.

Hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90

.
07:05, Thứ Tư, 28/11/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh ta được chú trọng với nhiều chương trình, hoạt động nhằm khống chế đến mức thấp nhất tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.
 
Tại hội nghị AIDS toàn cầu (7-2014) tổ chức ở Australia, Liên hợp quốc đã đưa ra mục tiêu 90-90-90, có nghĩa là đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV (thuốc kháng vi rút), 90% số người điều trị ARV kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Năm 2018 là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam theo đuổi và thực hiện mục tiêu 90-90-90. “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90” là chủ đề được Việt Nam chọn cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 (từ ngày 10-11 đến 10-12).
 
Các mục tiêu 90-90-90 là hết sức quan trọng, có tính chiến lược trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung, cũng như để kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Trong đó, mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Bởi lẽ, một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm thì có thể vô tình làm lây nhiễm cho người khác trong cộng đồng. Mặt khác, họ cũng không tiếp cận được các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và người cung cấp dịch vụ cũng không tiếp cận, cung cấp cách dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho họ.
Tuổi trẻ Quảng Bình tích cực hưởng ứng các hoạt động truyền thông nhằm hướng tới mục tiêu 90-90-90.
Tuổi trẻ Quảng Bình tích cực hưởng ứng các hoạt động truyền thông nhằm hướng tới mục tiêu 90-90-90.
Bác sĩ Nguyễn Anh Đông, Phó giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Thực hiện 3 mục tiêu trên, thời gian qua, tỉnh ta đã và đang triển khai nhiều hoạt động, trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông thay đổi hành vi nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt là nhóm người có hành vi, nguy cơ lây nhiễm HIV cao, như: người chích ma tuý, người mua, bán dâm.
 
Đặc biệt, kể từ khi Luật Phòng chống HIV/AIDS ra đời, công tác phòng chống HIV trên địa bàn toàn tỉnh đã có những bước chuyển mới trên mọi mặt. Thực hiện những nội dung của luật, các địa phương, đơn vị đã xây dựng nhiều hoạt động nhằm bảo vệ quyền, nghĩa vụ cho người nhiễm HIV, động viên người nhiễm HIV tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Toàn tỉnh đã triển khai thực hiện tốt công tác tư vấn xét nghiệm, can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV, hỗ trợ, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
 
Đến nay, lũy tích số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 1.390 người, trong đó, có 439 bệnh nhân AIDS (140 bệnh nhân AIDS đã tử vong). Từ đầu năm đến nay, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã thực hiện được 12.976 mẫu xét nghiệm, phát hiện 39 trường hợp nhiễm HIV. Trung tâm đã duy trì và giám sát hoạt động của 6 nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng, hỗ trợ điều trị với 17 thành viên tại các huyện: Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Đồng Hới và Quảng Ninh. Các nhóm này đã tích cực vận động những đối tượng nghiện chích ma túy tham gia điều trị methadone, đồng thời, giới thiệu người có hành vi, nguy cơ lây nhiễm cao đến với dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện và các dịch vụ y tế thân thiện khác. Nhờ đó, số người nhiễm HIV được tiếp cận sớm với các dịch vụ y tế ngày càng tăng, nhất là phụ nữ mang thai.
 
Tuy nhiên để đạt được các mục tiêu 90-90-90, tỉnh ta cũng đang đứng trước không ít rào cản, thử thách. Việc phát hiện người nhiễm HIV còn nhiều khó khăn vì không ít đối tượng có hành vi, nguy cơ lây nhiễm HIV cao ngại đến cơ sở y tế để được được xét nghiệm HIV tự nguyện. Hình thái lây nhiễm HIV/AIDS ở tỉnh ta chủ yếu là lây truyền qua đường tình dục. Điều này phản ánh thực tế là tình hình hoạt động mại dâm trên các địa bàn diễn biến khá phức tạp. Và con số này sẽ còn tăng lên khi tệ nạn mại dâm đang có chiều hướng gia tăng, hành động mua bán dâm đang diễn ra với nhiều hình thức. Đây cũng chính là thách thức cho công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay tại tỉnh ta.
 
Những năm gần đây, toàn tỉnh đã thực hiện đồng bộ các hoạt động, như: giám sát HIV/AIDS, điều trị người nhiễm HIV/AIDS, dự phòng lây truyền từ mẹ sang con…, song vẫn còn đó nhiều hạn chế nhất định. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống HIV/AIDS mà xem đó là hoạt động của ngành Y tế. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng xã hội đối với người nhiễm HIV vẫn còn khá phổ biến và chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở cơ sở.
 
Để đạt được mục tiêu 90-90-90, thời gian tới, toàn tỉnh cần tập trung nhiều hoạt động, trọng đó quan trọng hàng đầu là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm phổ biến đến người dân những kỹ năng, kiến thức phòng, chống HIV/AIDS. Ngành Y tế và các đơn vị liên quan sẽ triển khai một số hoạt động để mở rộng độ bao phủ việc cung cấp dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS trên địa bàn tỉnh.
                                                             
 Nh.V
,