.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão

Thứ Ba, 10/10/2017, 08:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Tỉnh ta nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt. Đặc biệt, sau cơn bão số 10 vừa qua, nhiều địa phương đang đối diện với nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh vì lượng rác thải, nước tù đọng khá cao... Trước tình hình đó, ngành Y tế đã và đang tập trung nguồn lực, chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, hóa chất và các phương tiện phòng, chống dịch nhằm kịp thời ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho hay, với quyết tâm không để dịch bệnh phát sinh sau bão số 10 và những tháng cuối năm, ngành Y tế đã tập trung nhiều hoạt động nhằm sớm trả lại môi trường sạch cho bà con vùng tâm bão và chủ động các phương án đối phó khi có dịch bệnh xảy ra. Lực lượng cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ tỉnh đến cơ sở đã kịp thời có mặt ở nhiều địa bàn để phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Do có sự chuẩn bị từ trước nên ngành đã nhanh chóng cung cấp đầy đủ hóa chất, cơ số thuốc cần thiết cho các địa phương, nhất là các xã vùng tâm bão: như xã Quảng Đông, Quảng Phú, Cảnh Dương và một số xã khác của huyện Quảng Trạch để giúp người dân xử lý môi trường và điều trị các loại bệnh thông thường hay mắc phải sau bão.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các trung tâm y tế huyện, thành phố đã cử cán bộ bám sát từng địa bàn để tuyên truyền, phổ biến cho bà con những kiến thức phòng bệnh và luôn chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hoá chất, thiết bị, phương tiện, sẵn sàng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, toàn ngành đã kiểm soát tốt các loại bệnh truyền nhiễm, không để bệnh phát sinh thành dịch.

Song điều đáng lo ngại là đang trong mùa mưa bão, khí hậu diễn biến thất thường, độ ẩm trong không khí tăng cao, lượng nước tồn đọng ở các ao hồ, cống rãnh khá lớn, nên rất thuận lợi các loại dịch bệnh phát triển, như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp... và nhất là bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, trung tâm đã tăng cường công tác phối hợp với các địa phương trong việc triển khai các hoạt động điều tra côn trùng, giám sát, kiểm soát chặt chẽ ổ dịch cũ và tiến hành phun hoá chất diệt muỗi, diệt bọ gậy tại các địa bàn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết cao, như: xã Đại Trạch (Bố Trạch), phường Nam Lý, xã Quang Phú (TP. Đồng Hới), xã Quảng Xuân (Quảng Trạch).

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có trên 227 trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, phần lớn là mắc sốt xuất huyết, cao nhất là TP. Đồng Hới (83 trường hợp) và Lệ Thủy (41 trường hợp). Sở Y tế đã thành lập nhiều đoàn đi kiểm tra thực tế về tình hình dịch bệnh ở các địa phương để chỉ đạo phương án đối phó kịp thời và tổ chức tập trung nhiều hoạt động với sự ra quân đồng bộ, hiệu quả của lực lượng cán bộ làm công tác dự phòng ở tất cả các đơn vị y tế trên toàn tỉnh. Tại TP. Đồng Hới và các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết đang được đẩy mạnh, nhất là việc vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy nhằm ngăn chặn sự phát sinh của muỗi vằn truyền bệnh.

 Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa bão, các đơn vị y tế đang tích cực bám cơ sở triển khai các hoạt động dự phòng.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa bão, các đơn vị y tế đang tích cực bám cơ sở triển khai các hoạt động dự phòng.

Riêng ở huyện Minh Hóa, địa bàn thường hay xảy ra dịch sốt rét, lực lượng cán bộ làm công tác dự phòng ở đây vừa tập trung nguồn lực giúp dân khắc phục hậu quả của bão, vừa tổ chức các chiến dịch diệt muỗi để phòng bệnh.

Nói về công tác phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão ở huyện vùng cao Minh Hóa, bác sĩ Lê Đình Thi, Giám đốc Trung tâm Y tế Minh Hóa khẳng định, tăng cường giám sát tình hình thực tế, chủ động trong mọi tình huống là yếu tố quan trọng để khống chế và đẩy lùi các loại dịch bệnh trên địa bàn huyện.

Với phương châm đó, trung tâm đã tổ chức nhiều chuyến đi đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để giúp bà con làm sạch môi trường, vận động bà con có thói quen nằm màn khi ngủ và loại bỏ các dụng cụ chứa nước không cần thiết để hạn chế sự sinh trưởng của muỗi, phun hóa chất diệt muỗi; đồng thời thăm khám, tư vấn sức khỏe. Nhờ thế, Minh Hóa đã kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, nhất là bệnh sốt rét, không có trường hợp nào mắc sốt rét ác tính và các biến chứng của bệnh.

Đang trong mùa mưa bão nên công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ được ngành Y tế tỉnh ta quan tâm hàng đầu. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã có kế hoạch cung cấp nhiều loại thuốc, hóa chất, như: Cloramin B, Quafa-Azi, Oresol, Metronidazol, Amoxicillin... cho các trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã để chủ động phương án phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Cùng với việc tăng cường điều tra, giám sát dịch tễ trên từng địa bàn, cung cấp thuốc, hóa chất, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cũng được ngành quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức.

Theo bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, hiện tại, toàn ngành đã và đang tổ chức nhiều hoạt động truyền thông hướng về cơ sở, tập trung phổ biến kiến thức cho người dân về phòng bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác. Từ đó, người dân thực hiện các hành vi an toàn để khống chế sự phát triển của côn trùng gây bệnh và chủ động hơn trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

Nhật Văn