.

Tập trung các giải pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm

.
08:56, Thứ Hai, 15/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Mùa hè, nhất là trong các đợt nắng nóng kéo dài là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tăng cao. Đặc biệt, thời gian gần đây, tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh ta, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng.
 
Để giúp người dân hiểu rõ hơn về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), bác sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh đã cung cấp cho bạn đọc Báo Quảng Bình những thông tin cần thiết trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn và các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
 
P.V: Vì sao mùa hè, đặc biệt là trong những đợt nắng nóng kéo dài lại dễ gây nên tình trạng ngộ độc thực phẩm, thưa bác sỹ?
 
- Bác sỹ Nguyễn Quốc Tuấn: Mùa hè, thời tiết nóng bức khiến thực phẩm rất dễ ôi thiu, biến chất. Đây là điều kiện rất lý tưởng cho vi sinh vật phát triển gây bệnh. Do đó, chỉ cần sơ suất trong chế biến và bảo quản thực phẩm, như: chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ đồng hồ… đều có thể dẫn đến ngộ độc. Mùa hè cũng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh, ruồi, nhặng, chuột… Đáng lo ngại là một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn có thói quen sử dụng thức ăn đường phố, thức ăn được bày bán trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh...
 
Trên thực tế, vẫn còn không ít người dân chưa chú trọng đến việc lựa chọn thực phẩm an toàn. Các khâu chế biến, bảo quản còn sơ sài, nhất là ở các đám cưới, đám giỗ, các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố... Có những thực phẩm cho dù đã được nấu chín nhưng qua kiểm tra lại xuất hiện vi khuẩn gây bệnh nguy hại. Lý do là vì việc bày bán thực phẩm ngoài trời, không che đậy hoặc che đậy không bảo đảm, không có phương pháp bảo quản lạnh… khiến thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, dính bụi bẩn từ đường phố.
Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết bếp ăn tập thể ở các trường mầm non đều bảo đảm các quy định về ATVSTP.
Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết bếp ăn tập thể ở các trường mầm non đều bảo đảm các quy định về ATVSTP.
P.V: Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng vì thịt lợn là một trong những nguồn thực phẩm được lựa chọn nhiều nhất cho bữa ăn gia đình. Vậy, xin bác sỹ cho biết, mức độ nguy hiểm nếu sử dụng nguồn thịt lợn bị nhiễm bệnh và làm thế nào để lựa chọn thịt lợn an toàn?
 
 - Bác sỹ Nguyễn Quốc Tuấn: Dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người. Tuy nhiên, việc sử dụng các sản phẩm thực phẩm từ lợn bị bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe do các sản phẩm này đã không còn bảo đảm sự an toàn. Luật ATTP quy định cấm sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Vì vậy, tuyệt đối không giết mổ, tiêu thụ, chế biến và ăn các sản phẩm từ thịt lợn bị bệnh hoặc bị chết.
 
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát như hiện nay, người tiêu dùng không nên tẩy chay việc tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. Để tránh mua phải thịt lợn bệnh, người tiêu dùng nên mua thịt ở những địa chỉ uy tín, như: siêu thị, cửa hàng chuyên cung cấp thịt sạch, thịt đã được đóng dấu của cơ quan thú y; không nên vì giá rẻ mà chọn mua thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, thịt không bảo đảm vệ sinh. Mặt khác, người tiêu dùng cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống sôi; không ăn tiết canh hay các sản phẩm từ lợn chưa được chế biến, đun nấu kỹ.
 
P.V: Để bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng, nhất là trong thời điểm mùa hè, mùa du lịch, Chi cục ATVSTP tỉnh tập trung vào những hoạt động nào, thưa bác sỹ?
 
- Bác sỹ Nguyễn Quốc Tuấn: Để người dân và khách du lịch được sử dụng thực phẩm an toàn, thời gian qua, Chi cục VSATTP và các đơn vị liên quan đã tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền kiến thức về ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm đối với người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng; phổ biến các quy định bảo đảm ATTP, các hành vi cấm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố; yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, thực phẩm quá hạn sử dụng…
 
Trong 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 3.135 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống, xử phạt vi phạm hành chính 14 cơ sở vi phạm với số tiền trên 47 triệu đồng. Đơn vị đã tập trung kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm từ thịt lợn; đồng thời, kết hợp tuyên truyền, vận động các cơ sở không tiêu thụ, chế biến thực phẩm từ thịt lợn bị nhiễm bệnh.
 
Hiện tại, ngành Y tế và các cơ quan chức năng đang tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra  liên ngành và đơn ngành từ tuyến tỉnh đến cơ sở; đặc biệt, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố nhằm kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với những cơ sở vi phạm các quy định về ATTP; đồng thời, chủ động triển khai các hoạt động giám sát các mối nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm tại các khu du lịch nhằm bảo đảm ATTP phục vụ các sự kiện, lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh.
 
P.V: Xin cảm ơn bác sỹ
                                                         Mỹ Huệ (thực hiện)
,