Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Tuyến hàng hải huyết mạch kết nối Đông-Tây

  • 16:41 | Thứ Ba, 06/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Sau khi bị mắc cạn trong kênh đào Suez (Ai Cập) suốt gần một tuần, con tàu Ever Given được giải cứu thành công và hoạt động giao thông qua kênh đào đã được nối lại. Kênh đào Suez là tuyến hàng hải huyết mạch nối phương Tây với phương Đông, chiếm khoảng 15% công suất vận tải biển toàn thế giới, lưu thông nhiều loại hàng hóa, từ dầu thô đến thực phẩm, gia súc...
 
Lối tắt cho giao thương quốc tế
Kênh đào Suez là một trong những tuyến vận tải biển sầm uất nhất thế giới. Ảnh: GETTY IMAGES
Kênh đào Suez là một trong những tuyến vận tải biển sầm uất nhất thế giới. Ảnh: GETTY IMAGES
Kênh đào Suez dài khoảng 190 km, là tuyến vận tải nhân tạo quan trọng vận chuyển dầu thô, hóa chất và các sản phẩm tinh chế từ khu vực Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương đến châu Âu - Bắc Mỹ và ngược lại. Năm 2020, tổng cộng đã có 18.829 chuyến tàu chở 1,17 tỷ tấn hàng hóa đi qua kênh đào này.
 
Kênh đào cung cấp một lối đi tắt cho những con tàu đi qua cảng châu Âu-châu Mỹ đến những cảng phía nam châu Á, cảng phía đông châu Phi, được xem là một trong những tuyến đường thủy sầm uất nhất trên thế giới, giúp tàu bè lưu thông hai chiều giữa phương Đông với phương Tây, không cần phải điều hướng quanh mũi Hảo Vọng ở châu Phi, do đó cắt giảm khoảng cách lên tới 7.000 km.
 
Đầu thế kỷ 19, nhà ngoại giao và kỹ sư người Pháp Ferdinand de Lesseps đã thuyết phục được phó vương Ai Cập Said Pasha ủng hộ việc xây dựng kênh đào. Năm 1858, Công ty Universal Suez được giao nhiệm vụ xây dựng và vận hành kênh đào trong 99 năm, sau đó quyền điều hành và khai thác kênh đào sẽ được giao cho Chính phủ Ai Cập.
 
Việc xây dựng kênh đã phải đối mặt nhiều vấn đề khác nhau, từ khó khăn tài chính và những trở ngại trong quan hệ quốc tế ở thời điểm đó, khiến đôi lúc tiến độ bị đình trệ, song tới năm 1869, kênh đào Suez đã chính thức hoàn thành và mở cửa cho giao thông hàng hải quốc tế với sự quản lý phần lớn thuộc về các công ty của Anh và Pháp.
 
Trong hơn một thế kỷ sau khi khai trương, việc đi lại diễn ra khá thuận lợi. Năm 1956, Tổng thống Ai Cập Abdel Nasser đã quốc hữu hóa kênh đào Suez, dẫn đến xung đột giữa Anh, Pháp, Israel với Ai Cập. Căng thẳng dọc theo tuyến đường thủy này được gọi là “Khủng hoảng Suez”, dẫn đến việc con kênh bị đóng cửa trong nhiều tháng. Cuộc xung đột kết thúc năm 1957 sau khi LHQ tham gia và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại đây. Sau đó, Ai Cập chính thức tiếp quản kênh đào Suez.
 
Tháng 6-1967, Israel và Ai Cập tái diễn xung đột khiến kênh đào bị phong tỏa trong tám năm. Cho đến tháng 6-1975, sau khi hai nước ký một thỏa thuận ngoại giao, kênh đào mới mở cửa trở lại cho giao thương. Năm 2015, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi công bố kế hoạch mở rộng kênh đào nhằm giảm thời gian chờ đợi cũng như tăng gấp đôi số lượng tàu thuyền đi lại mỗi ngày trên tuyến đường này vào năm 2023.
 
Những sự cố trên kênh đào Suez
 
Ngày 23-3 vừa qua, khi tiến vào từ Biển Đỏ, siêu tàu chở hàng Ever Given có tải trọng 199.000 tấn đã mắc cạn và chặn ngang kênh đào Suez. Chiến dịch giải cứu tàu đã được tổ chức nhanh chóng, gấp gáp do việc tắc nghẽn kênh đào gây đứt gãy chuỗi vận chuyển thương mại hàng đầu thế giới này. Vụ mắc cạn đã khiến hoạt động giao thương đi qua kênh đào Suez hầu như tê liệt, khiến hơn 300 tàu khác bị tắc nghẽn ở hai đầu.
 
Vụ việc tàu Ever Given đang trên đường từ Trung Quốc đến Hà Lan bị mắc kẹt tại một trong những đoạn hẹp của con kênh, từ đó làm tắc nghẽn giao thông hàng hải Đông - Tây, có thể được xem là trường hợp gây thiệt hại thương mại nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại của kênh đào. Hơn 300 tàu container chở hàng trăm nghìn tấn hàng hóa bị mắc kẹt trên tuyến kênh đã gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
 
Do sự cố mắc cạn của tàu Ever Given, một số hãng vận tải đường biển lớn phải chuyển hướng nhiều tàu theo lộ trình xa hơn qua mũi Hảo Vọng ở châu Phi, nơi các vụ cướp biển thường xuyên xảy ra. Dù đi qua mũi Hảo Vọng giúp hàng hóa có thể giao cho khách hàng không bị chậm trễ quá lâu, nhưng lịch trình này sẽ khiến mỗi con tàu phải mất thêm ít nhất bảy ngày di chuyển, tiêu tốn nhiều chi phí, nhiên liệu, chưa kể lộ trình kéo dài không phù hợp với các loại hàng hóa dễ hỏng, không thể bảo quản lâu ngày.
 
Đây không phải là lần đầu kênh đào Suez bị tắc nghẽn. Trước đó, năm 2004, một vụ việc được ví là “vô tiền khoáng hậu” với hàng hải thế giới đã xảy ra khi tàu chở dầu Tropic Brilliance của Nga bị mắc cạn tại đây.
 
Trong suốt 48 giờ từ khi mắc kẹt, Tropic Brilliance hầu như không nhích được khỏi chỗ cạn. Lực lượng cứu hộ đã phải đào và múc cát ở dọc theo thân tàu và cả vùng đáy để làm tàu nổi lên. Sau khi nước dâng, tàu mới có thể di chuyển sau hơn ba ngày nằm im lìm chắn ngang con đường huyết mạch.
 
Năm 2006, một chiếc tàu khác rơi vào tình trạng tương tự. Bão cát và gió lớn đã khiến tàu Okal King Do, lúc đó đang chở hàng 93.000 tấn hàng hóa, trôi dạt vào một góc kênh, dẫn đến kênh tạm thời bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, sau đó tàu lai dắt đã giải cứu được tàu chở hàng trong vòng tám giờ. Ở thời điểm đó, chỉ có khoảng 8% tổng lượng thương mại toàn cầu đi qua kênh đào Suez, thấp hơn đáng kể so khối lượng lưu thông hàng hóa hiện nay. 
 
Tiếp sau, vào tháng 11-2017, con kênh dài hơn 193 km lại thêm một lần bị xáo trộn khi tàu container OOCL Japan gặp phải trường hợp tương tự. Thời điểm đó, thiết bị lái trên tàu container bị trục trặc khiến con tàu chuyển hướng vuông góc với hướng đi ban đầu của nó và chặn con kênh. Tuy nhiên, may mắn hơn Ever Given và Tropic Brilliance, các tàu lai dắt đã giải cứu thành công con tàu của Nhật Bản chỉ sau vài giờ đồng hồ mắc kẹt.
 
Với cách thức đã từng được triển khai trong những lần xử lý khủng hoảng trước, trong chiến dịch giải cứu siêu tàu Ever Given vừa qua, đội cứu hộ tàu đã nạo vét khoảng 27.000 m3 cát về phía hai bên bờ của kênh đào Suez, hạ xuống độ sâu khoảng 18 m để tạo lối di chuyển cho con tàu mắc cạn.
 
Phải đến ngày 29-3 vừa qua, tàu mới có thể xoay khỏi vị trí mắc cạn và bắt đầu chuyển động sau gần một tuần chặn ngang kênh đào. Khi nước dâng lên, siêu tàu container dần thoát khỏi vùng mắc cạn, chuyển động dọc theo dòng nước và trở lại hướng di chuyển thông thường, tạo ra những khoảng trống rất cần thiết trên mặt kênh. Phần mũi tàu đã bị hư hỏng một phần nhưng toàn bộ kết cấu tàu được cho là vẫn ổn định. 
 
Theo Vessel Tracker - trang web theo dõi lưu lượng hàng hải và tàu bè trong thời gian thực, hình ảnh hàng trăm con tàu dần bị dồn lại trôi nổi chờ đợi “thông xe” qua kênh đào Suez những ngày qua đã gây ấn tượng mạnh về mức độ sầm uất, nhộn nhịp của tuyến hàng hải này. Đây cũng là nơi mang lại nguồn thu ngoại hối quan trọng của Ai Cập. Theo Bloomberg, sự cố lần này được cho là khiến Ai Cập thiệt hại khoảng 14 - 15 triệu USD mỗi ngày.
 
Theo Thanh Tâm (Báo Nhân dân)