.

Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng: Mô hình cần nhân rộng

.
08:26, Thứ Hai, 24/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Mô hình “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” tại tỉnh ta trong thời gian qua đã phát huy được hiệu quả thiết thực, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng cuộc sống và phát huy vai trò của người cao tuổi trong cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, để mô hình được nhân rộng trên toàn tỉnh, rất cần sự quan tâm của các ban, ngành liên quan.
 
Việc chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi (NCT) là trách nhiệm không chỉ thuộc về mỗi gia đình mà còn là của toàn xã hội. Theo thống kê, hiện nay, tỉnh ta có hơn 106.000 NCT, trong đó, 4.670 NCT nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được giúp đỡ, tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn và miền núi.
 
Tuy chính quyền, các cấp, ngành đã quan tâm đến đối tượng NCT trong toàn tỉnh nhưng trong điều kiện hiện nay, công tác chăm sóc, hỗ trợ NCT còn gặp rất nhiều khó khăn.
 
Năm 2012, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình(DS-KHHGĐ) tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình "Tư vấn, chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng" thí điểm tại 5 xã thuộc huyện Tuyên Hóa và TP. Đồng Hới. Đến nay, mô hình vẫn đang được tiếp tục thực hiện hiệu quả, góp phần cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần, phát huy và nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT.
 
Đặc biệt, năm 2018, Chi cục DS-KHHGĐ đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục duy trì và phát triển mô hình điểm, đồng thời, nhân rộng các hoạt động nâng cao hiểu biết về nhận thức, hành vi của người dân về chính sách, pháp luật liên quan đến NCT tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn.

Trong năm, tại các điểm thực hiện mô hình, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với các trung tâm DS-KHHGĐ lồng ghép và tổ chức được 75 buổi sinh hoạt với các hoạt động, như: trao đổi các kỹ năng, cách phòng, chống bệnh tật, tăng cường sức khỏe…, thu hút hơn 400 lượt người tham gia; đã tư vấn, khám sức khỏe cho 578 NCT.

Tư vấn và khám sức khỏe định kỳ cho NCT ở phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới.
Tư vấn và khám sức khỏe định kỳ cho NCT ở phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới.

Chị Phan Thị Tuyết, cán bộ dân số phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) cho biết: Ngay sau khi Chi cục DS-KHHGĐ triển khai thực hiện (6-2013), được sự hướng dẫn trực tiếp từ Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố, phường Đồng Sơn đã nhanh chóng triển khai mô hình thông qua việc thành lập câu lạc bộ (CLB) “Tư vấn chăm sóc người cao tuổi phường Đồng Sơn”. CLB đã vận động được 35 hội viên NCT tại 13 tổ dân phố tham gia. Đến nay, CLB vẫn duy trì sinh hoạt đều đặn, hoạt động hiệu quả, tinh thần và sức khỏe của các hội viên được cải thiện tích cực.

Sinh hoạt tại CLB “Tư vấn chăm sóc người cao tuổi phường Đồng Sơn”, NCT đã được tư vấn, khám sức khỏe 2 lần/năm, được tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, thể thao và vui chơi giải trí với nội dung phù hợp. Đồng thời, được cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe, tâm sinh lý ở NCT, tìm hiểu các chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ cũng như những khó khăn, thách thức của công tác DS-KHHGĐ hiện nay.
 
Sau các buổi sinh hoạt của CLB, các thành viên CLB lại làm nòng cốt để tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho NCT tại địa phương, đồng thời, tuyên truyền con cháu trong gia đình và dòng họ thực hiện tốt các chính sách DS-KHHGĐ, đặc biệt là giảm tình trạng sinh con thứ 3 trở lên và lựa chọn giới tính khi sinh.
 
Cũng như phường Đồng Sơn, xã Sơn Hóa (huyện Tuyên Hóa) cũng đã triển khai mô hình từ năm 2012, thông qua việc thành lập CLB “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” tại thôn Xuân Phú.
 
Đến nay, mô hình vẫn được duy trì và phát triển, thu hút 50 thành viên tham gia. Sinh sống ở xã miền núi, điều kiện sống còn khó khăn, các kênh truyền thông đại chúng về NCT còn hạn chế, từ khi thành lập CLB, tại các buổi sinh hoạt, các cụ đã biết thêm kiến thức chăm sóc bản thân thật tốt không phụ thuộc vào con cháu, tự mình sống vui, sống khỏe, sống gương mẫu để cho con cháu noi theo.
 
Bên cạnh những hiệu quả thiết thực thì mô hình vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: kinh phí cho các hoạt động chăm sóc NCT còn hạn chế; mới nhân rộng được các hoạt động chứ chưa nhân rộng được các CLB "Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng"; việc tổ chức các hoạt động chăm sóc NCT ở một số nơi vẫn còn đơn điệu, chưa được thường xuyên, chưa đáp ứng được nhu cầu của NCT; chưa phát huy và khai thác hết vai trò của NCT trong xã hội…
 
Chị Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng DS-KKHGĐ, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: "Hiện, chúng tôi đang có kế hoạch tiếp tục nhân rộng mô hình này bằng các giải pháp cụ thể, như: nhân rộng các hoạt động nâng cao hiểu biết về nhận thức, hành vi của người dân về chính sách, pháp luật liên quan đến NCT trên địa bàn toàn tỉnh; duy trì hoạt động và mở rộng các CLB đã thành lập; tiếp tục tập huấn và tập huấn lại cho các tình nguyện viên của các CLB nhằm cập nhật cung cấp những kiến thức nâng cao kỹ năng tư vấn và chăm sóc cho NCT; tăng cường công tác phối hợp với các cấp, các ngành liên quan chăm sóc, tư vấn khám sức khỏe, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí nhằm nâng cao chất lượng sức khỏe cho NCT hiện nay…".
 
Thanh Hoa
,