.

Hành trình nhân văn

.
09:56, Thứ Hai, 01/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Ngay sau ngày tái lập tỉnh, 4 đơn vị y tế chuyên khoa: Trạm Lao, Trạm Mắt, Trạm Tâm thần và Trạm Da liễu được thành lập và đi vào hoạt động khá nền nếp. Đến năm 2002, Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội (TTPCBXH) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 trạm trên và là một trong những đơn vị tạo nên nhiều dấu ấn đáng tự hào trên hành trình phát triển của ngành Y tế tỉnh nhà.
 
Hành trình tìm lại ánh sáng
 
Tìm lại ánh sáng cho những người mù là một trong những hoạt động nổi bật nhất của TTPCBXH tỉnh. Sau ngày tái lập tỉnh, hoạt động này từng bước được đẩy mạnh, tập trung vào việc phòng, chống bệnh mắt hột cho người dân, chủ yếu là người dân ở các địa phương vùng biển và ở lứa tuổi học sinh. Từ năm 1994, Trạm Mắt đã tiến hành mổ đục thể tinh thủy mang lại ánh sáng cho 133 người bị mù.
 
Và từ năm 2002, Khoa mắt (Trạm Mắt trước đây) thuộc TTPCBXH đã có bước phát triển vượt bậc trong thực hiện công tác phòng, chống mù lòa và điều trị các bệnh về mắt cho người dân. Nhờ triển khai được các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao nên đơn vị đã tạo nên nhiều thành quả đáng mừng trong việc làm giảm và tiến tới đẩy lùi tỷ lệ người mù lòa do đục thuỷ tinh thể trên địa bàn tỉnh.
 
Được sự tài trợ của dự án chăm sóc mắt toàn diện thuộc tổ chức FHF (tổ chức phi chính phủ của Úc) và các nguồn khác, TTPCBXH đã có một phòng phẫu thuật mắt đạt chuẩn và nhiều trang thiết bị hiện đại ngang tầm các trung tâm nhãn khoa lớn trong nước để triển khai phẫu thuật Phaco, tạo điều kiện cho các bác sỹ và người dân tỉnh nhà được tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại bậc nhất.
 
Chỉ tính riêng trong 4 năm (2012-2015), FHF đã hỗ trợ phẫu thuật thành công mang lại ánh sáng cho 3.767 người mù do đục thủy tinh thể (trong đó có 1.992 người được phẫu thuật miễn phí tại các bệnh viện tuyến huyện) và khám, sàng lọc tật khúc xạ cho cho 33.914 học sinh (trong đó có 1.616 học sinh được cấp kính miễn phí).
 
Sau khi dự án kết thúc (năm 2015), các hoạt động khám, điều trị các bệnh về mắt vẫn được duy trì, đẩy mạnh tại TTPCBXH với nguồn chi trả từ bảo hiểm y tế. Trong 2 năm 2017-2018, các chỉ tiêu của chương trình phòng, chống mù lòa đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh đã giải phóng mù lòa do bệnh đục thủy tinh thể cho 2.572 người, trong đó có 1.400 người được phẫu thuật trong năm 2018, đạt 175% so với chỉ tiêu, kế hoạch được giao.
Cán bộ y tế TT PCBXH đang chuyển giao kỹ thuật cao cho Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình.
Cán bộ y tế TT PCBXH đang chuyển giao kỹ thuật cao cho Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình.
Bà Trương Thị Ngọc (phường Nam Lý, TP.  Đồng Hới), một bệnh nhân mù được trả lại ánh sáng tâm sự: “Từng phải sống trong bóng tối do bệnh đục thủy tinh thể nên khi tìm lại được ánh sáng, tôi cảm thấy cuộc đời mình như bước sang trang mới. Với tôi, không gì quý giá hơn là có được một đôi mắt sáng.
 
Điều những tưởng chỉ là mơ ước xa xôi của người mù đã trở thành hiện thực khi được những đôi tay vàng của các bác sỹ tận tình điều trị, chăm sóc. Những đôi tay ấy đã làm nên bao điều kỳ diệu trong cuộc sống này…”. 
 
Nói về hướng phát triển mới đối lĩnh vực nhãn khoa, bác sỹ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế cho hay: Trong chuyến thăm, làm việc tại Quảng Bình (tháng 5-2019), bà Marcia Cobas  Ruiz-Thứ  trưởng  Bộ Y tế Cuba có đề xuất vấn đề  hợp  tác  với  tỉnh  Quảng Bình  trên  một  số  lĩnh vực về y tế, trong đó có  lĩnh vực nhãn khoa (lĩnh vực mà Cuba  đã  hợp  tác  rất thành công với 25 trung tâm nhãn  khoa của 25 quốc  gia  trên thế  giới).
 
Để từng bước cụ thể hóa nội dung trên, Sở Y tế đã có công văn trình UBND tỉnh về việc xin chủ trương thành lập Trung tâm Nhãn khoa (trên cơ sở tách một phần từ TTPCBXH). Trung tâm nhãn khoa ra đời sẽ là địa chỉ hợp tác quốc tế về y tế giữa Quảng Bình và Cuba trong các lĩnh vực chăm sóc, điều trị các bệnh về mắt cho người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và các địa phương lân cận.
 
Tạo dấu ấn trên các mặt công tác
 
Bác sỹ Trần Đình Thắng, Giám đốc TTPCBXH cho biết, trung tâm hiện có 6 khoa, phòng (Mắt, Da liễu, Lao, Tâm thần, Khoa cận lâm sàng và Phòng khám đa khoa), có chức năng, nhiệm vụ là triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về phòng, chống các bệnh xã hội trên địa bàn tỉnh.
 
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, trung tâm đã tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế bằng cách cử đi học chuyên sâu, học sau đại học.
 
Đến nay, trung tâm đã có 53 cán bộ, trong đó có 16 bác sỹ (nhiều người có trình độ thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa I, bác sỹ chuyên khoa II). Ngoài việc triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng. chống mù lòa và các hoạt động chăm sóc, điều trị các bệnh về mắt, TT PCBXH còn tạo nên nhiều dấu ấn trong việc thanh toán bệnh phong, chăm sóc, điều trị tốt cho bệnh nhân tâm thần và đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động nhằm đẩy lùi bệnh lao vào năm 2030.
 
Những năm đầu tái lập tỉnh, Quảng Bình đã nhanh chóng triển khai chương trình thanh toán bệnh phong ở 143/148 xã, quản lý và điều trị cho 866 bệnh nhân lao; 100% huyện, thị xã trong tỉnh có cơ sở quản lý bệnh nhân tâm thần và nhiều cơ sở y tế tổ chức hiệu quả việc quản lý, phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng.
 
Kế thừa truyền thống đó, trung tâm đã tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm tiếp tục tạo nên những thành quả đáng tự hào trên tất cả các mặt công tác. Từ năm 2015, đơn vị đã đạt mục tiêu loại trừ bệnh phong cấp huyện trên địa bàn toàn tỉnh...
 
Trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, đơn vị đã đẩy mạnh các hoạt động điều tra, nhằm phát hiện sớm số người mắc ở cơ sở; duy trì công tác quản lý, điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt và bệnh động kinh tại cộng đồng. Các bác sỹ của đơn vị luôn cập nhật, triển khai các kiến thức y khoa mới nhằm chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người mắc bệnh tâm thần trên địa bàn tỉnh.
 
Phát huy truyền thống của ngành Y tế, 30 năm sau ngày tái lập tỉnh, 17 năm thành lập, tập thể cán bộ TTPCBXH Quảng Bình luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn để hoàn tốt mọi nhiệm vụ được giao. Những dấu ấn mà đơn vị tạo dựng được không chỉ góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân mà còn là cuộc hành trình mang tính nhân văn sâu sắc-hành trình vì sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân.
 
Nhật Văn
,