.

Giao ban bằng tiếng Anh, tại sao không?

.
21:28, Chủ Nhật, 18/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ câu chuyện giao ban bằng tiếng Anh cho đến việc thành lập nhóm hỗ trợ bệnh nhân nước ngoài, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế trẻ của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới đang tạo nên một “luồng gió mới”, bắt nhịp nhanh với xu thế thời đại cũng như sự phát triển của địa bàn nơi bệnh viện đứng chân.

Từ giao ban bằng tiếng Anh...

Tại các buổi giao ban mỗi sáng ở Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới, toàn bộ nội dung báo cáo được trình bày hoàn toàn bằng tiếng Anh. Những bỡ ngỡ, e ngại khi lần đầu thực hiện dần dần được vượt qua, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế của khoa bắt đầu làm quen với cách thức làm việc mới.

Tổ chức giao ban bằng tiếng Anh giúp đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng được “tắm mình” trong môi trường giao tiếp ngoại ngữ.
Tổ chức giao ban bằng tiếng Anh giúp đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng được “tắm mình” trong môi trường giao tiếp ngoại ngữ.

Trong nửa năm đầu tiên, các bác sĩ soạn hồ sơ bệnh án bằng tiếng Anh, các điều dưỡng sẽ dịch. Sáu tháng tiếp theo, chuyển sang điều dưỡng soạn, đọc và bác sĩ dịch. Đến nay, sau hơn 1 năm, hoạt động giao ban bằng tiếng Anh ở khoa Ngoại tổng hợp đã tăng dần độ khó, không sử dụng màn hình Power Point mà luyện nghe nói trực tiếp. Với lợi thế toàn bộ bác sĩ, nhân viên y tế đều ở độ tuổi dưới 40 nên khoa Ngoại tổng hợp đã tiên phong trong việc “tắm mình” trong môi trường giao tiếp ngoại ngữ.

Bác sĩ CK II Lê Mạnh Hà, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới chia sẻ: “Khi đi học, đến các bệnh viện lớn thấy có rất nhiều tài liệu tiếng Anh và các bác sĩ ở đây giao tiếp với người nước ngoài rất trôi chảy, mình có ước mơ, anh chị em trong khoa rồi đây cũng sẽ làm được như vậy.

Thực tế, Ban giám đốc đã rất quan tâm đến vấn đề này, đã tổ chức 3 lớp tiếng Anh cho cán bộ, bác sĩ trong bệnh viện và có mời giáo viên nước ngoài hẳn hoi. Thế nhưng, học xong, không có môi trường giao tiếp nên mọi thứ trở lại như cũ. Bởi vậy, mình muốn tổ chức giao ban bằng tiếng Anh để tạo môi trường cho anh em.

“Với hình thức này, mỗi ngày có khoảng 30 phút học tiếng Anh. Năm đầu tiên như lớp học vỡ lòng, hy vọng sau 5 năm, vốn tiếng Anh của khoa mình sẽ tương đối để có thể đối thoại với nhau, giao tiếp với người nước ngoài và việc tiếp cận, dịch tài liệu khoa học quốc tế sẽ dễ dàng hơn. Hy vọng nhiều người sẽ ủng hộ ý nguyện của mình để nó sớm trở thành hiện thực”, bác sĩ Lê Mạnh Hà chia sẻ với đầy trăn trở.

...Đến nhóm hỗ trợ bệnh nhân nước ngoài

“International Patient Services in CuBa Hospital” - Nhóm được thành lập xuất phát từ nhu cầu khám chữa bệnh của người nước ngoài trên địa bàn, trong đó phần lớn là khách du lịch ngày càng tăng. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Tùng, trưởng nhóm cho biết, nhóm có 32 thành viên, gồm các bác sĩ, điều dưỡng, kế toán, nhân viên phòng chức năng ở tất cả các khoa; trong đó có 10 người thường trực. Thông thường, bệnh nhân sẽ nhập viện từ 3 đầu mối: Khoa cấp cứu, Khoa khám bệnh theo yêu cầu và Khoa Phòng khám.

Ở đây, có niêm yết danh sách, số điện thoại bác sĩ và điều dưỡng của nhóm nên việc hỗ trợ bệnh nhân nước ngoài sẽ thuận tiện hơn. Thành lập từ tháng 7, đến nay, nhóm đã hỗ trợ cho gần 40 bệnh nhân nước ngoài vào khám, điều trị.

 Bệnh nhân nước ngoài yên tâm điều trị khi có thể nói chuyện trực tiếp với bác sĩ, nhân viên y tế.
Bệnh nhân nước ngoài yên tâm điều trị khi có thể nói chuyện trực tiếp với bác sĩ, nhân viên y tế.

Đa số khách du lịch quốc tế đến Quảng Bình thường bị các chấn thương do chưa quen địa hình, đường sá khi đi xe máy hoặc bị các bệnh do thời tiết, côn trùng cắn, ngộ độc thực phẩm... Thế nhưng, trên địa bàn toàn tỉnh, chưa có cơ sở y tế nào có thể hỗ trợ người nước ngoài. Việc đưa các bệnh nhân là người nước ngoài tới khám, điều trị gặp nhiều khó khăn do những rào cản về mặt ngôn ngữ, văn hóa.

Chị Phan Thị Hồng Thắm, Giám đốc điều hành Phong Nha Lake House (xã Sơn Trạch, Bố Trạch) chia sẻ: “Những thuật ngữ chuyên môn bên ngành y, phiên dịch chúng tôi không thành thạo nên quá trình giao tiếp hỗ trợ bệnh nhân làm các thủ tục điều trị khá khó khăn. Thật may, sau này có nhóm bác sĩ giỏi ngoại ngữ lại nhiệt tình, nhanh nhẹn và nhẹ nhàng nên mọi việc trở nên thuận tiện, nhanh gọn hơn”.

Còn chị Lê Thị Bích, chủ nhân của Phong Nha Farm Stay cùng chồng là anh Ben Mitchell tỏ ra rất hài lòng khi nhắc đến nhóm hỗ trợ bệnh nhân nước ngoài ở Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới. Chị Bích cho biết: “Trước đây, khi du lịch ở Quảng Bình chưa phát triển, lượng người làm du lịch giỏi ngoại ngữ chưa nhiều, mỗi lần có khách quốc tế đến vùng Phong Nha-Kẻ Bàng có vấn đề về sức khỏe, người dân lại gọi điện cho tôi nhờ hỗ trợ.

Mặc dù cũng thông thạo ngoại ngữ để phiên dịch nhưng những thuật ngữ chuyên môn của ngành y, tôi không thể rành được. Có những bệnh nhân nước ngoài tỏ ra lo lắng, không yên tâm điều trị và xin chuyển viện.

Giờ, chúng tôi chỉ cần liên lạc qua điện thoại trước, bác sĩ nói chuyện, giải thích trực tiếp một cách rõ ràng cho bệnh nhân nên họ rất yên tâm. Nhiều người sau đó đã viết thư cảm ơn vì họ được phục vụ rất tốt”. Anh Ben Mitchell thì khẳng định, điều này chứng minh sự thay đổi của du lịch Quảng Bình rất nhiều. Muốn du lịch Quảng Bình phát triển, phải quan tâm đến những dịch vụ đi kèm như thế này.

“Nói là lập nhóm hỗ trợ bệnh nhân nước ngoài nhưng thực ra, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng chúng tôi cũng được lợi rất nhiều”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Tùng tươi cười chia sẻ. Anh cho biết, lâu nay, trong suy nghĩ, thói quen của bệnh nhân ở nước mình, mọi khâu thao tác trong quá trình khám, điều trị như là một sự mặc định, áp đặt.

Ảnh 42 : Du khách quốc tế bày tỏ sự hài lòng với dịch vụ y tế khi đến Quảng Bình du lịch.
Du khách quốc tế bày tỏ sự hài lòng với dịch vụ y tế khi đến Quảng Bình du lịch.

Còn đối với bệnh nhân nước ngoài, khám, điều trị bệnh là một dịch vụ và họ yêu cầu phải được biết rõ từ những thao tác nhỏ nhất, như: tại sao xét nghiệm lại lấy chừng đó máu? vì sao uống thuốc này? ... Cặn kẽ từng chi tiết nhưng cách giao tiếp của họ rất lịch sự, tạo thái độ, cảm xúc tốt cho bác sĩ điều trị.

Không chỉ giúp rèn luyện, trau dồi vốn ngoại ngữ mà họ đã “dạy” cho chúng tôi thói quen trong giao tiếp, phục vụ bệnh nhân một cách chuyên nghiệp hơn. Đây cũng là một trong những mục tiêu hướng tới khi thành lập nhóm hỗ trợ bệnh nhân nước ngoài.

Chủ động trong xu thế hội nhập

Rồi đây, khách quốc tế đến Quảng Bình sẽ ngày càng tăng khi mà du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, các hoạt động quảng bá ngày càng rộng rãi cùng với việc mở đường bay quốc tế, Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành điểm nhấn trên bản đồ du lịch trong nước và trên thế giới...

Sắp tới, các hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu y học, công tác khám chữa bệnh cũng sẽ được thúc đẩy nhiều hơn. Và với sự sáng tạo, tiên phong, linh hoạt, đội ngũ bác sĩ trẻ ở Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới đã kịp chuẩn bị cho mình tâm thế chủ động, bắt kịp nhanh với xu thế của thời đại.

Trần Hương Lê





 

,