Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Quốc hội Indonesia dự kiến quyết định việc di dời thủ đô vào tháng Hai

  • 07:30 | Thứ Hai, 20/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Hạ nghị sỹ Ahmad Doli Kurnia của Indonesia cho biết các cuộc thảo luận về dự luật về việc di dời thủ đô sẽ được nối lại vào ngày 11-1 sau kỳ nghỉ lễ cuối năm, và dự kiến hoàn tất vào tháng Hai tới.
Indonesia dự kiến di dời thủ đô từ Jakarta sang tỉnh Đông Kalimantan. (Nguồn: AFP)
Indonesia dự kiến di dời thủ đô từ Jakarta sang tỉnh Đông Kalimantan. (Nguồn: AFP)
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Hạ viện Indonesia đặt mục tiêu thông qua dự luật về việc di dời thủ đô vào đầu năm tới, chính thức khởi động một trong những dự án tham vọng nhất của Tổng thống Joko Widodo (Jokowi).
 
Hạ nghị sỹ Ahmad Doli Kurnia - người chủ trì một ủy ban đặc biệt của Hạ viện về thủ đô mới - cho biết các cuộc thảo luận về dự luật này sẽ được nối lại vào ngày 11/1 sau kỳ nghỉ lễ cuối năm và dự kiến hoàn tất vào tháng Hai.
 
Trao đổi với báo giới mới đây, ông Doli bày tỏ tin tưởng rằng các cuộc thảo luận sắp tới giữa chính phủ và các nhà lập pháp sẽ diễn ra suôn sẻ do cả hai bên đều đã nhất trí rằng dự luật này cần được thông qua càng sớm càng tốt.
 
Chính trị gia thuộc đảng Golkar này cho hay Hạ viện sẽ tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân trong quá trình thảo luận về dự luật do đây là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn, hiện không có gì phải bàn cãi.
 
Được người đứng đầu Cơ quan kế hoạch phát triển quốc gia (Bappenas) Suharso Monoarfa đệ trình vào cuối tháng Chín vừa qua, dự luật trên phác thảo dự án trị giá 466.000 tỷ rupiah (32,5 tỷ USD) nhằm di dời thủ đô từ địa điểm hiện nay là Jakarta sang tỉnh Đông Kalimantan - điều được Tổng thống Jokowi cho là nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế cân bằng hơn trên khắp lãnh thổ.
 
Dự luật cũng phác thảo việc thiết lập một cơ quan quản lý thủ đô mới trong đó người đứng đầu sẽ do Tổng thống đích thân chỉ định. Điều khoản này đã làm dấy lên lo ngại về quyền đại diện dân chủ của người dân thủ đô mới.
 
Ban đầu, chính quyền thủ đô mới sẽ có toàn quyền kiểm soát công tác điều hành, ngoại trừ các quyền hoạch định chính sách, an ninh và quốc phòng, chính sách tài chính và tiền tệ, các vấn đề quốc tế, tôn giáo và tư pháp thuộc thẩm quyền tối cao của chính quyền trung ương.
 
Tuy nhiên, ông Suharso khẳng định rằng chính phủ đã nhất trí sửa đổi một số điều khoản theo đề xuất từ các nhà lập pháp vốn cho rằng việc thành lập một cơ quan quyền lực mới của thủ đô không theo mô hình chính quyền khu vực là vi hiến.
 Các tòa nhà tại khu thương mại của thủ đô Jakarta (Indonesia), hồi tháng 5-2019. (Nguồn: reuters.com)
Các tòa nhà tại khu thương mại của thủ đô Jakarta (Indonesia), hồi tháng 5-2019. (Nguồn: reuters.com)
Cụ thể, sẽ có những thay đổi câu chữ từ “chính quyền của thủ đô mới” thành “chính quyền khu vực của thủ đô mới.” Quyền hạn của chính quyền thành phố thủ đô cũng sẽ được giới hạn trong việc chuẩn bị, phát triển và thực hiện dự án di dời thủ đô.
 
Thủ đô mới của Indonesia sẽ được xây dựng trên diện tích 256.000 ha tại hai huyện Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara của tỉnh Đông Kalimantan. Công tác di dời dự kiến bắt đầu vào năm 2024 và sẽ kéo dài 15-20 năm theo ước tính của Bappenas./.
 
Theo Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)

tin liên quan

Hãng CNN hạn chế nhân viên đến văn phòng do số ca mắc COVID-19 tăng mạnh

Đài truyền hình CNN của Mỹ yêu cầu các nhân viên không thiết yếu làm việc từ xa trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng vọt.
 

Dù tiêm nhiều vaccine, một số nước châu Á vẫn thận trọng quay trở lại bình thường

Vaccine phòng COVID-19 được coi là tấm vé để các nước châu Á-Thái Bình Dương trở lại với cuộc sống bình thường.
 

Biến thể Omicron khiến thế giới phải thay đổi nguyên tắc phòng dịch COVID-19 ra sao?

Các nước giàu có, sở hữu nguồn vaccine dồi dào từng hy vọng đại dịch đã lùi vào dĩ vàng giờ đang phải tính toán lại. Vậy những quy định mà nhiều nước áp đặt là hợp lý, hay là phản ứng quá mức cần thiết?