.

Bộ Y tế: Sẽ nghiêm cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên

.
08:16, Thứ Bảy, 09/06/2018 (GMT+7)
Nghiêm cấm quảng cáo, giới thiệu sản phẩm dưới mọi hình thức, trên tất cả các phương tiện quảng cáo đối với rượu, bia từ 15 độ trở lên.
Ảnh minh họa. (Nguồn: The Irish Times)
Ảnh minh họa. (Nguồn: The Irish Times)
Quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ trên báo hình, báo nói chỉ được thực hiện từ 22 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau.
 
Những nội dung trên được Bộ Y tế đưa ra trong Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia sau khi lấy ý kiến bộ, ngành, doanh nghiệp.
 
Theo bà Trần Thị Trang - Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), để đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu bia, về hoạt động quảng cáo, trong Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia sẽ siết chặt đối với các hoạt động quảng cáo các sản phẩm này tới người dân.
 
Bộ Y tế cũng đề xuất nghiêm cấm quảng cáo bia, rượu dưới 15 độ trong các chương trình, kênh truyền hình, phim và ấn phẩ khác có đối tượng trẻ em, trên các phương tiện giao thông, phương tiện quảng cáo ngoài trời, trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử, trừ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu bia.
 
Bà Trang cho hay, kiểm soát soát quảng cáo là một trong ba giải pháp quan trọng mà các nước hướng tới để giảm sử dụng rượu bia. Hiện nay, trên thế giới đã có 17 nước đã cấm hoàn toàn trên các phương tiện truyền thông, có 80 quốc gia cấm một phần.
 
Tại hội thảo cung cấp thông tin về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia diễn ra sáng 8/6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động cần phải được kiểm soát chặt chẽ để giảm mức tiêu thụ.
 
Về mức độ tiêu thụ rượu, bia nếu quy đổi ra số lít cồn nguyên chất thì bình quân người trên 15 tuổi/năm ở Việt Nam đã tăng nhanh.
 
Cụ thể, bình quân người trên 15 tuổi/năm tăng từ 3,8 lít trong giai đoạn 2003-2005 lên 6,6 lít trong giai đoạn 2008-2010 và lên tới 8,3 lít vào năm 2016 - đã tăng tới 118%.
 
Như vậy, Việt Nam đã tăng 30 bậc theo xếp loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ vị trí 94 lên vị trí 64/194 quốc gia.
 
Theo Báo cáo thực trạng toàn cầu về đồ uống có cồn và sức khỏe của WHO, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh hơn từ rượu nên tác hại do sử dụng bia cũng đang ngày càng gia tăng.
 
Hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về sản xuất kinh doanh rượu bia khá đầy đủ, có 85 văn bản từ Luật, Nghị định, Nghị quyết, chỉ thị, thông tư. Tuy nhiên công tác này vẫn chưa được quản lý tốt.
 
Lý giải về vấn đề này, ông Quang cho hay, đã có 85 văn bản liên quan đến hoạt động quản lý rượu, bia trong đó tính đến nay chỉ còn 33 văn bản có hiệu lực. Tuy nhiên, các văn bản này chủ yếu điều chỉnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và xử phạt rất ít các hành vi vi phạm liên quan đến rượu bia. Do đó, còn một khoảng trống rất lớn các nội dung chưa được điều chỉnh đặc biệt là các quy định mang tính phòng ngừa tác hại của rượu bia.
 
Vì vậy, cần thiết phải có một luật quy định bao phủ các hoạt động kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu, bia, kiểm soát việc cung cấp rượu bia, giảm tác hại của rượu bia…/.
Theo THÙY GIANG (VIETNAM+) 
,