.

Tăng cường xã hội hóa các phương tiện tránh thai

.
08:27, Thứ Ba, 14/08/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Thời gian qua, cùng với việc bảo đảm hậu cần các phương tiện tránh thai, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã chỉ đạo các Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh xã hội hóa các phương tiện tránh thai nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ.
 
Thực hiện KHHGĐ và kiểm soát tăng dân số, những năm trước đây, phần lớn các phương tiện tránh thai (PTTT) đều được cấp miễn phí, đối tượng có nhu cầu thường tìm đến các dịch vụ cung cấp của Nhà nước hay hệ thống dân số các cấp để được nhận miễn phí các PTTT theo chương trình.
 
Tuy nhiên, tiến bộ kỹ thuật và xã hội dẫn đến nhu cầu về PTTT của người dân ngày càng đa dạng, việc xã hội hóa (XHH) các PTTT là một xu thế tất yếu, không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà còn từng bước thay đổi cách nghĩ của người dân trong việc chủ động sử dụng các PTTT tốt nhất và phù hợp với mình để bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
 
Ở tỉnh ta, ngày 24-2-2017, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2015-2020". Mục tiêu của đề án là từng bước nâng cao nhận thức của người dân về XHH các phương tiện tránh thai, từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân về XHH PTTT trong tình hình mới. Đồng thời, đề án huy động và nâng cao hiệu quả của các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho chương trình DS-KHHGĐ phù hợp với xu hướng phát triển.
 
Trong giai đoạn 2017-2018, đề án được thực hiện thí điểm tại 25 xã/phường/thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, TP. Đồng Hới có 10 phường thực hiện, thị xã Ba Đồn 6 phường và 9 xã/thị trấn thuộc huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy. Dự kiến, giai đoạn 2019-2020, đề án sẽ mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh, điều chỉnh chính sách phù hợp, triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công mục tiêu đề ra.
Sự đầu tư nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân là điều cần thiết trong bước đầu xã hội hóa các phương tiện tránh thai.
Sự đầu tư nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân là điều cần thiết trong bước đầu xã hội hóa các phương tiện tránh thai.
Nhằm thực hiện chính sách XHH các PTTT, Chi cục DS-KHHGĐ đã chỉ đạo các Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thành phố, thị xã luôn tích cực tiếp thị các PTTT trên địa bàn tỉnh với mục tiêu đẩy mạnh chương trình tiếp thị bao cao su, thuốc uống tránh thai thông qua mạng lưới cộng tác viên dân số nhằm tăng khả năng tiếp cận, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu phương tiện tránh thai có giá thành thấp, chất lượng tốt cho người dân; hướng tới sự công bằng trong dịch vụ DS-KHHGĐ, góp phần hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ  trên địa bàn tỉnh.
 
Xác định rõ vai trò quan trọng của việc XHH các phương tiện tránh thai, từ nhiều năm nay, Trung tâm DS-KHHGĐ TP. Đồng Hới đã sớm triển khai công tác tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai thông qua các cộng tác viên dân số, các quầy thuốc tư nhân, cơ sở y tế, khách sạn và nhà nghỉ trên địa bàn thành phố… Năm 2017, trung tâm đã nhận về và bán hết 9.648 hộp bao cao su Hello, 1.700 chiếc bao cao su Yes, 100 vỉ thuốc tránh thai Love Pill, 30 hộp dung dịch vệ sinh Vagia và 40 hộp thuốc sắt Precnatal. 6 tháng đầu năm 2018, trung tâm đã nhận về và bán được 9.000 bao cao su, đạt 100% kế hoạch tiếp thị xã hội được giao.
 
Bà Đặng Thị Minh Nga, Phó giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ TP. Đồng Hới cho biết, để làm tốt công tác XHH các PPTT, sau khi tiếp nhận các PTTT, trung tâm lập kế hoạch phân phối, giao chỉ tiêu tiếp thị cho các xã, phường, sau đó các xã, phường sẽ giao cho các cộng tác viên và cùng họ thực hiện công tác tiếp thị xã hội trên chính địa bàn của mình. Quan trọng nhất vẫn là mạng lưới cộng tác viên, nhờ có sự tuyên truyền quảng bá của đội ngũ này mà phần lớn người dân trên địa bàn TP. Đồng Hới đã chuyển đổi dần tư duy nhận miễn phí sang việc bỏ tiền tự trang trải, tùy chọn các biện pháp tránh thai thích hợp theo nhu cầu của mình.
Việc tiếp thị xã hội các PTTT ở khu vực thành thị tương đối dễ hơn so với khu vực nông thôn miền núi do đời sống kinh tế khá giả hơn.
 
Theo ông Vũ Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Tuyên Hóa, Tuyên Hóa là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa đời sống người dân hết sức khó khăn, phức tạp. Tư tưởng người dân còn trông chờ, ỷ lại trợ cấp của Nhà nước nên vấn đề tiếp thị xã hội rất khó khăn. Với họ, để bỏ ra một khoản tiền cho việc mua các PPTT cũng là một khó khăn. Do đó, việc thay đổi nhận thức từ được cấp phát miễn phí sang mua bán, dịch vụ đối với các đối tượng này cũng không phải dễ dàng. Hiện nay, các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng thuộc diện chính sách… vẫn đang rất cần sự tài trợ các PTTT từ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Năm 2017, toàn huyện chỉ thực hiện được 77,9% chỉ tiêu tiếp thị xã hội các PTTT; trong 6 tháng đầu năm 2018, mới chỉ đạt 53% chỉ tiêu tiếp thị bao cao su, 37% đối với thuốc uống tránh thai NightHappy.
 
Không chỉ riêng huyện Tuyên Hóa, thực tế hiện nay, công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, các đối tượng nghèo, cận nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vẫn chưa quen với việc tự mua các PTTT để sử dụng nên việc kêu gọi hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực sự rất cần thiết.
 
Trong năm 2018, tỉnh ta đã được tổ chức Marie Stopes International (MSI) hỗ trợ chi phí thuốc thiết yếu, vật tư tiêu hao và chi phí dịch vụ cho 6.000 ca đặt dụng cụ tử cung. Việc hỗ trợ này nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ KHHGĐ chất lượng của hệ thống y tế công, góp phần cải thiện sức khỏe phụ nữ và phát triển bền vững chương trình DS-KHHGĐ.
 
Ngoài ra, tổ chức DKT Internationnal Inc đã cung cấp miễn phí các PTTT, gồm: 720 hộp bao cao su, 6.000 vòng tránh thai, 3.000 vỉ thuốc tránh thai khẩn cấp; tổng trị giá trên 106 triệu đồng.
 
Các lô hàng hóa này dự kiến sẽ cung cấp miễn phí cho bà con các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Để hoạt động XHH các PTTT trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng, tăng cường sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền sản phẩm tới người dân. Mặt khác, trong bước đầu giai đoạn XHH, cần huy động đầu tư nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp hoặc Nhà nước để giảm giá thành sản phẩm, đa chủng loại các PTTT, sau khi người dân đã quen với việc bỏ tiền mua thì có thể tăng giá bán phù hợp.
 
Thanh Hoa
,