Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Ưu tiên sắp tới của WTO sẽ là an ninh lương thực

  • 14:15 | Thứ Năm, 29/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Ngày 28/9, trả lời phỏng vấn trong buổi khai mạc Diễn đàn Công chúng hàng năm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu có thể diễn ra, ưu tiên ngắn hạn hàng đầu của WTO sắp tới sẽ là giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực và tìm cách cung cấp thực phẩm cho các nhóm dân cư nghèo nhất của thế giới.
Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN
Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN
Tổng giám đốc WTO Okonjo-Iweala cho biết: “Bóng ma của việc không có đủ thức ăn là một điều đáng lo ngại. Vì vậy, đối với tôi, đó là vấn đề hàng đầu.” Theo bà Okonjo- Iweala, xếp sau an ninh lương thực là khả năng tiếp cận năng lượng. Bà cho rằng, an ninh lương thực và năng lượng đang là vấn đề mà thế giới phải đối mặt và các nước thành viên WTO cần thúc đẩy các giải pháp cho các vấn đề này.
 
Bà Okonjo-Iweala cho biết một số nước thành viên WTO đã đi đúng xu hướng khi 15 trong số 57 chính sách hạn chế về lương thực và phân bón được áp dụng kể từ khi bắt đầu chiến sự tại Ukraine đã được loại bỏ và hy vọng rằng các hạn chế này cuối cùng sẽ được dỡ bỏ. Theo bà Okonjo-Iweala, việc chấm dứt chiến sự không có thể giải quyết hết tất cả các vấn đề nhưng sẽ có những đóng góp quan trọng.
 
Cũng trong ngày 28/9, Tổng thống Joe Biden đã triệu tập Hội nghị Nhà Trắng về nạn đói, suy dinh dưỡng và y tế để chấm dứt nạn đói và giảm các bệnh liên quan đến dinh dưỡng tại Mỹ. Trước đó, ngày 20/9, Mỹ đã triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh Lương thực toàn cầu bên lề Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York.
 
Hội nghị tái khẳng định cam kết của lãnh đạo toàn cầu cùng hành động khẩn cấp và trên quy mô lớn đối với cuộc khủng hoảng lương thực  và nạn đói cùng cực của hàng triệu người trên toàn thế giới. Khoản hỗ trợ 2,9 tỷ USD của Mỹ sẽ dùng để ứng phó với tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu. Trong năm nay, khoản hỗ trợ 2,9 tỷ USD sẽ được phân bổ vào các chương trình sau: Viện trợ Nhân đạo toàn cầu ( 2 tỷ USD), Viện trợ phát triển Toàn cầu (783 triệu USD), Chương trình An ninh Lương thực và Nông nghiệp Toàn cầu  - GAFSP (150 triệu USD).
 
Theo các chuyên gia, tuyên bố về các khoản hỗ trợ này của Mỹ bắt nguồn từ cuộc xung đột Ukraine. Mỹ đã tập trung nhiều vào vấn đề an ninh lương thực bởi Nga và Ukraine đều là các nhà xuất khẩu ngũ cốc và phân bón chủ chốt trên thế giới. Liên hợp quốc dự đoán, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã đẩy thêm 47 triệu người vào cảnh “đói nghèo cùng cực”. Tuyên bố về khoản hỗ trợ này của ông Biden tại Liên hợp quốc được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh phương Tây lo ngại rằng cuộc xung đột Nga -Ukraine đã khiến nhiều nước bớt chú ý đến vấn đề an ninh lương thực.
 
Theo Kiều Trang (P/v TTXVN tại Washington)

tin liên quan

Hàn Quốc thông báo Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn

JCS nêu rõ đã phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ khu vực Sunan ở Bình Nhưỡng trong khoảng thời gian từ 18h10-18h20 giờ địa phương.
 

Ngân hàng trung ương Thái Lan tăng lãi suất lần thứ hai liên tiếp

Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) ngày 28/9 đã nâng lãi suất lần thứ hai liên tiếp, thêm 0,25 điểm phần trăm trong nỗ lực kiềm chế lạm phát ngày càng tăng và hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
 

Chính phủ Đức tiếp tục duy trì 2 nhà máy điện hạt nhân

Hai nhà máy điện hạt nhân tại Đức sẽ được tiếp tục duy trì hoạt động đến sau năm 2022, nếu một số sự cố khiến các lò phản ứng hạt nhân của Pháp không thể cung cấp được dịch vụ.