.

24 năm tâm huyết với công tác dân số

Thứ Sáu, 22/09/2017, 12:43 [GMT+7]

(QBĐT) - “Bén duyên” với công tác dân số từ năm 1994, đến nay, chị Đỗ Thị Cạnh, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh đã có gần 23 năm kinh nghiệm làm công tác dân số. Với sự tận tâm và yêu nghề, chị luôn hoàn thành tốt công việc của mình, góp phần nâng cao chất lượng dân số tại địa phương.

Những năm trước đây, do địa bàn rộng, dân cư đông, nên công tác dân số xã Vĩnh Ninh gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, trình độ nhận thức của chị em còn hạn chế nên việc tuyên truyền vận động rất vất vả, cần phải kiên trì mới làm được. Không nản chí, với quyết tâm của mình, chị Cạnh cùng với chị em cộng tác viên luôn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, quan tâm, thăm hỏi, động viên, lựa lời khuyên nhủ và vận động mọi người không sinh thêm con thứ 3 và sử dụng các biện pháp KHHGĐ để có điều kiện chăm sóc con cái và phát triển kinh tế.

Gần 24 năm gắn bó với công tác dân số là ngần ấy thời gian chị Cạnh vượt qua biết bao khó khăn, thử thách. Bí quyết của chị là duy trì sinh hoạt đều đặn với đội ngũ cộng tác viên để nắm bắt kịp thời những biến động về dân số trên địa bàn, từ đó đề ra biện pháp thích hợp. Dù trải qua nhiều thăng trầm, biến động về tổ chức, ít ỏi về phụ cấp, nhưng với chị, được làm công việc mình yêu thích đã là một niềm vui.

Chia sẻ về quá trình làm công tác dân số, chị Cạnh cho biết, lúc đầu cùng đội ngũ cộng tác viên đi tuyên truyền, vận động người dân về công tác DS-KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số chị rất ngại. Nhưng với tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình với công việc được giao, chị vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên công tác tuyên truyền tại xã đã bước đầu đạt kết quả và được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Theo kinh nghiệm của chị, người làm công tác dân số không chỉ đến hộ dân lúc có việc mà cần thường xuyên trò chuyện, nhiệt tình giúp đỡ họ trong những lúc khó khăn và đặc biệt phải có kiến thức chuyên môn về sức khỏe sinh sản.

 23 năm làm công tác chuyên trách dân số, chị Đỗ Thị Cạnh luôn hết mình với công việc được giao.
23 năm làm công tác chuyên trách dân số, chị Đỗ Thị Cạnh luôn hết mình với công việc được giao.

Với trách nhiệm, sự tận tụy của mình, chị luôn tìm mọi cách để giúp cho người dân trong xã hiểu rõ hơn về công tác DS-KHHGĐ, cũng như những lợi ích về chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Để công việc được hiệu quả, chị “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nắm rõ hoàn cảnh của từng gia đình, từng đối tượng để có cách tuyên truyền vận động phù hợp. Chị thường xuyên theo dõi, thống kê danh sách những phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ trong xã, nhất là những người đang mang thai hay mới sinh, những người có con một bề để có kế hoạch tuyên truyền, vận động, tư vấn cặn kẽ về chăm sóc SKSS, KHHGĐ, vận động hạn chế sinh con thứ 3 trở lên.

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp, chị Cạnh còn phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền lồng ghép các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ; xây dựng kế hoạch và tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề theo nhóm hay các lớp cung cấp kiến thức tại UBND xã về tác hại của việc đẻ nhiều, đẻ dày, động viên những gia đình đông con thực hiện KHHGĐ; tư vấn biện pháp tránh thai, chăm sóc SKSS cho phụ nữ, vị thành niên; tuyên truyền ý nghĩa của các mô hình, đề án “Nâng cao chất lượng dân số”, “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”, “Mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân”....

Mưa dầm thấm lâu, nhiều cặp vợ chồng hiểu rằng nếu sinh nhiều con thì dẫn đến nuôi dạy con không tốt và họ chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai, thực hiện tốt “mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con”. Nhờ vậy mà trong những năm gần đây, tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ của xã áp dụng các biện pháp tránh thai tăng lên đáng kể. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2017, số người sử dụng biện pháp tránh thai đạt tỷ lệ 100%, tỷ lệ sinh con thứ 3 của Vĩnh Ninh chỉ còn 11%. Đây là xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 thấp nhất trên địa bàn huyện Quảng Ninh.

Ông Hà Châu, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban chỉ đạo DS-KHHGĐ xã Vĩnh Ninh cho biết, chị Cạnh là một cán bộ chuyên trách dân số tâm huyết, nhiệt tình, có trách nhiệm với công việc được giao. Những chuyển biến tích cực về công tác DS-KHHGĐ của xã trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của chị Đỗ Thị Cạnh.

Phạm Hà