Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Indonesia xây dựng lộ trình chuyển tiếp từ đại dịch sang bệnh đặc hữu

  • 07:21 | Thứ Tư, 15/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chính phủ Indonesia đang xây dựng lộ trình chuyển tiếp từ đại dịch COVID-19 sang bệnh đặc hữu (endemic) để bảo đảm cuộc sống sinh hoạt bình thường cho người dân.
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Denpasar, trên đảo Bali, Indonesia, ngày 2-9-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Denpasar, trên đảo Bali, Indonesia, ngày 2-9-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 14-9, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Johnny Plate cho biết bước đầu tiên trong lộ trình là đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định y tế và duy trì lối sống lành mạnh. Theo ông Plate, xuất phát từ nhận định rằng đại dịch sẽ không thể biến mất trong thời gian ngắn, chính phủ khuyến khích người dân thích nghi và áp dụng các thói quen mới nói trên.
 
Bộ trưởng Plate cho hay: “Là một phần của chiến lược và kịch bản hướng tới chung sống với COVID-19, theo chỉ đạo của Tổng thống, chính phủ đã bắt đầu vạch lộ trình chuyển tiếp từ đại dịch sang bệnh đặc hữu. Nỗ lực này được kỳ vọng đảm bảo sự cân bằng giữa kinh tế và sức khỏe theo từng giai đoạn”.
 
Lộ trình trên cũng được xây dựng làm cơ sở đảm bảo cuộc sống mới cho người dân trong quá trình chuyển tiếp từ đại dịch sang bệnh đặc hữu. Không chỉ dùng để tham chiếu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, lộ trình này cũng cho phép người dân tiến hành các hoạt động như bình thường.
 
Quá trình xây dựng lộ trình có sự tham gia của các bên liên quan và có tham khảo kinh nghiệm của các nước khác. Lộ trình này sẽ được điều chỉnh theo diễn biến của dịch bệnh trong nước, với ba mục tiêu gồm giảm tỷ lệ tử vong xuống khoảng 2%, số bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly dưới ngưỡng 100.000 người và tỷ lệ xét nghiệm dương tính dưới 5%.
 
Chính phủ Indonesia sẽ tiến hành một số hoạt động thí điểm thực thi quy định y tế trong 6 lĩnh vực chính, gồm địa điểm kinh doanh, cụ thể là chợ truyền thống và trung tâm mua sắm hiện đại; hệ thống giao thông công cộng đường không, đường bộ và đường biển; các điểm đến du lịch như khách sạn, nhà hàng, chương trình biểu diễn; các văn phòng và nhà máy sản xuất; các địa điểm thờ tự và các hoạt động tôn giáo; và cơ sở giáo dục và đào tạo các cấp.
 
Ông Plate nói rõ rằng việc thực hiện thí điểm các quy định y tế tại các địa điểm nói trên dựa trên ba tiêu chí gồm số lượng, hoạt động và hành vi, với sự hỗ trợ của các công nghệ kỹ thuật số, trong đó có ứng dụng khai báo trực tuyến PeduliLindungi. Cụ thể, tiêu chí số lượng liên quan đến sức chứa của không gian/cơ sở công cộng; tiêu chí hoạt động liên quan đến hình thức và thời gian mở cửa, trong khi tiêu chí hành vi là cách thức để đảm bảo rằng du khách/người sử dụng thực hiện nghiêm các quy định y tế trong các hoạt động của mình.
 
Trước đó hôm 13-9, Chính phủ Indonesia đã công bố ba chiến lược trọng tâm hiện nay để sống chung với đại dịch COVID-19, bao gồm nâng tỷ lệ bao phủ vaccine, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi; đẩy mạnh xét nghiệm, truy vết, điều trị (3T), trong đó có việc tối ưu hóa các địa điểm cách ly tập trung; và tuân thủ nghiêm các quy trình chăm sóc y tế, bao gồm 3M (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, và giữ khoảng cách) và việc thực hiện sàng lọc thông qua ứng dụng PeduliLindungi.
 
Bộ trưởng Luhut lưu ý rằng nếu tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp, ba chiến lược chính này sẽ được bổ sung bằng các hạn chế xã hội, ví dụ như thực hiện lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 1-4 như hiện nay.
 
Theo Hữu Chiến (TTXVN)