.
Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11-7:

Kế hoạch hóa gia đình từ quyền con người đến phát triển bền vững

.
14:37, Thứ Tư, 11/07/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Việc Quỹ Dân số Liên hợp quốc chọn chủ đề cho Ngày Dân số thế giới 11-7 năm nay: “Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững” thực sự có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), nhất là với một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và chưa đạt mức sinh thay thế như tỉnh ta.
 
Sau lời khẳng định, các cặp vợ chồng hoàn toàn có quyền tự mình đưa ra các quyết định về thực hiện KHHGĐ cho chính bản thân mình tại hội nghị quốc tế đầu tiên về quyền con người do Liên hợp quốc tổ chức vào năm 1968, với 50 năm nỗ lực và thu được những tiến bộ to lớn, hiện nay vẫn còn hơn 200 triệu phụ nữ có nhu cầu tránh thai nhưng chưa tiếp cận được với các dịch vụ và biện pháp tránh thai hiện đại. Trước thực trạng đó, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nói rõ, tiếp cận KHHGĐ là quyền cơ bản của mỗi người; đầu tư cho KHHGĐ đóng vai trò then chốt trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
 
Tại Việt Nam, tổng tỷ suất sinh đã giảm, từ mức mỗi cặp vợ chồng có tới 5 con vào những năm 1970, đến nay tỷ lệ này đã ở mức sinh thay thế là 2,09 con tại thời điểm 2016. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 37% trong năm 1988 lên 67% trong năm 2016. Các chỉ số sức khỏe như tử vong mẹ đã giảm từ 233/100.000 vào những năm 1990 xuống đến 69/100.000 năm 2009 và hiện đã giảm xuống 58,3/100.000 vào năm 2016.
 
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ đáng kể, nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức ở Việt Nam cũng như trên phạm vi toàn cầu, đó là hầu hết những phụ nữ chưa được đáp ứng nhu cầu về các phương tiện tránh thai an toàn và hiệu quả sống ở 69 nước nghèo nhất trên thế giới. Đáp ứng nhu cầu các biện pháp KHHGĐ hiện đại sẽ cứu sống được nhiều phụ nữ do ngăn chặn được các trường hợp mang thai ngoài ý muốn, các biến chứng có thể xảy ra trong giai đoạn mang thai và khi sinh nở, nhất là với trẻ em gái lứa tuổi từ 15-19 tuổi.
 
Ở Việt Nam, kết quả của cuộc nghiên cứu đánh giá chất lượng KHHGĐ do Bộ Y tế, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của UNFPA cũng cho thấy, 80,5% phụ nữ kết hôn trong độ tuổi 15-49 đang sử dụng một biện pháp tránh thai nào đó, trong đó, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 64,4%. Đặt vòng tránh thai là biện pháp phổ biến nhất (25,2%), tiếp theo là thuốc tránh thai (19,3%) và bao cao su (13,3%). Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở khu vực Đông Nam bộ cao nhất và tỷ lệ này lại thấp nhất ở khu vực đồng bằng sông Hồng.
 
Tổng tỷ suất phá thai ở Việt Nam hiện nay là 0,42, có nghĩa là cứ 5 phụ nữ thì có 2 người đã từng phá thai ít nhất một lần trong toàn bộ giai đoạn sinh sản. Khoảng 17,4% phụ nữ đã từng phá thai trong cuộc đời của mình, trong đó tỷ lệ ở khu vực thành thị là 19,6% và ở khu vực nông thôn là 16,5%. Bên cạnh đó, một vấn đề cần quan tâm nữa đó là trong tổng số 93% khách hàng hài lòng về chất lượng dịch vụ thì chỉ có 40% trong số đó sẽ giới thiệu các cơ sở cung cấp dịch vụ này cho hàng xóm và người thân. Với con số này chúng ta chưa thể hy vọng vào sự tăng nhanh và bền vững trong việc sử dụng các dịch vụ KHHGĐ của người dân trong vài năm tới. Tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giới thiệu là rất lớn; mọi người dân, nhất là những đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ cần được biết thông tin đầy đủ và nhận dịch vụ có chất lượng thông qua nhiều kênh khác nhau... Có như vậy, chúng ta mới có thể có sự thay đổi đột biến nhằm giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ và giúp cho người dân hiểu rằng KHHGĐ là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất.
 
Đầu tư vào công tác KHHGĐ chính là đầu tư nhằm cải thiện sức khoẻ và thực hiện các quyền của phụ nữ và các cặp vợ chồng trên toàn thế giới. Đây cũng được coi là cơ hội để kêu gọi sự vào cuộc của nam giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ thông qua các vai trò là chồng, là cha, là bạn tình... nhằm thực thi quyền bình đẳng về giới và sinh sản. Những tác động tích cực này giúp vị thế của mỗi con người, nhất là phụ nữ được nâng cao, giúp họ có được nhiều cơ hội tiếp cận với các nền giáo dục tốt hơn, có được những vị trí xã hội cao hơn…, góp phần tạo ra những lợi ích kinh tế rõ ràng hơn, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của một vùng, một địa phương, một quốc gia và trên cả toàn cầu.
 
Tỉnh ta là một trong những tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế, với mức sinh còn cao, tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm chậm và chưa thật sự vững chắc, đang có chiều hướng gia tăng trở lại ở một số địa phương (số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 2013 là 2,22, năm 2016 là 2,35). Trước thực trạng đó, chúng ta phải nắm bắt và xác định rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của KHHGĐ, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động đối tượng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại miễn phí theo quy định thì việc đẩy mạnh thực hiện chương trình tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa bàn là hết sức cần thiết nhằm đạt các chỉ tiêu dịch vụ KHHGĐ, góp phần không nhỏ vào giảm tỷ suất sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên.
 
Thời gian qua, chương trình tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai (PTTT) trên địa bàn toàn tỉnh được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, sự nhiệt tình, tận tụy trong công tác tuyên truyền, vận động của đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ, bước đầu đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của một bộ phận người dân; từng bước đưa các PTTT đến gần hơn với người dân, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nam giới, thanh niên có nhu cầu sử dụng bao cao su và viên uống tránh thai liều thấp mà không phụ thuộc quá nhiều vào viện trợ, tài trợ từ ngân sách nhà nước.
 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác xã hội hóa PTTT và cung cấp hàng hóa SKSS bước đầu còn gặp nhiều khó khăn, nhất là với một tỉnh có thu nhập bình quân đầu người còn thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, từ lâu người dân đã quen với việc được Nhà nước “bao cấp, miễn phí” dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, nhất là trong các đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép hàng năm... như Quảng Bình. Vì vậy, bên cạnh việc cấp phát PTTT miễn phí đúng đối tượng theo quy định thì việc đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm xã hội hóa PTTT và hàng hóa SKSS, huy động sự tham gia của cộng đồng... là một trong những trọng trách của những người làm công tác dân số và của toàn xã hội nhằm ngày một thúc đẩy, phát huy hết ý nghĩa, tầm quan trọng của KHHGĐ trong đời sống của mỗi người dân.
 
Với cam kết của UNFPA tại Việt Nam: “Sẽ luôn chung tay hỗ trợ Chính phủ và người dân Việt Nam để mọi người dân có thể được tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe -bao gồm cả các dịch vụ chăm sóc SKSS/sức khỏe tình dục...”, chúng ta cùng tin tưởng rằng những khó khăn, thách thức trong vấn đề KHHGĐ, nhất là đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Quảng Bình, sẽ được tháo gỡ bằng nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc giúp người dân biết rõ lợi ích của KHHGĐ và tận dụng tốt những lợi ích đó nhằm tiếp cận nhanh hơn với một đời sống xã hội ngày càng phát triển, công bằng và văn minh... cũng là trách nhiệm của mỗi một chúng ta.
 
Lê Thanh Tuân
PGĐ Sở Y tế, Phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh
,