Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nhật Bản điều chỉnh phương án sơ tán nếu núi Phú Sĩ phun trào

  • 07:10 | Thứ Năm, 30/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Ngày 29/3, Hội đồng Quản lý thảm họa núi Phú Sĩ của Nhật Bản cho biết lần đầu tiên sau 9 năm, cơ quan này vừa điều chỉnh kế hoạch sơ tán người dân phòng trường hợp ngọn núi cao nhất Nhật Bản này phun trào.
Núi Phú Sĩ nhìn từ Fujikawaguchiko, tỉnh Yamanashi, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Núi Phú Sĩ nhìn từ Fujikawaguchiko, tỉnh Yamanashi, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phương án mới, những người sống gần ngọn núi này sẽ được yêu cầu sơ tán bằng cách đi bộ thay vì sử dụng ô tô riêng để tránh gây ách tắc giao thông.
 
Hội đồng trên, bao gồm các cơ quan của chính quyền trung ương cùng với 3 tỉnh Yamanashi, Shizuoka và Kanagawa, đã sửa đổi kế hoạch sơ tán dân dựa trên bản đồ dự phòng thiên tai mới của núi Phú Sĩ. Bản đồ này đã từng được điều chỉnh lại vào tháng 3/2021, đưa ra dự đoán chi tiết phạm vi và thời gian tiếp cận của dòng dung nham.
 
Theo kế hoạch, người dân sống ở khu vực mà dòng dung nham có thể tràn tới trong vòng 24 giờ phải sơ tán bằng cách đi bộ để tránh gây ách tắc giao thông. Tuy nhiên, người dân có thể sử dụng phương tiện giao thông nếu họ tự nguyện sơ tán trước khi núi lửa phun trào.
 
Đối với những cư dân sống gần miệng núi lửa và khu vực lân cận, nơi dung nham phải mất hơn 24 giờ mới có thể chảy tới, họ được khuyến nghị sử dụng phương tiện giao thông để sơ tán. Đáng chú ý, những người cần hỗ trợ, gồm người già và người khuyết tật, được phép dụng phương tiện giao thông để sơ tán, bất kể họ sống ở khu vực nào. 
 
Khi xuất hiện các dấu hiệu của một vụ phun trào, các thành phố sẽ kêu gọi sơ tán tự nguyện sớm đối với những người có nơi cư trú khác cách xa ngọn núi. Đối với những người leo núi Phú Sĩ, chính quyền các thành phố sẽ hối thúc họ về nhà bằng xe buýt hoặc đi bộ sau khi thông báo có khả năng Cơ quan Khí tượng Nhật Bản sẽ nâng cảnh báo núi lửa lên cấp 3 trong hệ thống cảnh bảo gồm 5 cấp.
 
Cư dân ở những khu vực được dự báo sẽ bị ảnh hưởng bởi lượng lớn tro bụi và dòng chảy nham thạch được yêu cầu sơ tán trước khi núi lửa phun trào do việc tìm nơi ẩn náu sau khi thảm họa xảy ra là điều không thể.
 
Hội đồng trên thông báo: “Chúng tôi đặt ưu tiên cho việc sơ tán an toàn, đồng thời chú ý đến tính liên tục của các hoạt động kinh tế và xã hội”. Hội đồng cũng lưu ý các thảm họa liên quan đến núi lửa là rất khó lường.
 
Núi Phú Sĩ, cao 3.776 m, nằm cách thủ đô Tokyo khoảng 100 km về phía Tây Nam, phun trào lần gần đây nhất vào năm 1707. Vào thời điểm đó, các đợt phun trào diễn ra liên tiếp trong vòng 16 ngày, để lại một lớp tro núi lửa dày khoảng 4 cm tại các địa điểm thuộc trung tâm Tokyo ngày nay.
 
Theo Đức Trung (TTXVN)

tin liên quan

Ukraine công khai chi tiêu quân sự hàng tháng

Hơn 3 tỷ USD được phân bổ hàng tháng từ ngân sách nhà nước để trang trải chi phí quốc phòng, theo Bộ tài chính Ukraine.
 

Binh sỹ Hàn Quốc và Mỹ diễn tập đổ bộ quy mô lớn gần thủ đô Seoul

Cuộc diễn tập đổ bộ Ssangyong huy động các lực lượng binh sỹ, tàu đổ bộ, máy bay chiến đấu tàng hình và trực thăng để củng cố khả năng sẵn sàng chiến đấu và tương tác của quân đội hai nước đồng minh.
 

EU gia hạn biện pháp khẩn cấp hạn chế nhu cầu khí đốt

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/3 đã nhất trí gia hạn 1 năm đối với biện pháp khẩn cấp nhằm tự nguyện giảm lượng khí đốt sử dụng, góp phần chuẩn bị cho mùa Đông tới ở "Lục địa già" trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung từ Nga.