.

62 huyện nghèo trên cả nước đang thiếu gần 600 bác sỹ

.
15:06, Thứ Tư, 10/01/2018 (GMT+7)

Báo cáo của các Sở Y tế có huyện nghèo cho thấy nhu cầu bác sỹ tại 62 huyện nghèo là khoảng 598 người thuộc 15 chuyên khoa.

Một bác sỹ trẻ về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Một bác sỹ trẻ về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Trong số 15 chuyên khoa có 7 chuyên khoa đang thiếu nhiều bác sỹ gồm: Nội: 53; Ngoại: 49; Sản: 55; Nhi: 44; Hồi sức cấp cứu: 47; Truyền nhiễm: 35; Chẩn đoán hình ảnh: 33. Tổng số bác sỹ còn thiếu của 7 chuyên khoa này là 316.

Thông tin trên được tiến sỹ Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) đưa ra trong buổi lễ bàn giao 7 bác sỹ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I và khai giảng lớp bác sỹ chuyên khoa I khóa 8 với 28 bác sỹ được tuyển chọn theo các tiêu chuẩn khắt khe, diễn ra tại Trường Đại học Y Hà Nội chiều 9-1.

Đây là hoạt động trong dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” của Bộ Y tế.

Theo đó, 7 bác sỹ trẻ sắp tới sẽ về công tác tại các huyện của 4 tỉnh Cao Bằng (2 bác sỹ), Lai Châu (2 bác sỹ), Hà Giang (2 bác sỹ) và Điện Biên (1 bác sỹ).

Những bác sỹ trẻ này vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I khóa 2, đều là những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi tại Đại học Y Hà Nội và các trường đại học Y-Dược khác tình nguyện tham gia dự án, tiếp tục được đào tạo bài bản tại Đại học Y Hà Nội và đã nhận bằng tốt nghiệp Chuyên khoa I. Họ cũng đã được nhận chứng chỉ hành nghề.

Dự án trên được Bộ Y tế quyết định triển khai thực hiện từ tháng 2 năm 2013 với mục tiêu đảm báo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, theo đó tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sỹ trẻ về công tác tại các địa bàn khó khăn.

(Tiến độ đào tạo nhân lực cho dự án đưa bác sỹ trẻ về phục vụ tại các huyện nghèo của Bộ Y tế)

Hiện tại dự án đang đào tạo chuyên khoa I cho 154 bác sỹ thuộc 10 chuyên ngành (nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm và y học cổ truyền) trong thời gian 24 tháng.

Sau đó, các bác sỹ tốt nghiệp sẽ công tác 03 năm (đối với nam) và 02 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện.

Trước đó, cuối tháng 6-2017, Bộ Y tế đã bàn giao 7 bác sỹ trẻ chuyên khoa I, tình nguyện về công tác tại các huyện nghèo của 4 địa phương là: Bắc Kạn, Lào Cai, Điện Biên và Sơn La.

Đánh giá nhanh kết quả bước đầu 7 bác sỹ trẻ chuyên khoa I về công tác tại 4 tỉnh trên trong 5 tháng qua, tiến sỹ Phạm Văn Tác cho hay, về các kỹ thuật ngoại, các bác sỹ trẻ đã làm chủ được 56 kỹ thuật, trong đó kỹ thuật cao nhất là cắt ruột thừa, u buồng trứng, mổ chửa ngoài tử cung bằng nội soi.

Trong chuyên ngành nhi: Các bác sỹ trẻ đã thực hiện được 31 kỹ thuật, trong đó kỹ thuật cao nhất là chọc não tủy và nuôi dưỡng tĩnh mạch sơ sinh

Về chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh: Các bác sỹ trẻ đã làm được 62 kỹ thuật , trong đó kỹ thuật cao nhất là siêu âm Doppler chẩn đoán bệnh lý mạch máu./.

Theo Thùy Giang (Vietnam+)

,