.

Để y tế cơ sở tròn vai 'người gác cổng'

.
07:36, Thứ Hai, 12/11/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Xác định, mạng lưới y tế cơ sở (YTCS), nhất là tuyến xã có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho YTCS, góp phần làm giảm gánh nặng cho y tế tuyến trên.
 
Tăng cường nguồn lực cho YTCS
 
Từ việc tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đến nay, mạng lưới YTCS trên địa bàn tỉnh ta từng bước được củng cố, hoàn thiện. Toàn tỉnh có 159/159 trạm y tế (TYT) xã, phường, thị trấn có bác sĩ, y sĩ và trên 1.000 nhân viên y tế thôn bản hoạt động. Hầu hết các TYT đều được xây dựng kiên cố và có các phòng chức năng, như: phòng khám bệnh, kho dược, phòng lưu bệnh nhân, phòng khám phụ khoa, phòng đẻ, phòng tiêm, phòng trực... Đây là điều kiện thuận lợi để các TYT triển khai tốt những hoạt động chuyên môn.
 
Đi đôi với xây dựng cơ sở hạ tầng, các TYT xã còn được trang bị  nhiều thiết bị, như: máy siêu âm, máy đo đường huyết, máy hút đờm, xe đẩy tiêm, máy đo huyết áp, máy phân tích nước tiểu, máy tạo ô xi, hệ thống camera giám sát và các thiết bị cận lâm sàng khác. Một số địa phương đã tranh thủ từ những nguồn lực khác nhau để đầu tư cho lĩnh vực y tế, như: xã Nhân Trạch, thị trấn Nông trường Việt Trung, Sơn Trạch (Bố Trạch), Mai Hóa, Văn Hóa, (Tuyên Hóa), Quảng Phương, Cảnh Dương (Quảng Trạch), Quảng Thuận, Ba Đồn (thị xã Ba Đồn)….
 
Nhờ được tăng cường nguồn lực từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn ngày càng cao nên công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các TYT đã triển khai tốt nhiệm vụ quản lý, theo dõi sức khỏe cho các đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi và người tham gia bảo hiểm y tế. Một số bệnh xã hội, như: phong, lao, tâm thần, bướu cổ… được quản lý, theo dõi và phối hợp điều trị khá hiệu quả. Đại đa số người dân, đặc biệt là người nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn.
 
Năm 2017, ngành y tế tỉnh ta đã triển khai sáp nhập các TYT về Trung tâm y tế huyện, thành phố quản lý (trước đây do Phòng Y tế quản lý). Sự thay đổi này bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc đổi mới mô hình y tế, chất lượng hoạt động của các TYT được nâng lên rõ rệt. Bác sĩ Lê Đình Thi, Giám đốc Trung tâm y tế Minh Hóa cho biết: Sau khi tiếp nhận các TYT, đơn vị đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới YTCS. Cán bộ y tế của trung tâm đã tích cực bám cơ sở để hỗ trợ các trạm triển khai tốt công tác khám, chữa bệnh; đồng thời, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương.
 
Thời gian qua, các trung tâm y tế huyện, thị xã đã chú trọng đến việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ các TYT. Qua đó, cán bộ được tiếp cận các phương pháp mới trong công tác khám, chữa bệnh và được cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như các mô hình bệnh tật mới để từ đó xây dựng giải pháp cụ thể nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân.
TYT xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) đang thực hiện phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.
Trạm y tế xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) đang thực hiện phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.
Công tác xây dựng TYT đạt chuẩn quốc gia cũng được ngành y tế và các địa phương hết sức chú trọng. Đến nay, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế chiếm 88%. Dẫn đầu là TP. Đồng Hới với 100% xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Một số địa phương có tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế cao, như: huyện Bố Trạch, Quảng Ninh (93%), Lệ Thủy (92,8%), Quảng Trạch (88%). Kết quả đó góp phần quan trọng trong việc đưa dịch vụ y tế đến gần hơn với người dân, tạo tiền đề khá vững chắc để tiến tới thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện cho người dân trên các địa bàn dân cư.
 
Vẫn còn nhiều bất cập
 
Dù đã được tăng cường đầu tư về mọi mặt, nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, mạng lưới YTCS vẫn chưa thực sự thích ứng với sự phát triển của xã hội và sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật; chưa thực hiện tròn vai “người gác cổng” trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân của ngành y tế.
 
Trên thực tế, nhiều người dân có thẻ BHYT không mặn mà với việc chăm sóc sức khỏe ban đầu tại TYT mà chọn cách vượt tuyến và phải chi trả một khoản tiền không nhỏ cho việc khám, điều trị bệnh tật. Nguyên nhân của vấn đề trên một phần là do chất lượng dịch vụ và lòng tin của người dân đối với YTCS chưa thực sự vững chắc. Trong bối cảnh mô hình bệnh tật đang có nhiều thay đổi, đòi hỏi y tế tuyến cơ sở phải thay đổi về mọi mặt từ việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đến phong cách ứng xử, giao tiếp… nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
 
Để YTCS từ chỗ chỉ là tuyến dưới, trở thành trung tâm và giữ vai trò là "người gác cổng", góp phần nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh, ngành y tế đã và đang thực hiện đổi mới mô hình y tế, trong đó có YTCS, nhằm bảo đảm tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, ngành y tế tiếp tục xây dựng các giải pháp nhằm cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện, giúp mọi người dân dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ y tế với chi phí thấp, góp phần thực hiện mục tiêu "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng" mà Nghị quyết 20 Hội nghị Trung ương 6, khóa 12 đã đặt ra với ngành y tế.
                                                                 
 Nhật Văn
,