.
Huyện Quảng Ninh:

Nỗ lực kiểm soát thuốc kê đơn và bán thuốc theo đơn

.
16:07, Thứ Bảy, 26/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thuốc tây vốn được coi là “con dao hai lưỡi” không thể tùy tiện sử dụng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Phòng Y tế huyện Quảng Ninh, hiện có trên 90% người dân trên địa bàn tự ý mua thuốc kháng sinh không theo đơn. Tình trạng này không chỉ gây hại cho sức khỏe người bệnh, mà còn làm gia tăng tình trạng kháng lại thuốc kháng sinh cực kỳ nguy hiểm.

Tại một số quầy thuốc trên địa bàn huyện Quảng Ninh, nhiều người đến mua thuốc hầu như không cần sử dụng đến đơn thuốc của bác sĩ. Thậm chí họ chỉ kể sơ qua về tình trạng bệnh với người bán rồi mua thuốc về tự điều trị. Họ nghiễm nhiên phớt lờ, bỏ qua việc thăm khám, kê đơn của bác sĩ.

Anh Phạm Văn Tý, thôn Tiền, xã Võ Ninh thổ lộ: "Các thành viên trong gia đình tôi mỗi khi có các triệu chứng như nhức đầu, sổ mũi, đau họng, đau bụng... đều đến quầy bán thuốc, nói rõ triệu chứng rồi mua thuốc về tự điều trị, vừa tiết kiệm thời gian đi lại, vừa thuận tiện.

Qua các phương tiện truyền thông đại chúng tôi cũng được biết đến tác hại của việc không mua thuốc theo đơn hay tình trạng kháng thuốc, nhưng do thói quen nên các thành viên của gia đình tôi chỉ lúc nào bệnh nặng mới đến khám tại bệnh viện, còn các bệnh thông thường chúng tôi vẫn tự mua thuốc điều trị”.

Người dân cần nâng cao nhận thức trong việc mua thuốc theo đơn.
Người dân cần nâng cao nhận thức trong việc mua thuốc theo đơn.

Mặc dù, trên mỗi tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm với thuốc luôn có dòng chữ “Thuốc bán theo đơn” để phân biệt các loại thuốc phải có chỉ định của bác sĩ mới được bán và sử dụng.Tuy nhiên, hiện nay việc mua, sử dụng thuốc một cách quá dễ dàng khiến thuốc cũng trở thành một loại hàng hóa bình thường, thậm chí nhiều người nhận xét đi mua thuốc dễ như mua rau ngoài chợ.

Thực hiện Quyết định số 4448, ngày 3-10-2017 của Bộ Y tế ban hành về Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020; Công văn số 6269, ngày 2-11-2017 của Bộ Y tế về việc xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020, Phòng Y tế huyện Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn trên địa bàn huyện Quảng Ninh giai đoạn 2018-2020 và được UBND huyện phê duyệt.

Mục tiêu của đề án là tăng tỷ lệ tuân thủ thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú. Theo đó, đến năm 2020 đạt 100% kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú đối với các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và đạt 80% đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác.

Kê đơn thuốc tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng kháng sinh trong các bệnh nhiễm trùng đạt 90% đối với các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và đạt 70% đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân khác; tăng tỷ lệ bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc trong đó đến năm 2020, trên địa bàn toàn huyện 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.

Ông Lê Đức Sơn, Trưởng phòng Y tế huyện Quảng Ninh cho biết:“Việc triển khai đề án, kết nối các nhà thuốc là giải pháp hữu hiệu để góp phần kiểm soát việc bán thuốc theo đơn, vì phần mềm quản lý việc kê đơn chỉ cho phép những loại thuốc đã quản lý trong phần mềm mới được bày bán. Việc này giúp vừa quản lý được chất lượng thuốc, tránh thuốc giả, thuốc kém chất lượng; đồng thời kiểm soát được giá thuốc, quản lý được việc bán và dùng kháng sinh bừa bãi của cả người bán và người mua”.

Trên địa bàn huyện Quảng Ninh có 1 bệnh viện đa khoa, 1 trung tâm y tế huyện, 15 trạm y tế xã, thị trấn, 12 cơ sở hành nghề y tư nhân và 59 quầy thuốc. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuốc chưa được thực hiện rộng khắp, bài bản. Trong đó, hiện mới chỉ có 15/59 số quầy thuốc có kết nối internet.

Mặc dù phần lớn các nhà thuốc đã được tuyên truyền rõ mục đích của việc kết nối mạng giữa cơ sở với mạng quản lý dược quốc gia là cần thiết, nhưng việc thực hiện tại huyện Quảng Ninh vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn.

Ngay từ những ngày đầu thực hiện đề án, nhiều nhà thuốc nêu một số khó khăn như thiếu thiết bị, chưa có nhân lực biết sử dụng phần mềm cập nhật máy tính thường xuyên; việc sử dụng phần mềm phải trả phí... Nhiều nhà thuốc còn cho rằng, việc kết nối trong lĩnh vực dược chưa có sự đồng bộ với các lĩnh vực khác như thuế, thanh tra, kiểm tra nên đã gây khó cho hoạt động chung...

Anh Nguyễn Thanh Hải, phụ trách chuyên môn quầy thuốc Phương Anh, đối diện chợ Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Ninh bộc bạch: “Chúng tôi đã kiên trì giải thích với người dân là nên đi khám bệnh trước để bác sĩ kê đơn rồi hãy mua thuốc... Nhưng mỗi lần yêu cầu họ xuất trình đơn thuốc là một lần quầy thuốc của tôi mất đi một khách hàng, vì trong khi đó nhiều quầy thuốc khác vẫn bán kháng sinh không cần đơn.

Theo tôi, thực hiện việc bán thuốc theo đơn phải triển khai đồng loạt, triệt để. Như vậy mới ngăn ngừa được việc người dân mua không đúng thuốc để chữa đúng bệnh và tránh lạm dụng thuốc, nhất là các loại thuốc kháng sinh, dẫn đến hậu quả xấu cho sức khỏe…”.

Để triển khai thực hiện nghiêm, đồng bộ và có hiệu quả đề án, ông Lê Đức Sơn, Trưởng phòng Y tế huyện Quảng Ninh cho biết thêm: “Phòng đang tích cực nắm bắt thông tin về các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để cùng các cơ sở kinh doanh thuốc tháo gỡ... Đồng thời tăng cường việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc mua thuốc theo đơn, các nguy cơ kháng kháng sinh, tập huấn đào tạo cho bác sĩ kê đơn...

Bên cạnh đó, Phòng Y tế sẽ triển khai nhiều hình thức truyền thông đa dạng để các nhà thuốc hiểu đây là quy định bắt buộc về việc các nhà thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng để bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Nhà thuốc nào không chấp hành là vi phạm và sẽ bị xử lý…”.

Hồng Nhung-Ngọc Khang
(ĐÀI TT-TH Quảng Ninh)
 

,