.

Hướng tới kiểm soát nguồn gốc, chất lượng trái cây

.
21:24, Thứ Sáu, 16/11/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Trái cây là loại thực phẩm tươi, thời hạn sử dụng ngắn, nhưng ở các chợ trên địa bàn tỉnh ta, hầu hết mặt hàng này được bày bán rất dễ dãi. Đặc biệt, các chủng loại trái cây nhập ngoại tỉnh với số lượng nhiều, được bày bán tràn lan, khó kiểm soát thông tin về nguồn gốc, xuất xứ và an toàn thực phẩm (ATTP).
 
Đây cũng chính là nỗi lo lắng của người tiêu dùng khi hàng ngày vẫn mua sản phẩm sử dụng. Vì vậy, xây dựng mô hình hướng tới kiểm soát nguồn gốc, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh trái cây là việc làm rất cần thiết…
 
Thực trạng trái cây nhập ngoại tỉnh
 
Chợ Đồng Hới được xem là một trong những chợ đầu mối lớn nhất tỉnh. Qua tìm hiểu và khảo sát thực tế tại đây cho thấy, ngoài những tiểu thương kinh doanh, buôn bán sỉ mặt hàng trái cây thì tiểu thương bán lẻ khoảng trên 50 người, trong đó người bán trái cây nội tỉnh chiếm tỷ lệ rất ít và số lượng cũng hạn chế với vài chủng loại quen thuộc, như: chuối, ổi, dưa... theo hình thức “mùa nào thức ấy”. Trong khi đó, mặt hàng mà các chủ kinh doanh trái cây lớn bày bán hầu hết là trái cây nhập ngoại tỉnh, như: táo, lê, nho, quýt, sầu riêng, cam, bưởi…
 
Điều đáng nói, hoạt động buôn bán trái cây tại chợ diễn ra trong tình trạng nhập nhằng nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể, người bán trái cây không có thông tin và giấy tờ chứng minh về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, lượng tồn dư hóa chất…; việc bày bán cạnh các hàng bán thịt gia súc, gia cầm, thủy sản tươi sống làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo vi khuẩn; sản phẩm đổ đống trên vỉa hè, lòng đường...
 
Theo một số chủ kinh doanh trái cây tại đường Mẹ Suốt (phường Hải Đình, TP. Đồng Hới), việc mua bán trái cây chủ yếu qua điện thoại (người mua và người bán không biết nhau). Sau khi thỏa thuận giá cả, chủ vựa thuê xe vận chuyển trả hàng tại các chợ đầu mối. Từ các hộ tiểu thương bán sỉ, hàng chục mối bán lẻ từ khắp nơi đến đây để lấy hàng về bán.
 
“Nguồn hàng trái cây nhập ngoại tỉnh chủ yếu do các chủ đầu mối thu mua và gửi về. Tiểu thương chỉ lấy hàng và bày bán mà không thể nắm bắt cụ thể, rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ của từng sản phẩm, cũng như không dám chắc nguồn hàng có bảo đảm ATTP hay không…”, chị N.T N, chủ bán trái cây tại chợ Đồng Hới thừa nhận.
Chi cục QLCLNLTS tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng, ATTP các mặt hàng nông sản.
Chi cục QLCLNLTS tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng, ATTP các mặt hàng nông sản.
Không riêng tại các chợ đầu mối trong tỉnh, hiện trên các diễn đàn mạng xã hội, mặt hàng trái cây ngoại tỉnh được nhập về cũng được rao bán tràn lan. Đặc biệt, người bán không chỉ kinh doanh trái cây các vùng miền trong nước mà còn có cả trái cây nhập khẩu với đủ chủng loại, như: táo, nho, cam, cherry… Nhưng khi được hỏi về nguồn gốc, vấn đề VSATTP thì đa số người bán đều trả lời một cách chủ quan và nhập nhằng. Chính điều này đã làm cho người tiêu dùng thường trực mối lo lắng "không biết ăn gì cho an toàn”.
 
Theo ông Hoàng Văn Khơi, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (QLCLNLTS), bằng cảm quan rất khó có thể nhận biết được trái cây bảo đảm ATTP hay không vì mắt thường thì không thể phát hiện. Chỉ có người sản xuất (người trồng) và cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra mới biết chính xác điều này.
 
Từ đầu năm đến nay, chi cục đã chủ động thanh tra, kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng, ATTP các mặt hàng nông sản. Qua đó, đơn vị đã phát hiện 1 mẫu táo xanh dương tính với thuốc bảo vệ thực vật (trên tổng số 57 mẫu rau quả kiểm tra nhanh) và 1 mẫu táo xanh khác vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật quá giới hạn (trên tổng số 21 mẫu rau quả gửi phân tích tại phòng kiểm nghiệm). Cả 2 mẫu táo xanh này đều là trái cây nhập ngoại tỉnh.
 
Tuy nhiên, với tỉ lệ mẫu được lấy kiểm tra khá khiêm tốn thì rõ ràng kết quả mới chỉ mang tính đại diện cho số ít mà chưa phải là kết quả phản ánh chính xác cho số lượng trái cây nhập về trong tỉnh trong thời gian gần một năm.
 
Hướng tới việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng trái cây 
 
Theo bà Hồ Thị Tuyết Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLTS, trên địa bàn TP. Đồng Hới hiện có 2 nhóm kinh doanh trái cây, gồm: các siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng lớn chuyên kinh doanh trái cây; các chợ hoạt động với tính chất đầu mối và các chợ dân sinh. Do đặc thù kinh doanh theo truyền thống nên nhóm thứ 2 được đa số người tiêu dùng lựa chọn, vì vậy số lượng trái cây tiêu thụ tại các chợ hàng ngày khá lớn. Tuy nhiên, công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc mặt hàng trái cây tại thị trường này cũng có nhiều bất cập và khó khăn.
 
Trước hết, về yếu tố pháp lý, theo quy định của pháp luật hiện hành, các sản phẩm trái cây tươi không phải ghi nhãn hàng hóa và thực hiện thủ tục công bố sản phẩm. Mặt khác, hiện cũng chưa có quy định cụ thể về điều kiện vận chuyển, bảo quản trái cây, như: hồ sơ, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, bảo quản…
 
Trong khi đó, các tiểu thương buôn bán trái cây cũng không có nhật ký hay hồ sơ quản lý chất lượng theo quy định của Luật ATTP mà chỉ ghi theo sổ tay cá nhân hoặc hóa đơn bán lẻ. Các giấy tờ này lại không bảo đảm tin tưởng để truy xuất nguồn gốc.
 
Ngoài ra, hiện tại phòng kiểm nghiệm của đơn vị không đủ điều kiện để phân tích định lượng mà chỉ có thể kiểm tra nhanh định tính và cũng chỉ mới kiểm tra được một số ít các chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật chứ không phải tất cả các chất. Đây là tình trạng chung bởi hiện có khoảng hơn 2.000 hoạt chất bảo vệ thực vật sử dụng trong trồng trọt, bảo quản rau, củ, quả nhưng Việt Nam mới kiểm nghiệm được khoảng 600 chất…
 
Ngoài ra, lực lượng thanh tra chuyên ngành về QLCLNLTS còn quá mỏng, kinh phí lại có hạn nên gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát nông sản trên các phương tiện vận chuyển trước khi vào tiêu thụ trên địa bàn.
 
Với mục đích hướng tới việc kiểm soát nguồn gốc, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh trái cây và để người tiêu dùng không còn phải lo lắng khi mua sản phẩm, vừa qua Chi cục QLCLNLTS đã triển khai thí điểm ký cam kết với 11 cơ sở kinh doanh trái cây tại chợ Hoàn Lão (Bố Trạch).
 
Theo đó, nội dung cam kết, gồm: trái cây bày bán phải lưu giữ hóa đơn, chứng từ hoặc sổ ghi chép các thông tin về việc mua bán thể hiện được nguồn gốc của sản phẩm, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc khi sản phẩm mất an toàn; không kinh doanh trái cây bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt giới hạn cho phép; không sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng để bảo quản trái cây trong quá trình kinh doanh; quá trình bày bán phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho trái cây không tiếp xúc với côn trùng, động vật, bụi bẩn và các yếu tố gây ô nhiễm khác.
 
Với những quy định trên, người kinh doanh trái cây nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, chất lượng sản phẩm hàng hóa và các nghị định có liên quan.
 
Bà Hồ Thị Tuyết Minh nhấn mạnh thêm, việc ký cam kết vừa nhằm tuyên truyền, vừa nâng cao kiến thức về Luật ATTP cho đại diện các cơ sở kinh doanh trái cây trong việc chấp hành các quy định về kinh doanh thực phẩm. Quá trình triển khai thực hiện cũng sẽ góp phần tạo nên áp lực để các nhà sản xuất bắt buộc phải tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, nếu không sản phẩm sẽ không được tiêu thụ; đồng thời huy động sự vào cuộc của các đơn vị liên quan trong công tác quản lý, kiểm soát hoạt động kinh doanh trái cây. Hy vọng với những ưu điểm đó, việc thực hiện ký cam kết của người kinh doanh trái cây sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các chợ đầu mối để dẹp bỏ tình trạng kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm ATTP…
 
Thùy Lâm
,