.

Điều kỳ diệu bệnh nhân chết não hiến tạng cứu 6 người

.
09:07, Chủ Nhật, 18/03/2018 (GMT+7)
"Em muốn anh cứu được những người khác" - người vợ nói với chồng khi quyết định hiến tặng nội tạng của anh khi biết anh không thể qua khỏi vì đã chết não.
Ông Trần Ngọc Hanh là người nhận phổi, ít ngày nữa là anh có thể về đoàn tụ với gia đình - Ảnh: BVCC
Ông Trần Ngọc Hanh là người nhận phổi, ít ngày nữa là anh có thể về đoàn tụ với gia đình - Ảnh: BVCC
Sáng 16-3, Bệnh viện trung ương quân đội 108 đã công bố thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não ở Việt Nam. Người được nhận phổi là ông Trần Ngọc Hanh, 52 tuổi.
 
Ông Hanh nói với báo chí từ phòng hậu phẫu là đã "khá" rồi. Vợ con ông Hanh vui mừng vì chỉ ít hôm nữa là họ được đón người thân về lại quê nhà.
 
Nhưng có một gia đình đang sống ở gần Hà Nội, lẽ ra cũng là nhân vật chính của câu chuyện này, nhưng đã không có mặt trong ngày vui hôm nay.
 
Em không biết anh có giận em không...
 
Họ là cha mẹ, con, vợ, anh chị em của người hiến đã qua đời cách đây 16 ngày. Ngoài lá phổi cho anh Hanh, người hiến còn cho hai người khác được ghép thận, hai người được ghép giác mạc và một người được ghép tim.
 
Và quyết định hiến tạng đã đến với gia đình anh ấy rất bất ngờ.
 
Theo chia sẻ của một cán bộ Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, hôm 24-2 các cán bộ trung tâm vừa rời nhà tang lễ sau khi tiễn bé Nguyễn Hải An - em bé hơn 7 tuổi hiến tặng giác mạc sau khi qua đời - thì nhận được điện thoại từ gia đình anh này.
 
Anh ấy bị tai nạn và khó lòng qua khỏi, gia đình có nguyện vọng hiến tạng của anh để cứu những người bệnh đang cần.
 
"Khi chúng tôi vào thăm anh ấy ở bệnh viện đã gặp người vợ ngồi bên giường bệnh của chồng. Anh đã gần như chết não, chị nói giờ anh không biết gì nữa nhưng gia đình vẫn ngồi đây để anh ấy luôn có người thân bên cạnh", cán bộ Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia kể lại. 
 
"Những giờ phút cuối cùng trước khi anh được đưa vào phòng phẫu thuật, người vợ ấy chạm khẽ vào tay chồng và nói như thể anh vẫn còn nghe thấy: 'Em không biết việc làm của em là đúng hay sai, em không biết anh có giận em không, nhưng em muốn anh cứu được những người khác, em vẫn mong anh thấy mẹ con em sống ra sao'".
 
Chồng chị, người đàn ông nằm bất động trên gường bệnh, là một thiếu tá 45 tuổi. Anh gặp tai nạn khi đang làm nhiệm vụ và rơi vào hôn mê sâu. Khi biết chồng không thể qua khỏi, người vợ đã có một quyết định táo bạo. 
 
Nhờ quyết định đó, giờ đây trái tim của anh ấy đang đập trong một lồng ngực khác, lá phổi đang thở trong lồng ngực anh Hanh, hai quả thận đang ở hai miền Nam - Bắc với 2 người khác nhau, hai giác mạc cũng vậy. 
 
Bác sĩ Mai Hồng Bàng - giám đốc Bệnh viện trung ương quân đội 108 - cho biết cả 6 người được ghép tạng đều đang ổn định dần về sức khỏe. Họ đã được cứu sống.
 
Cuộc điều phối xuyên Việt
 
Để có trái tim và một quả thận hiến tặng vào được TP.HCM kịp thực hiện hai ca ghép ở Bệnh viện Chợ Rẫy là cuộc "chạy đua với thời gian" của các bác sĩ. 
 
Ngay sau khi người hiến được đưa vào phòng phẫu thuật, trái tim anh được lấy ra đầu tiên, đưa vào thùng bảo quản chuyên dụng. Quả tim được bọc trong nhiều lớp nilon chứa dung dịch bảo quản, trong thời gian vận chuyển hai lần được tiếp thêm dung dịch bảo quản.
 
Sau một giờ quả tim được vận chuyển đi, quả thận được chuyển tiếp ra và đưa đến sân bay để đưa lên chuyến bay kế tiếp. Đích đến của trái tim và quả thận đều là TP.HCM. 
Các bác sĩ trong ca ghép phổi tại Bệnh viện 108 - Ảnh: BVCC
Các bác sĩ trong ca ghép phổi tại Bệnh viện 108 - Ảnh: BVCC
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - phó giám đốc Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia - cho biết ngay sau khi gia đình anh quyết định hiến tạng, trung tâm đã thông báo cho các bệnh viện. Các bệnh nhân trong danh sách chờ ghép tạng có cùng chỉ số ngay lập tức được nhập viện kiểm tra. 
 
Chỉ 40 giờ sau khi quyết định của gia đình được đưa ra, các kíp phẫu thuật và những người bệnh đang cần được cứu đã chờ sẵn. Trong đó có một người ghép phổi, một người ghép giác mạc và một người ghép thận tại Bệnh viện 108, một người ghép tim và một người ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, một người ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt trung ương.
 
Trái tim và phổi của người hiến tặng chỉ có thể sử dụng được 6 tiếng sau khi lấy khỏi cơ thể, thận có thể lâu hơn nhưng không quá 18 tiếng. Khi biết trái tim mà mình đang vận chuyển là của một người vừa rời cõi dương gian tặng cho một người anh ấy chưa biết mặt, tổ bay trên chuyến bay Hà Nội - TP.HCM hôm đó đã rất xúc động.
 
Rời máy bay, trái tim ấy được xe cấp cứu và cảnh sát giao thông TP.HCM hộ tống về Bệnh viện Chợ Rẫy để được đặt vào một lồng ngực mới…
 
Theo Lan Anh (Tuổi trẻ)
,