.

Hiệu quả từ điều trị bằng siêu âm

Thứ Sáu, 19/05/2017, 09:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã thực hiện khám, chữa bệnh kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, đồng thời chú trọng mở rộng mô hình và các phương pháp điều trị. Nhiều kỹ thuật mới được triển khai và ứng dụng trong điều trị mang lại hiệu quả cao, trong đó có siêu âm.

Siêu âm điều trị là một trong những kỹ thuật vật lý trị liệu mới được ứng dụng tại Bệnh viện Y học cổ truyền. Siêu âm là dạng sóng âm thanh có tần số trên 20.000 Hz, tai người không nghe thấy được. Tác dụng cơ bản của siêu âm là tác dụng của sóng cơ học đàn hồi, khi tác động lên cơ thể sinh ra các hiệu ứng quan trọng được ứng dụng trong điều trị, như: tác dụng nhiệt, hóa học, sinh học. Tần số siêu âm sử dụng trong điều trị thường là 1 MHz và 3 MHz. Siêu âm là một tác nhân vật lý được sử dụng trong điều trị ứng dụng các hiệu quả nhiệt nông và sâu, cũng như các tác dụng phi nhiệt làm kích thích lành vết thương và dẫn thuốc qua da.

 Cán bộ y tế đang thực hiện siêu âm cho bệnh nhân.
Cán bộ y tế đang thực hiện siêu âm cho bệnh nhân.

Siêu âm được ứng dụng trong chữa trị một số bệnh, như: viêm khớp dạng thấp, thoái hoá khớp, viêm khớp, viêm bao hoạt dịch, viêm bao khớp, viêm cơ...; bệnh lý thần kinh ngoại vi: đau do thần kinh, chèn ép do thoát vị đĩa đệm...; bệnh tuần hoàn ngoại vi: phù, hội chứng Raynaud, Sudeck... ; giảm đau: đau cơ, đau do co thắt;  các hội chứng có tính chất viêm nhiễm và hay tái phát: viêm da (eczema, viêm bì thần kinh), viêm tuyến chân lông, viêm lệ đạo, chắp lẹo mắt, viêm tuyến nước bọt, trứng cá...; tổn thương xương khớp và phần mềm sau chấn thương bầm tím, bong gân, sai khớp, gãy xương; các nguyên nhân gây ra co thắt trong một số bệnh: co thắt phế quản (viêm phế quản, hen phế quản);  làm mềm sẹo và những kết dính;  các bệnh có nguyên nhân giảm dinh dưỡng và chuyển hóa; các chấn thương sau 3 ngày, các vùng sẹo xấu kém nuôi dưỡng (sẹo vết thương, vết mổ, vết bỏng).

Bên cạnh những chỉ định được áp dụng của siêu âm điều trị thì cũng có những chống chỉ định: Với viêm da cấp, vùng điều trị có mang các vật kim loại hoặc vật rắn (đinh, nẹp vít...) người mang máy tạo nhịp...; không điều trị trên các đầu xương của trẻ em đang phát triển, nhất là phần sụn, vùng phổi người bị lao đang tiến triển hoặc viêm hạch do lao, vùng có nguy cơ chảy máu (chảy máu dạ dày – tá tràng, vùng túi phồng động – tĩnh mạch), vùng gan của bệnh nhân bị xơ gan, khối u (u lành tính và u ác tính), những tổn thương cấp tính (nhất là khi dùng siêu âm liên tục), siêu âm các cơ quan dễ tổn thương: mắt, tim, thai nhi, não, tủy sống, cơ quan sinh dục, tử cung của người đang có thai; không siêu âm vào cột sống ở vùng mới mổ cắt cung sau đốt sống, vùng da mất cảm giác nóng và lạnh, giãn tĩnh mạch và viêm tắc động mạch, viêm tắc tĩnh mạch, viêm nhiễm khuẩn, đái tháo đường, các vùng đang chảy máu và có nguy cơ chảy máu như dạ con, thời kỳ kinh nguyệt, chảy máu dạ dày, các vết thương mới, các chấn thương có tụ máu..., các ổ viêm nhiễm khuẩn vì có thể làm vi khuẩn lan rộng, giãn phế quản; không điều trị vào vùng liên sống - bả, các chấn thương mới trong 3 ngày đầu...

Tuỳ vào tích trạng bệnh lý, sau khi thăm khám, bác sỹ sẽ có chỉ định phù hợp với người bệnh để đạt hiệu quả cao và an toàn trong điều trị.

Nhờ áp dụng các kỹ thuật mới trong điều trị Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã  mang lại niềm tin cho người bệnh khi đến điều trị.

BS Phạm Thị Thuý Linh