.

Công tác dân số xã Dân Hóa: Khó chồng khó

.
14:20, Thứ Năm, 15/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Minh Hóa, Dân Hóa gặp nhiều gian nan hơn khi vấn đề dân số đang là gánh nặng trên vai chính quyền địa phương với tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở mức cao, nạn tảo hôn vẫn còn tồn tại, chất lượng dân số thấp...

Dân Hóa hiện có 888 hộ với hơn 3.990 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 89,9% dân số. Là địa bàn tương đối rộng, toàn xã có 13 bản làng, địa hình nhiều nơi bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, đất sản xuất thiếu, do vậy, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ hộ nghèo còn chiếm đến 89,9%. Quan niệm “đông con hơn đông của” vẫn còn nặng nề trong nhiều gia đình chính là nguyên nhân khiến tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở xã Dân Hóa vẫn ở mức cao.Thời gian qua, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số của xã luôn chủ động bám sát, nắm tình hình địa bàn, về tận bản, nỗ lực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức... Nhưng, những nỗ lực đó vẫn chưa đủ mạnh để cải thiện tình trạng sinh con thứ 3. Năm 2017, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở xã Dân Hóa có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao 30,3% (năm 2016 là 40,9%).

Gia đình chị Hồ Thị Huê và anh Hồ Hiền ở bản Tà Vàng đã có 6 con, đủ trai đủ gái nhưng anh chị vẫn cố sinh thêm đứa thứ 7. Cán bộ dân số nhiều lần đến tận nhà tuyên truyền, vận động nhưng vẫn không có kết quả. Hầu hết những đứa trẻ đều chỉ học hết tiểu học rồi quanh quẩn ở nhà. Vợ chồng anh chị phải chạy ăn từng bữa, làm đủ việc để kiếm sống, nhưng hoàn cảnh gia đình vẫn rất khó khăn. Không riêng gì gia đình anh chị Huê - Hiền mà tình trạng nhà nghèo, đông con vẫn còn phổ biến ở tất cả các bản ở xã Dân Hóa. Năm 2017, tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai ở xã Dân Hóa chỉ đạt 64,34% (quá thấp so với kế hoạch đề ra). Riêng chỉ tiêu đình sản không thực hiện được. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai khác cũng ở mức thấp, như: dụng cụ tử cung đạt 66,7% KH, thuốc cấy tránh thai 0%, thuốc uống tránh thai chỉ đạt 70,4% KH...

Mặc dù cán bộ dân số đã đến tận nhà để tuyên truyền, vận động nhưng việc giảm sinh con thứ 3 trở lên ở đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là
Mặc dù cán bộ dân số đã đến tận nhà để tuyên truyền, vận động nhưng việc giảm sinh con thứ 3 trở lên ở đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là "bài toán khó"

Anh Đinh Minh Thuận, cán bộ dân số xã Dân Hóa cho biết, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do trình độ dân trí của người dân còn thấp, nhận thức về vấn đề dân số-KHHGĐ còn nhiều hạn chế. Do quan niệm “trời sinh voi ắt sinh cỏ”, “sinh con để nối dõi”, sinh nhiều con để được sự hỗ trợ gạo của Chính phủ... đã in sâu vào tiềm thức của bà con nên đội ngũ làm công tác dân số rất khó tuyên truyền, vận động.

Truyền thông về dân số-KHHGĐ cho đồng bào đã khó nhưng vận động bà con biết cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em lại khó gấp vạn lần. Trẻ em Dân Hóa thường thiếu chất dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày, dẫn đến tình trạng thấp còi phổ biến. Phong tục, tập quán thiếu khoa học từ xa xưa vẫn còn tồn tại, như: cho trẻ ăn dặm sớm, ăn không đúng cách, cho trẻ ăn các thức ăn được chế biến chung cho cả gia đình ... Vì vậy, bữa ăn của trẻ không có đủ các nhóm thực phẩm, dẫn đến tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nơi đây còn chiếm tới 29,5%.

Mặt khác, tình trạng tảo hôn hiện nay vẫn còn tồn tại ở xã Dân Hóa, theo thống kê sơ bộ, hai năm trở lại đây, xã có 14 cặp tảo hôn. Hôn nhân sớm khiến các em phải đối diện với những lo toan, bộn bề của cuộc sống khi tuổi đời còn quá trẻ. Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết và kinh nghiệm tâm sinh lý không những ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ sơ sinh...

Do đó, vấn đề kiểm soát, hạn chế tình trạng gia tăng dân số tự nhiên, nâng cao chất lượng dân số ở xã Dân Hóa là rất cần thiết và cấp bách. Để đạt hiệu quả cao trong công tác dân số-KHHGĐ ở địa phương này, vẫn rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các ban, ngành, đoàn thể, trong đó tập trung vào việc nâng cao nhận thức, hành vi cho các gia đình; động viên, thuyết phục họ lựa chọn các biện pháp tránh thai; chấp nhận sinh ít con để xây dựng gia đình hạnh phúc. Song song với đó là nỗ lực hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình nhằm cải thiện điều kiện sống và chăm sóc tốt hơn cho trẻ em.

T. Hoa

,