.

Thay đổi nhận thức về chăm sóc sức khỏe của người dân vùng biển

.
07:05, Thứ Sáu, 16/11/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Sau gần 9 năm triển khai, đến nay, Đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009-2020 (Đề án 52) ở tỉnh ta đã có sự chuyển biến rõ rệt. Nhận thức của người dân vùng biển về chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản nói riêng được nâng lên đáng kể, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng dân số tại các địa phương.
 
Quan niệm “đông con hơn đông của” gần như đã trở thành tập quán của người dân vùng biển vốn quanh năm ra khơi đánh bắt thủy sản. Nhiều năm trước đây, tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 ở các xã vùng biển luôn ở mức cao. Đông con nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ của hầu hết chị em còn hạn chế. Họ bận rộn việc gia đình, chuẩn bị hậu cần cho người đi biển nên cũng chẳng mấy ai quan tâm. Mặt khác, những người đàn ông đi biển triền miên nên ít được tiếp cận với công tác truyền thông và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS), KHHGĐ…
 
Trước tình hình đó, năm 2009, Đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển đã được triển khai trên toàn quốc. Ở tỉnh ta, đề án được thực hiện tại 27 xã, phường, thị trấn thuộc 6/8 huyện, thị xã, thành phố. Mục tiêu của đề án là từng bước hoàn thiện và ban hành chính sách đặc biệt về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, SKSS-KHHGĐ, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số nhằm thu hút và khuyến khích ngư dân làm ăn lâu dài trên biển, vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển Tổ quốc.
 
Trong quá trình triển khai đề án, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh và Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thành phố, thị xã đã có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương. Công tác tuyên truyền về chăm sóc SKSS-KHHGĐ được chú trọng, thông qua nhiều hình thức, như: tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng, nói chuyện chuyên đề lồng ghép qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, tư vấn tại nhà, tư vấn tại điểm cung cấp dịch vụ đã đem lại hiệu quả…
 
Xã Thanh Trạch là một trong những xã ven biển huyện Bố Trạch được hưởng Đề án 52. Công tác dân số của địa phương thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai lên đến 90%; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm xuống còn 10,8%, số phụ nữ đến tư vấn và khám SKSS tại trạm y tế xã ngày càng cao (915 lượt trong 10 tháng năm 2018); tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi giảm một cách bền vững, chất lượng dân số ngày càng cao và đời sống người dân cũng ngày càng phát triển. 
Sau nhiều năm triển khai đề án, nhận thức  về chăm sóc sức khỏe của người dân được nâng lên đáng kể
Sau nhiều năm triển khai đề án, nhận thức về chăm sóc sức khỏe của người dân được nâng lên đáng kể

 Chị Nguyễn Thị Thương, cán bộ dân số xã Thanh Trạch cho biết: Hiện nay, nhận thức về sức khỏe nói chung và SKSS nói riêng của người dân ngày càng cao. Không chỉ khám, tư vấn ở trạm y tế xã mà nhiều gia đình có điều kiện kinh tế còn tới Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm SKSS tỉnh, các phòng khám tư…để khám và tư vấn sức khỏe. Phần lớn các cặp vợ chồng có đủ trai, gái là dừng lại để nuôi dạy cho tốt. Tư tưởng sinh đông con để đi biển, sinh con trai nối dõi đã giảm một cách rõ rệt.

Cũng như các địa phương vùng biển khác, những năm trước đây, Ngư Thủy Nam là địa phương có tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh và trường hợp sinh con thứ 3 khá cao. Thế nhưng, từ khi Đề án 52 được thực hiện thì nhận thức của bà con đã tăng lên đáng kể. Trong 10 tháng năm 2018, toàn xã có 37 cháu sinh ra thì chỉ có 4 cháu là con thứ 3, chiếm 10,8%. Các chỉ tiêu dịch vụ KHHGĐ hầu hết đều đã đạt 100% trở lên.
 
Chị Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng DS-KKHGĐ, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn các xã thực hiện Đề án 52 ở tỉnh ta đã có sự thay đổi tích cực, như: tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại và tỷ lệ người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS ngày càng cao. Mặc dù kinh phí thực hiện đề án còn hạn hẹp nhưng việc nâng cao chất lượng dân số ở các địa phương luôn được đẩy mạnh, trong đó, chú trọng tổ chức các loại hình tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân…
 
Có thể nói, sau nhiều năm triển khai Đề án 52, công tác DS-KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe của người dân vùng biển tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để kết quả được duy trì bền vững sau khi đề án kết thúc năm 2020, cần thiết phải có chương trình hoạt động tiếp theo. Bên cạnh những hoạt động của Chi cục DS-KHHGĐ, chính quyền các địa phương cần đưa công tác này trở thành nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. 
 
Thanh Hoa
,