.

Gia tăng tỷ lệ sinh con thứ 3 ở xã Ngân Thủy

.
15:02, Thứ Sáu, 16/11/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Thời gian qua, mặc dù các cấp chính quyền ở xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) đã quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ nguồn lực cho công tác tuyên truyền về dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), nhưng số lượng gia đình sinh con thứ 3 trở lên ở xã còn khá cao...
 
Xã Ngân Thủy có 534 hộ với 2.528 nhân khẩu, trong đó, chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống (70%). Xác định nâng cao chất lượng dân số là yếu tố giúp người dân ổn định cuộc sống, thời gian qua, Ban DS-KHHGĐ xã đã chủ động bám sát, phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền lồng ghép trong các hoạt động của mặt trận, các đoàn thể trong xã bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng.
 
Xã đã phát động phong trào thi đua thực hiện chính sách DS-KHHGĐ bằng việc ký kết giao ước thi đua giữa các ban, ngành, đoàn thể, giữa các thôn với xã trong thực hiện mục tiêu giảm sinh con thứ ba trở lên, tăng tỷ lệ người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại và duy trì việc giao ban định kỳ hàng tháng nhằm đánh giá kết quả đạt được trong tháng…
 
Theo thống kê của Ban DS-KHHGĐ xã, từ đầu năm đến nay toàn xã có 18/45 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên, (chiếm tỷ lệ 40%), tăng cao so với cùng kỳ năm 2016 (28%), tỷ suất sinh tự nhiên giảm xuống còn 18‰ (năm 2017 là 26‰). Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên tăng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều cặp vợ chồng. Các trường hợp sinh đông con phần lớn rơi vào những hộ nghèo và cận nghèo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ thất học, tỷ lệ hộ đói nghèo tăng cao.
Con đông là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ hộ nghèo tăng cao.
Con đông là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ hộ nghèo tăng cao.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, trong đó vẫn là do nhận thức của người dân còn hạn chế, nhiều gia đình vẫn nặng về quan niệm phải có con trai.
 
Bên cạnh đó, hiện nay số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn xã là hơn 400 cặp nhưng mới chỉ có 290 cặp sử dụng các biện pháp tránh thai (chiếm tỷ lệ 70%), còn 110 cặp vợ chồng chưa áp dụng biện pháp nào nên việc có thai ngoài ý muốn là không tránh khỏi. Một số trường hợp dù được cán bộ dân số hướng dẫn cách sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại nhưng vẫn bị vỡ kế hoạch do sử dụng các biện pháp tránh thai không bền vững.
 
Mặt khác, Ngân Thủy là xã miền núi có địa bàn dân cư rộng trải dài ở 6 thôn, địa hình phức tạp, nên khó khăn cho việc đi lại để tuyên truyền, vận động, giáo dục, thay đổi hành vi người dân trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ. Xã có 6 cộng tác viên dân số nhưng có đến 5 cộng tác viên là người dân tộc thiểu số nên khả năng lĩnh hội kiến thức và kỹ năng tuyên truyền còn hạn chế, chưa có chiều sâu. Thêm vào đó, người dân làm nương rẫy trên núi cao, có khi cả tuần mới về nên cộng tác viên tiếp cận rất khó.
 
Theo chân cán bộ DS-KHHGĐ của xã Ngân Thủy, chúng tôi đến thăm gia đình chị Hồ Thị Hà ở bản Khe Giữa, là 1 trong 18 cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên của xã trong năm nay. Qua 4 lần sinh trước, gia đình anh chị đều đã có đủ trai đủ gái, nhưng do vỡ kế hoạch, năm nay, chị lại sinh thêm một bé trai. Do liên tục sinh nở, mọi gánh nặng cơm áo cho 7 miệng ăn trong gia đình chỉ do một mình chồng chị gánh vác. Quanh năm hết làm rẫy rồi đi làm thuê, nhưng nhà chị vẫn không đủ ăn, thuộc diện hộ nghèo của xã. Thế nhưng, nhiều lần cán bộ dân số đến vận động dừng sinh, vợ chồng chị chỉ cười trừ và bảo vỡ kế hoạch.
 
Đáng nói là, nhiều cán bộ, đảng viên không gương mẫu trong thực hiện chính sách dân số, sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật để sinh thêm con. Trong 18 trẻ là con thứ 3 trở lên được sinh ra thì có đến 5 trẻ là con của cán bộ, đảng viên. Việc này không chỉ gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên mà còn ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách dân số.
 
Gia tăng tình trạng sinh con thứ 3 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của một bộ phận người dân. Giải quyết vấn đề này, ngoài nỗ lực của cán bộ dân số rất cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể. Bên cạnh đó, cũng cần có những chế tài xử lý thật nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ.
 
Phạm Hà
,