.

Không để sốt xuất huyết xảy ra trên diện rộng

.
07:28, Thứ Năm, 01/11/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Theo nhận định của ngành Y tế, hiện nay đang là thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH). Nguyên nhân là do thời tiết diễn biến thất thường, độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh trưởng và phát triển. Vì vậy, toàn ngành đang tập trung triển khai các phương án phòng, chống dịch, trong đó, chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường và đẩy mạnh hoạt động điều tra, giám sát dịch tễ tại các địa bàn trọng điểm.
 
Tính đến ngày 22-10, toàn tỉnh đã ghi nhận 244 trường hợp mắc bệnh SXH và 10 ổ dịch nhỏ ở các phường, xã như: Đồng Phú, Nam Lý, Bắc Lý, Bảo Ninh (Đồng Hới); An Thủy, Phong Thủy (Lệ Thủy); Thanh Trạch (Bố Trach); Quảng Châu (Quảng Trạch); Quảng Minh (thị xã Ba Đồn)…
 
Để chủ động phòng chống dịch, không để SXH bùng phát, lan rộng, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khẩn trương xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương, trong đó tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc đầu tiên để đối phó kịp thời, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc bệnh.
 
Thời gian qua, các trung tâm y tế huyện, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với mạng lưới trạm y tế cơ sở và chính quyền địa phương trong tổ chức các hoạt động, như: giám sát tình hình diễn biến của dịch, tăng cường điều tra chỉ số côn trùng, tổ chức khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để.
 
Cán bộ y tế và các đơn vị liên quan đã triển khai nhiều chiến dịch vệ sinh môi trường, tập trung vào hoạt động diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi nhằm loại trừ nơi sinh sản, trú ngụ của muỗi vằn, nhất là tại các trường học và giám sát véc tơ chặt chẽ ở những địa bàn trọng điểm của SXH.
 
Đặc biệt, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, như: tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, phát tờ rơi và lồng ghép trong hoạt động khám sức khỏe ở các bệnh viện, trạm y tế... Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các đơn vị liên quan đã xây dựng từng phương án dự phòng cụ thể nhằm huy động toàn lực vào việc dập dịch khi có dấu hiệu bùng phát tại các địa bàn có nguy cơ cao.
Giữ gìn nguồn nước sạch là một trong những biện pháp để phòng bệnh SXH.
Giữ gìn nguồn nước sạch là một trong những biện pháp để phòng bệnh SXH.
Bác sĩ Trần Thị Loan, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Đồng Hới cho biết: Đồng Hới là một trong những địa bàn thường có số người mắc SXH cao nên ngay từ đầu mùa mưa, trung tâm đã xây dựng các biện pháp chủ động phòng, chống dịch với mục tiêu phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời.
 
Đến nay, toàn thành phố có 28 trường hợp mắc SXH (thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước). Điều đáng mừng là UBND thành phố đã tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm huy động các cấp, ngành từ thành phố đến cơ sở tập trung nhiệm vụ phòng, chống dịch SXH. Nhờ vậy, các địa phương đã chủ động sớm trong việc thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường.
 
Ngoài ra, Trung tâm Y tế TP. Đồng Hới còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát mật độ muỗi, bọ gậy tại các địa bàn nghi có sốt xuất huyết và phối hợp với các trạm y tế xã, phường trong theo dõi, giám sát các trường hợp nghi mắc bệnh.
 
Tại một số địa bàn của phường Đồng Phú, Nam Lý, xã Bảo Ninh, nơi có số người mắc SXH cao, Trung tâm Y tế TP. Đồng Hới đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi, đồng thời phối hợp với các trạm y tế các xã, phường và các đoàn thể ở địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh SXH, như: tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tổng vệ sinh môi trường; loại bỏ các vật liệu phế thải, lật úp hoặc che đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; diệt bọ gậy; xử lý ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi…
 
Tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, nhất là các bệnh viện, công tác tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân SXH cũng được tập trung triển khai từ việc sàng lọc bệnh nhân tại phòng khám bệnh đến bố trí giường bệnh, nhân lực và các yếu tố khác nhằm đáp ứng tốt công tác điều trị và dự phòng lây nhiễm bệnh SXH đến các bệnh nhân khác đang điều trị tại bệnh viện.
 
Nhờ chủ động xây dựng các phương án đối phó với dịch SXH, các bệnh viện đã thực hiện tốt công tác điều trị và cách ly người bệnh. Tất cả bệnh nhân tham gia điều trị đều đáp ứng tốt, chưa có trường hợp xảy ra các biến chứng do SXH. Mặt khác, các bệnh viện cũng thành lập đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho cơ sở theo phương châm "điều trị tại chỗ".
 
Với quyết tâm khống chế và kiểm soát dịch bệnh, không để dịch xảy ra trên diện rộng, ngành Y tế đang tập trung nguồn lực để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó có bệnh SXH nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân. Cùng với việc chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất... để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi có dịch xảy ra, ngành y tế còn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nêu cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.
 
Tại các địa bàn được xác định có yếu tố nguy cơ gây dịch cao, cán bộ y tế đã hướng dẫn cho người dân thực hiện những biện pháp diệt bọ gậy bằng nhiều cách, như thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, lật úp thau, chậu sau khi sử dụng, thường xuyên thay nước bình hoa, loại bỏ các vật liệu phế thải... và nhất định phải ngủ màn, mặc quần áo dài để phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
 
Các bác sĩ cũng khuyến cáo rằng, khi có các dấu hiệu nghi mắc bệnh, như: sốt cao, chảy máu cam, xuất huyết dưới da..., người dân nên đến ngay cơ sở y tế để được cán bộ y tế khám, tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà nhằm tránh các biến chứng có thể xảy ra.
                                                                               
Nh.V
,