.

Bệnh do... dùng thuốc

Thứ Ba, 03/10/2017, 15:25 [GMT+7]

Người cao tuổi (NCT) vốn dĩ đã có nhiều bệnh mạn tính, nếu sử dụng thuốc không cẩn thận có thể mắc thêm bệnh, gọi là bệnh do dùng thuốc.

 Vì vậy, NCT nên cẩn thận khi dùng thuốc.
Vì vậy, NCT nên cẩn thận khi dùng thuốc.

Tại sao?

Đối với NCT do sự biến đổi của quá trình lão hóa gây nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc hấp thu, chuyển hóa và đào thải thuốc trong cơ thể. Mắc thêm bệnh do sử dụng thuốc có thể nói là do phản ứng thuốc. Phản ứng thuốc gặp nhiều ở người có tuổi (gấp từ 2 - 3 lần so với người trẻ). Sở dĩ có hiện tượng này là do hầu hết NCT bị giảm lưu lượng huyết tương ở thận, giảm mức lọc cầu thận cũng như giảm sự thanh thải ở gan và giảm sự đào thải ở đường tiêu hóa. Thêm vào đó là do giảm hoạt động các men chuyển hóa thuốc tại các tiểu thể microsom của tế bào, đồng thời do sự giảm máu lưu thông tại gan khi tuổi đã cao.

Ở NCT, thể tích phân bố thuốc cũng có sự thay đổi bởi giảm lượng nước toàn thân, trong khi đó tăng lượng mỡ máu cho nên những thuốc hòa tan trong nước bị cô đặc hơn và thuốc hòa tan trong mỡ lại có nửa đời sống dài hơn dễ gây nên ngộ độc thuốc. Không những thế, albumin huyết thanh có nồng độ bị giảm dần, đặc biệt ở những NCT mắc bệnh dài ngày, ốm yếu, suy dinh dưỡng, do đó làm giảm mức gắn của một số thuốc vào protein. Vì vậy, các loại protein chịu trách nhiệm vận chuyển thuốc trong máu giảm xuống cho nên lượng thuốc lưu hành tự do trong cơ thể sẽ tăng lên. Do đó, cùng một liều sử dụng như người trẻ nhưng với NCT có thể gây tăng quá mức tác dụng dẫn tới biến chứng có thể xảy ra.

Bệnh do... dùng thuốc

Sự thanh thải thuốc bị giảm sút do chức năng gan, thận có xu hướng suy giảm và nhiều lý do khác nhau cho nên sự đáp ứng với thuốc của NCT cũng có nhiều thay đổi. Với cùng một nồng độ thuốc trong huyết thanh như nhau, sự đáp ứng ở NCT thường rất khác nhau và NCT dễ nhạy cảm hơn với một số thuốc (ví dụ đối với opioid) nhưng lại ít nhạy cảm với một số thuốc khác (ví dụ đối với các beta adrenergic).

Đối với việc hấp thu thuốc, do bộ máy tiêu hóa của NCT có nhiều thay đổi vì giảm số lượng các tế bào hấp thu kèm theo giảm nhu động ruột cũng như giảm lượng máu tuần hoàn đến ruột dẫn đến việc hấp thu trở nên khó khăn và chậm chạp hơn. Trong khi đó, thuốc lưu lại trên đường tiêu hóa lâu hơn lại dễ gây nên các biến chứng trên đường tiêu hóa.

Cần lưu ý là thuốc được thải trừ qua gan và thận là chủ yếu, nhưng ở người cao tuổi, khối lượng gan, thận đều giảm và lượng máu đến cũng giảm, do vậy ảnh hưởng tới chuyển hóa thuốc, dễ dẫn đến tích lũy và gây độc.

Ngoài ra, đặc điểm chung của NCT là cùng một thời gian có thể mắc nhiều bệnh mạn tính cho nên phải dùng nhiều loại thuốc. Tuổi cao, sức yếu nên dễ nhầm lẫn thuốc do mắt kém, nghe không rõ, trí nhớ giảm, động tác không chính xác nên việc sử dụng thuốc có nhiều sai sót. Do biến đổi của cơ thể bởi tuổi tác, mắc nhiều bệnh mạn tính cộng với những sai lầm trong sử dụng thuốc đã dẫn đến một số phản ứng thuốc và xuất hiện bệnh do thuốc gây nên ở NCT.

Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe

Thông thường hay gặp nhất đối với dùng thuốc ở NCT là thuốc giảm đau, hạ sốt như aspirin hoặc thuốc điều trị khớp, gút như loại corticoid (prednisolon, dexamethason, solu-medrol…) hoặc thuốc không steroid (mobic, diclofenac, meloxicam…) sẽ gây nguy hiểm cho NCT có bệnh hen (aspirin, không steroid), bệnh dạ dày (cortisone, không steroid). Thứ đến là một số thuốc kháng sinh nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến thận, nhất là NCT chức năng thận đã bị suy giảm như thuốc họ Quinolon (norfloxacin, Ciprofloaxacin…), Sulfamides. Với NCT mắc bệnh tim mạch, nếu dùng thuốc điều trị, ví dụ, digoxin (Digitalis), procainamid… Có thời gian bán hủy dài ở NCT, cũng như có hành lang điều trị an toàn hẹp, vì vậy, dễ bị nhiễm độc ngay cả với liều lượng thông thường (chán ăn, lú lẫn, trầm cảm). Một số thuốc chẹn thụ thể H2 (Cimetidin và Ranitidin) có thể giao thoa, trở ngại cho chuyển hóa thuốc tại gan với một số thuốc điều trị huyết áp (như propranolol), thuốc giãn cơ trơn (theophylin). Thuốc xatral điều trị tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến ở nam giới rất dễ gây hạ huyết áp thể đứng, nếu NCT có tiền sử huyết áp thấp cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc này. Ngoài ra, tất cả thuốc ức chế thụ thể H2 đều ít nhiều có thể gây nên lú lẫn ở người già. Vì vậy, chỉ dùng liều thấp cũng đủ và hạn chế được nguy cơ nhiễm độc. Một số nhà chuyên môn cho rằng thuốc chống trầm cảm và chống loạn tâm thần hay gây nên tác dụng phụ kiểu kháng tiết cholin ở người già như lú lẫn, bí đái, táo bón, khô mồm miệng. Vì vậy, họ khuyên rằng để hạn chế những tác dụng phụ đó bằng cách dùng những chất không hoặc có ít tác dụng kháng tiết cholin. Tuy nhiên do trầm cảm và hưng phấn hay xen kẽ nhau cho nên chú ý chỉ nên sử dụng ngắt quãng các chất này.

Ngoài ra một số NCT lạm dụng thuốc hoặc dùng thuốc quá liều (thuốc ngủ, thuốc chống dị ứng) sẽ ảnh hưởng xấu lớn đến sức khỏe NCT.
 
Lời khuyên của thầy thuốc

Chỉ sử dụng thuốc khi các biện pháp điều trị không dùng thuốc không có kết quả hoặc không đủ hiệu lực hoặc không thể thực hiện được, lúc này cân nhắc kỹ tới dùng thuốc và tác hại nếu dùng thuốc. Vì vậy, với người bác sĩ khám chữa bệnh, nên bắt đầu bằng một liều thấp, giản đơn, dễ thực hiện cho NCT so với liều thường dùng ở người trẻ, sau đó tăng liều dần tùy theo sự đáp ứng của NCT (nếu có điều kiện, bác sĩ nên nói cả những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra cho bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân biết để đề phòng). Với bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân được phát nhiều thuốc cùng một lúc do mắc nhiều bệnh, dược tá phát thuốc nên hướng dẫn lại cách dùng từng thứ thuốc, liều lượng (ghi rõ vào giấy dán vào vỉ thuốc, lọ thuốc). Mọi NCT bị bệnh hoặc người nhà không tự động mua thuốc để tự điều trị bệnh khi không có chuyên môn về y học.

Theo TTƯT.PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU (Sức khỏe & Đời sống)