.

Nỗ lực đưa công tác dân số vào trường học

.
14:44, Thứ Ba, 17/04/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên (VTN/TN) là giai đoạn có sự thay đổi mạnh mẽ về cả sinh lý và tâm lý. Các em vẫn còn hạn chế hiểu biết về kiến thức giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD), trong khi lại có tâm lý tò mò, thích khám phá. Chính vì vậy, việc phổ biến kiến thức về SKSS để giúp các em có một cuộc sống lành mạnh là rất cần thiết.
 
Những năm gần đây, giới trẻ có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin hơn, đặc biệt là về SKSS, SKTD. Những thông tin về giới tính không chuẩn xác đôi khi làm cho giới trẻ lúng túng, thậm chí lệch lạc về nhận thức và có thể dẫn đến hành vi sai trái. Do đó, thời gian qua, cùng với việc tăng cường công tác truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi về dân số, SKSS/SKTD cho các em VTN/TN tại cộng đồng, Sở Giáo dục - Đào tạo, Chi cục Dân số - KHHGĐ cùng với các ban, ngành, đoàn thể liên quan đã tích cực phối hợp đưa các kiến thức về dân số - KHHGĐ vào trường học nhằm giúp các em hiểu hơn các vấn đề liên quan đến SKSS/SKTD, tình bạn khác giới, tình yêu, tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và các vấn đề cần biết trước khi kết hôn...
 
Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh là địa chỉ tin cậy dành cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh đến học tập. Xa gia đình, không có sự kèm cặp, quản lý của bố mẹ, sống tập thể nội trú, nên việc yêu sớm vẫn thường xuyên xảy ra, cá biệt có những trường hợp phải bỏ học giữa chừng... Mặt khác, với sự phát triển của mạng Internet, nhiều hình ảnh, clip về tình dục đã gây tò mò và tác động tiêu cực đến hành vi, suy nghĩ của học sinh.
 
Ông Trần Đức Tài, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục dân số và kiến thức về SKSS/SKTD, ngay từ thời điểm bắt đầu năm học mới, công tác này đã được trường tích cực đẩy mạnh, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: lồng ghép nói chuyện trong các buổi chào cờ đầu tuần, các buổi sinh hoạt ngoại khóa, mời cán bộ của Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh, Chi cục Dân số - KHHGĐ đến nói chuyện chuyên đề với các em, giải đáp những thắc mắc khi các em gặp phải…
 
Mặt khác, nhà trường cũng đã thực hiện lồng ghép giáo dục dân số, SKSS, giáo dục giới tính thông qua các môn học, như: địa lý, sinh học, giáo dục công dân… Ở môn địa lý, các em được cung cấp các kiến thức về số lượng dân số, tỷ suất tăng dân số hiện tại và khả năng tăng dân số sắp tới, mật độ dân số, phân bổ dân cư…. Còn môn sinh học và giáo dục công dân, các thầy cô giáo đã cung cấp cho các em những kiến thức cơ bản về cơ thể người và các vấn đề sinh sản, các kiến thức về giới tính, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân số - SKSS/KHHGĐ…
 
Nhờ sự quản lý chặt chẽ của nhà trường cùng với việc thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về SKSS/SKTD, những năm gần đây, tình trạng bỏ học giữa chừng của các em học sinh ngày càng giảm, các em không còn rụt rè, e ngại mà còn mạnh dạn hơn khi trao đổi vấn đề “nhạy cảm” với thầy cô trong nhà trường.
  Trường THPT Lệ Thủy tổ chức ngoại khóa về sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Trường THPT Lệ Thủy tổ chức ngoại khóa về sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Trường THPT Lệ Thủy là một trong 35 điểm nổi bật triển khai hiệu quả mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” trong toàn tỉnh. Được thành lập từ năm 2010, Câu lạc bộ (CLB) SKSS VTN/TN của nhà trường đã có nhiều hoạt động hiệu quả, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh. Thầy Trần Duy Thưởng, Bí thư Đoàn Trường THPT Lệ Thủy cho biết: "Hiện CLB có 45 thành viên tham gia, sinh hoạt mỗi quý một lần. Mỗi năm, ngoài các buổi sinh hoạt định kỳ thì CLB đều triển khai từ 2-3 buổi sinh hoạt ngoại khóa nhằm tuyên truyền kiến thức giới tính, SKSS/SKTD thông qua các tiết mục kịch nói, trò chơi, văn nghệ, thi tài năng hùng biện… do các em học sinh thực hiện. Nhờ các buổi sinh hoạt nhận thức của học sinh về vấn đề SKSS/SKTD đã có sự chuyển biến rõ nét, từ chỗ ngại ngần, khó nói các em đã mạnh dạn đặt câu hỏi, thắc mắc của mình khi có cán bộ dân số đến tuyên truyền và tư vấn".
 
Đặc biệt, CLB cũng đã tạo nhóm Facebook riêng để chia sẻ những thông tin liên quan đến vấn đề giáo dục giới tính, SKSS/SKTD, thu hút gần 600 thành viên tham gia. Đây cũng là nơi để các bạn trẻ hỏi đáp những thắc mắc ở tuổi dậy thì và đã có những lời khuyên tốt nhất về vấn đề đó. Chủ nhiệm của CLB thường xuyên khuyến khích các em bằng những dòng trạng thái như: “Đừng ái ngại về những chuyển biến trên cơ thể của các bạn, hãy mạnh dạn chia sẻ với chúng tôi, chúng tôi sẽ đưa ra những lời khuyên tốt nhất dành cho bạn”; “Tất cả đều bình thường ở tuổi chúng mình, khi kiến thức về giới tính được các bạn hiểu đúng, các bạn sẽ tự tin, thoải mái trong cuộc sống hàng ngày, hãy tìm đến chúng tôi khi bạn cần tư vấn”…
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 7 điểm trường hoạt động khá hiệu quả mô hình “Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân”, như: Trường đại học Quảng Bình, Trường THPT Ninh Châu (Quảng Ninh), Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp (Đồng Hới)… Đây là mô hình cần được nhân rộng không chỉ ở các trường THPT mà còn tại các THCS trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng Dân số -KHHGĐ, Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh cho biết, thời gian qua, việc đem kiến thức dân số - KHHGĐ vào trường học được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Dân số - KHHGĐ. Chính vì vậy, hàng năm, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh luôn phối hợp với các Trung tâm Dân số -KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền trực tiếp tại trường học cũng như gián tiếp tuyên truyền cho các phụ huynh nhằm đưa kiến thức SKSS đến gần các em hơn. Đây là một trong những cách thức tiếp cận đa chiều, vừa tư vấn trực tiếp cho các em, vừa tuyên truyền các bậc phụ huynh nhằm phối hợp trong việc kiểm soát, định hướng cho con em mình.
 
Tuy vậy, việc đưa kiến thức dân số - KHHGĐ đến với các em vẫn là nội dung không dễ trong nhà trường, việc tìm ra những cách thức hiệu quả hơn, hấp dẫn hơn trong quá trình truyền thông vẫn là bài toán khó vì kinh phí nhà trường vẫn còn rất eo hẹp. Vẫn rất cần sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể nhằm từng bước nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục giới tính, SKSS/SKTD nói riêng, góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII).
 
Thanh Hoa
,