nhiều mặt hàng không có bao bì, nhãn mác vẫn được bày bán, nhất là ở các chợ vùng nông thôn. Mặc dù đã được các ngành chức năng tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức liên quan đến ATTP nhưng một bộ phận sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cả người tiêu dùng vẫn không quan tâm thực hiện. Vì vậy, tình trạng vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh tại các chợ còn là vấn đề khá nan giải.
 
Bảo đảm ATTP tại các chợ truyền thống là việc hết sức quan trọng nhằm góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng. Song, để thực hiện tốt nhiệm vụ này cần hơn nữa sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. Và điều quan trọng nữa là mỗi người dân cần nhận thức đầy đủ về các mối nguy hiểm từ việc sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn nhằm phòng tránh ngộ độc thực phẩm để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
                                                                               Nh.V