.

Điểm mới của nghị định 15/2018/NĐ-CP

.
08:53, Thứ Sáu, 23/03/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Ngày 2-2-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, có hiệu lực ngay từ ngày 2-2-2018, thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25-4-2012.
 
Nghị định mới này được xây dựng theo hướng cắt giảm một số thủ tục hành chính, như: đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Việc điều chỉnh nhằm tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trên cơ sở lấy việc bảo đảm sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu.
 
Điểm mới đầu tiên trong nghị định này là doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó, thay vì gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan Nhà nước để xác nhận. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và nộp 1 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ định.
 
Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận bản tự công bố của tổ chức, cá nhân để lưu trữ hồ sơ và đăng tải tên tổ chức, cá nhân và tên các sản phẩm tự công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận. Các sản phẩm được miễn thủ tục tự công bố gồm: sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ sản xuất nội bộ. Căn cứ công bố của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện sai phạm.
 
Điểm mới thứ hai của nghị định là quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chỉ phải đăng ký bản công bố sản phẩm đối với 3 nhóm sản phẩm gồm: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.
 
Điểm mới thứ ba là thay đổi quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh để bảo đảm an toàn thực phẩm, tiếp cận với các phương thức quản lý chung trên toàn cầu. Đó là mở rộng diện các doanh nghiệp không cần phải có giấy chứng nhận cơ sở  đủ điều kiện an toàn thực phẩm cũng như mở rộng đối tượng các cơ sở được miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
 
Các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm: sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; sơ chế nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn; sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; nhà hàng trong khách sạn; bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm; kinh doanh thức ăn đường phố; cơ sở đã được cấp một trong các giấy chứng nhận: thực hành sản xuất tốt (GMP), hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực. Các cơ sở này phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng.
Điểm mới thứ tư là sự thay đổi căn bản trong quy định kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu. Trước đây, 100% mặt hàng thực phẩm nhập khẩu khi thông quan đều phải kiểm tra chuyên ngành thì nay sẽ mở rộng diện không cần kiểm tra...
 
Điểm mới thứ năm là việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Nghị định 15/2018/NĐ-CP phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 bộ gồm: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo  nguyên tắc một cửa, một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước. Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì cơ quan quản lý sản phẩm có sản lượng lớn nhất trong các sản phẩm của cơ sở sản xuất là cơ quan quản lý. Đối với cơ sở không thực hiện công đoạn sản xuất nhưng kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên do ngành Công Thương quản lý, trừ trường hợp là chợ đầu mối, đấu giá nông sản. Đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm để thực hiện các thủ tục hành chính.
 
Sau khi tham dự hội thảo triển khai Nghị định 15/2018/NĐ-CP do Bộ Y tế tổ chức, ngành Y tế sẽ tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh, UBND tỉnh phổ biến, triển khai nghị định; đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương tham mưu cho UBND tỉnh cử cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm và tổ chức tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo phân cấp.
 
Trong giai đoạn chuyển tiếp, các sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trước ngày nghị định này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn ghi trên giấy và hết thời hạn sử dụng của sản phẩm.
 
Sau khi có các thông tư hướng dẫn cụ thể, ngành Y tế sẽ tiếp tục cập nhật để tham mưu triển khai thực hiện kịp thời.
 
NH.V (tổng hợp)
 
,