.

Lệ Thủy: Gian nan công tác dân số

Thứ Hai, 23/10/2017, 16:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức cao, trang  thiết bị phục vụ chuyên ngành và kinh phí hoạt động... đó là những thách thức trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) mà huyện Lệ Thủy đang phải đối mặt.

Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo địa phương, sự phối hợp với các ngành, đoàn thể của huyện và sự phấn đấu, nỗ lực của cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số, công tác DS-KHHGĐ của huyện Lệ Thủy đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong 9 tháng đầu năm 2017, nhiều chỉ tiêu dịch vụ KHHGĐ đạt và vượt quá kế hoạch, như: đình sản đạt 165%, thuốc tiêm tránh thai 500%, bao cao su 97,1%... Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tổ chức được 10 lớp tập huấn cho phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi về sức khỏe sinh sản (SKSS), sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chênh lệch giới tính khi sinh, thu hút 500 đối tượng tham gia.

Để có được những kết quả đó, ngay từ đầu năm, Trung tâm DS-KHHGĐ đã ra quy chế hoạt động, ký kết hợp đồng trách nhiệm với các ban,  ngành liên quan để tổ chức tuyên truyền, vận động và ký hợp đồng trách nhiệm với Ban dân số các xã, thị trấn về việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở. Trung tâm chỉ đạo triển khai thực hiện chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao.

Trung tâm DS-KHHGĐ thường xuyên phối hợp với ngành Y tế để chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân.
Trung tâm DS-KHHGĐ thường xuyên phối hợp với ngành Y tế để chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân.

Bên cạnh đó, trung tâm còn phối hợp tích cực với các ban, ngành có liên quan để tuyên truyền, vận động, tư vấn đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ tự nguyện áp dụng các biện pháp tránh thai hợp lý, chấp nhận gia đình quy mô nhỏ, có từ 1 đến 2 con hướng đến quan điểm 3 “ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”; duy trì có hiệu quả mô hình các CLB không sinh con thứ 3 trở lên, CLB tiền hôn nhân, CLB gia đình trẻ... Trong đó, phải kể đến sự phối hợp với bệnh viện đa khoa, phòng y tế và các trạm y tế xã, thị trấn tạo điều kiện, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng cho người dân trong việc chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Thời gian qua, trung tâm đã phối hợp với Phòng Y tế huyện, trạm y tế xã khám phụ khoa cho 6 xã, gồm 3 xã miền núi Kim Thủy, Lâm Thủy, Ngân Thủy và 3 xã miền biển Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Nam. Kết quả, khám phụ khoa được 500 ca, soi tươi 150 ca, đặt dụng cụ tử cung 106 ca.

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác DS-KHHGĐ ở huyện Lệ Thủy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết, chênh lệch giới tính khi sinh của huyện vẫn ở mức cao. Trong 9 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh là 110,5%. Nguyên nhân dẫn đến việc mất cân bằng giới tính ở Lệ Thủy hiện nay là do người dân vẫn còn mang tư tưởng “trọng nam kinh nữ”, phải có con trai để nối dõi tông đường. Nhiều vùng miền biển, nông thôn, miền núi, nhu cầu lao động nam cao hơn lao động nữ cũng khiến người dân có tâm lý thích sinh con trai hơn.

Theo ông Lê Văn Quân, Giám đốc trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lệ Thủy, thiếu kinh phí hoạt động là khó khăn thứ hai trong công tác dân số của huyện Lệ Thủy. Năm 2017, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về dân số không có, kinh phí hoạt động thường xuyên của trung tâm hàng năm không đủ để thực hiện các hoạt động DS-KHHGĐ, nhất là triển khai chiến dịch tăng cường tuyên truyền lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ tại các xã có mức sinh cao và không ổn định. Thời gian qua, Trung tâm DS-KHHGĐ và Trung tâm Y tế huyện phải tự tạm ứng thuốc, vật tư tiêu hao và kinh phí để thực hiện. Mặt khác, hiện nay, nguồn cung ứng phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ miễn phí bị cắt giảm mạnh và phải chuyển sang thực hiện tiếp thị xã hội, trong khi người dân vẫn quen sử dụng miễn phí, nên ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu dịch vụ về DS-KHHGĐ.  

Thanh Hoa