.

Đừng chủ quan với bệnh dại!

.
08:19, Thứ Sáu, 29/06/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Gần đây, số người nghi bị chó dại cắn đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để tiêm vắc xin phòng chống bệnh dại gia tăng đột biến. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh dại và các biện pháp phòng chống, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
 
P.V: Xin bác sĩ cho biết những đặc điểm chung của bệnh dại?
 
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp: Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, nguồn truyền bệnh chủ yếu là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng, nhất là từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt… và nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng hay nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ lây truyền ở chó nhà là từ 3 đến 7 ngày (tối đa 10 ngày) trước khi chó có triệu chứng dại và trong suốt thời kỳ mắc bệnh. Ở người, vi rút đào thải qua các tiết chất (nước bọt, nước mắt, nước tiểu…) của người bệnh trong suốt thời gian phát bệnh.
 
Tuy nhiên, khả năng lây truyền từ người sang người là rất hiếm gặp. Chó nghi dại thường có các biểu hiện lâm sàng chia thành 2 thể là thể điên cuồng và thể dại câm (bại liệt), đôi khi lại có cả hai thể lâm sàng xen kẽ nhau. Ở thời gian đầu, chó có biểu hiện điên cuồng, bị kích động rồi sau đó chuyển sang dạng bị ức chế và bại liệt. Thông thường thì khi chó mắc bệnh dại có thể chết trong vòng 10 ngày kể từ khi có triệu chứng dại đầu tiên. Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn, vết cào hoặc liếm của động vật bị dại lên trên lớp da bị tổn thương. Cách nhận biết dấu hiệu của người bị bệnh dại là khi có triệu chứng đau hoặc ngứa ở vết cắn (trên 80% các trường hợp), sốt, mệt mỏi, đau đầu kéo dài 2-4 ngày, sợ nước…
 Cán bộ y tế tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho người dân
Cán bộ y tế tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho người dân
P.V: Đâu là nguyên nhân làm gia tăng bệnh dại trên động vật và phải làm gì để phòng chống bệnh dại trên người, thưa bác sĩ?
 
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp: Nguyên nhân làm gia tăng bệnh dại là do tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó rất thấp trong khi mùa hè thời tiết nóng bức, nguy cơ phát sinh bệnh dại trên chó rất cao. Điều rất đáng lo ngại là đến nay, vẫn không có phương pháp điều trị đặc biệt nào khi đã phát bệnh. Vì thế, bệnh gây tử vong 100% ở người mắc. Các chuyên gia của Bộ Y tế khuyến cáo: nếu bị chó, mèo hay các động vật khác bị dại hoặc nghi ngờ bị dại cắn, cần tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm, nhất là khi vết cắn gây xước da và vết thương chảy máu, màng nhầy ở vùng da tiếp xúc với nước bọt của động vật nghi dại. Là bệnh nguy hiểm song bệnh dại trên người có thể phòng, điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của cán bộ thú y là biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh dại.
 
Khi bị chó cắn, người dân không được chủ quan mà phải thực hiện ngay việc rửa vết thương với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường khác dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng 10-15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để phòng bệnh dại. Vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và sau đó phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích vào vết cắn của động vật, không băng bó, đắp thuốc kín vết thương. Khi con vật đã được xác định mắc bệnh dại phải tiêu hủy ngay để ngăn chặn sự lây truyền bệnh sang súc vật khác và lây truyền sang người; phải cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại.
 
P.V: Có thông tin cho rằng, việc tiêm vắc xin phòng dại có thể gây tổn hại cho sức khỏe, bác sĩ có thể nói rõ hơn về điều này?
 
- Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp: Tất cả các loại vắc xin phòng bệnh dại cho người đều đã phải trải qua các kiểm định về chất lượng cũng như hiệu lực, độc tính, độ an toàn và vô trùng. Tất nhiên, cũng như các loại vắc xin khác, vắc xin phòng dại khi tiêm vào người đều có những phản ứng phụ, song không đáng kể. Hầu hết các trường hợp được tiêm phòng vẫn tiếp tục làm việc, lao động bình thường mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
 
P.V: Được biết, số người tham gia tiêm phòng bệnh dại tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh gia tăng đột biến, vậy tình trạng trên có gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động động của đơn vị, thưa bác sĩ?
 
- Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp: Những tháng gần đây, số người đến tiêm phòng bệnh dại do bị chó, mèo cắn tại các cơ sở y tế tăng đột biến. Theo số liệu thống kê, trong 2 tháng (tháng 4 và 5), đã có 461 người đến cơ sở y tế để tiêm phòng bệnh dại, tăng 152 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng từ đầu tháng 6 đến nay, đã có 146  trường hợp bị súc vật cắn đến tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Với số lượng người có nhu cầu lớn, đơn vị đã sắp xếp bố trí nhân lực phù hợp, chủ động nguồn vắc xin để tiêm và thực hiện điều trị dự phòng cho người dân. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tiêm phòng, các hoạt động giám sát, tư vấn sức khỏe cho người dân cũng được đơn vị hết sức chú trọng. Thông qua nhiều hình thức, chúng tôi đã lồng ghép công tác tuyên truyền đến người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng chống bệnh dại trước và sau phơi nhiễm cho người và động vật để người dân chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.
 
P.V: Xin cảm ơn bác sĩ!
                                                                                                                                         Nhật Văn (thực hiện)
,