Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

ASEAN 2020: Cùng xây dựng một ASEAN gắn kết và vững mạnh

  • 08:44 | Thứ Bảy, 14/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Việc Cộng đồng ASEAN được hình thành là sự tích tụ kết quả hợp tác ASEAN trong hơn 5 thập kỷ qua, phản ánh mức độ liên kết ASEAN đạt được đến nay; đưa ASEAN thành tổ chức có mức độ liên kết cao hơn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Với dân số 654,3 triệu người và tổng GDP đạt hơn 3.100 tỷ USD trong năm 2019 (đứng thứ sáu thế giới, dự báo năm 2030 sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ), ASEAN trở thành một trung tâm phát triển với mức tăng trưởng trung bình 5%/năm từ nhiều năm qua, là đối tác kinh tế quan trọng trên thế giới và là vùng ưu tiên của các nhà đầu tư (chiếm khoảng 7% đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới).
 
Cộng đồng 3 trụ cột
 
Cộng đồng ASEAN (AC) chính thức được thành lập ngày 31-12-2015 nhưng ý tưởng về Cộng đồng ASEAN được đề cập từ rất sớm, ngay khi các nhà lãnh đạo thông qua Tầm nhìn ASEAN 2020 vào năm 1997. Việc xây dựng Cộng đồng ASEAN nhằm tạo gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và hợp tác rộng mở với bên ngoài; hoạt động theo luật lệ và hướng tới người dân khu vực ASEAN.
 
Cộng đồng ASEAN được thành lập với 3 trụ cột về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Theo đó, Cộng đồng Chính trị-An ninh (APSC) có mục tiêu tạo dựng môi trường hòa bình và an ninh ở khu vực thông qua việc nâng hợp tác chính trị-an ninh ASEAN lên tầm cao mới, với 3 đặc trưng chính gồm: hoạt động theo luật lệ với các giá trị, chuẩn mực chung; gắn kết, hòa bình và tự cường, có trách nhiệm chung bảo đảm an ninh toàn diện; một khu vực năng động, quan hệ rộng mở với bên ngoài.
 
Cộng đồng Kinh tế (AEC) nhằm tạo ra một thị trường duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; có sức cạnh tranh cao; phát triển đồng đều; hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.
 
Cộng đồng Văn hóa-Xã hội (ASCC) có mục tiêu phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy bình đẳng và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tăng cường ý thức cộng đồng và bản sắc chung.
 
Ngoài ra, ASEAN cũng hướng tới mục tiêu làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác và giữ vai trò trung tâm ở khu vực thông qua nhiều khuôn khổ (ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF và ADMM+) được lồng ghép vào hoạt động của từng trụ cột Cộng đồng ASEAN.
 
Việc Cộng đồng ASEAN được hình thành là sự tích tụ kết quả hợp tác ASEAN trong hơn 5 thập kỷ qua, phản ánh mức độ liên kết ASEAN đạt được đến nay; đưa ASEAN trở thành một tổ chức có mức độ liên kết cao hơn trước đây, khá chặt chẽ và có vai trò quan trọng ở khu vực.
 
Cộng đồng ASEAN là một tổ chức liên chính phủ, bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia thành viên, ra quyết định theo nguyên tắc nhất trí, có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau; hợp tác toàn diện và chặt chẽ trên các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và quan hệ với các đối tác bên ngoài; có tổ chức bộ máy hoàn chỉnh, hoạt động trên cơ sở pháp lý và các nguyên tắc cơ bản đã được ghi nhận trong Hiến chương ASEAN.
 
Sự hình thành Cộng đồng ASEAN là dấu mốc lịch sử của tiến trình liên kết ASEAN, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hiệp hội và khu vực cũng như từng nước thành viên. ASEAN đã và sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng đối với hòa bình, ổn định và hợp tác vì phát triển ở khu vực; mang lại những lợi ích quan trọng và thiết thực cho từng nước thành viên, nhất là tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
 
Trong ASEAN, tuy gia nhập sau nhưng Việt Nam lại đi trước trong nhiều lĩnh vực hội nhập quan trọng. Hiện Việt Nam cùng Singapore là hai nước đi đầu trong ASEAN về tỷ lệ thực hiện các biện pháp xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đạt 94,5% so với mức trung bình của ASEAN là 90,5%.
 
Đáng chú ý, sau thời gian kim ngạch thương mại Việt Nam-ASEAN sụt giảm, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN từ năm 2017 đến nay đã bắt đầu tăng mạnh với mức trên 20%/năm, tạo điều kiện cho Việt Nam tranh thủ tốt hơn cơ hội từ liên kết khu vực và tăng cường đan xen lợi ích với các nước thành viên sau 5 năm triển khai Cộng đồng ASEAN.
 
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Võ Văn Sen, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Cộng đồng ASEAN là nền tảng để các nước Đông Nam Á tăng cường tình đoàn kết và hội nhập quốc tế sâu rộng.
 
Trong ba trụ cột của cộng đồng ASEAN, trụ cột về kinh tế là trụ cột có lộ trình rất rõ. Đi đến cộng đồng chung, mà nổi bật trong lĩnh vực kinh tế là xu hướng của thế giới. Xu hướng toàn cầu hóa dẫn đến tất yếu là khu vực hóa.
 
Mỗi quốc gia nếu đứng riêng lẻ sẽ ngày càng thất thế nên các nước phải hợp lại với nhau thành những khu vực, những cộng đồng kinh tế để nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư, mang lại hiệu quả cho nền kinh tế chung của khu vực và lợi thế cho chính quốc gia của mình. Đó là quy luật mang tính khách quan: Toàn cầu hóa song song với khu vực hóa.
 
Tưởng là mâu thuẫn nhưng càng toàn cầu hóa thì càng khu vực hóa. Trên thế giới đã xuất hiện rất nhiều khu vực kinh tế. Vì vậy, các nước ASEAN phải tiến đến cộng đồng kinh tế chung mới thu hút được đầu tư nước ngoài, tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường quốc tế, mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.
 
Cộng đồng kinh tế hay Cộng đồng ASEAN không phải là một quốc gia, siêu quốc gia mà là sự liên kết, khối liên kết với nhau. Phải hiểu sâu để thấy vai trò, quy luật kinh tế khách quan buộc phải hình thành nên Cộng đồng ASEAN trong đó có Cộng đồng kinh tế.
 
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh: “Với tinh thần từ tầm nhìn đến hành động,” Cộng đồng ASEAN đã từng bước thành hiện thực. Chặng đường đầu đã hoàn thành, tạo nền tảng quan trọng cho tiến trình xây dựng Cộng đồng. ASEAN đã từng bước phát huy vai trò trung tâm trong định hình cấu trúc khu vực rộng mở và bao trùm, minh bạch và dựa trên luật lệ.
 
Bước sang thập kỷ thứ 6, ASEAN đang bước vào giai đoạn tăng tốc, đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, vừa vươn tầm phát huy vai trò và vị thế ở khu vực, vừa tích cực đóng góp cho các nỗ lực vì hòa bình, ổn định, phát triển của cộng đồng quốc tế.”
 
Cũng theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, việc hình thành Cộng đồng đã đưa ASEAN trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội. ASEAN ngày nay được coi là hình mẫu thành công về hợp tác khu vực. Các diễn đàn do ASEAN khởi xướng đã quy tụ được nhiều quốc gia, được tất cả các nước lớn coi trọng. Không chỉ gắn kết, liên kết về nội khối, ASEAN còn tích cực mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, trở thành một đối tác quan trọng của các nước lớn trong và ngoài khu vực.
 
Trên cơ sở quan hệ đối ngoại rộng mở bao gồm 10 đối tác đối thoại, trong đó có tất cả các nước lớn, tiếng nói ASEAN được lắng nghe và vai trò trung tâm của ASEAN ngày càng được củng cố.
 
Đoàn kết là sức mạnh
 
Trong bài phát biểu chào mừng Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, trên tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng," Việt Nam trân trọng sự đoàn kết, ủng hộ, hỗ trợ quý báu từ các quốc gia thành viên, các đối tác và bạn bè của ASEAN để Cộng đồng ASEAN vững vàng vượt qua các thách thức, giữ vững đà liên kết, xây dựng cộng đồng và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, hữu nghị, hợp tác, trung lập và ổn định.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
“Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã từng khẳng định "Đoàn kết là sức mạnh." Chỉ có thông qua hợp tác, tin cậy và chung sức, đồng lòng, ASEAN và thế giới mới có thể cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khôi phục tăng trưởng kinh tế, duy trì hòa bình, ổn định và phát triền bền vững,” Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
 
Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 vào thời điểm cực kỳ khó khăn. Đó là sự bùng nổ dịch COVID-19 hoàn toàn bất ngờ, làm đảo lộn toàn bộ những công việc Việt Nam chuẩn bị trong hai năm 2018- 2019 dành cho năm 2020.
 
Tiếp theo, trong khi tất cả các nước đều lo ứng phó với dịch bệnh, tập trung bảo vệ sinh mạng người dân, làm sao để đảm bảo những mục tiêu lâu dài để xây dựng, phát triển cộng đồng tiếp tục được duy trì? Đây là thách thức với nước Chủ tịch ASEAN 2020.
 
Trên thực tế, chủ đề của năm ASEAN 2020: “Gắn kết và chủ động thích ứng” được Việt Nam đưa ra trước khi dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát, tuy nhiên, chủ đề này lại rất phù hợp trong năm 2020 và trở thành một “kim chỉ nam” cho hành động của ASEAN hiện nay.
 
Khái niệm “gắn kết” (cohesive) thể hiện ý tưởng củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển vững mạnh, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc của ASEAN, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm.
 
Khái niệm “gắn kết” đã được đề cập trong các văn kiện nền tảng của ASEAN với nhiều ý nghĩa như gắn kết về chính trị, gắn kết về kinh tế và gắn bó giữa các xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, nhất là trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, nội hàm gắn kết càng trở nên quan trọng hơn với Cộng đồng ASEAN.
 
“Chủ động thích ứng” (responsive) là nâng cao năng lực thích ứng trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, các thách thức đang nổi lên, như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề toàn cầu, như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, đại dịch COVID-19… đồng thời cũng là nâng cao khả năng tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khống chế và có cơ chế kiểm soát, giảm thiểu tác hại về mọi mặt, nhất là khắc phục hậu quả về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.
 
Với phương châm “gắn kết” và “thích ứng,” Việt Nam mong muốn xây dựng hai thành tố có tính giao thoa, bổ trợ chặt chẽ. Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển cần gia tăng chủ động thích ứng với các yếu tố tác động từ bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ.
 
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng quan chức cấp cao (SOM) ASEAN của Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Việt Nam đã chuyển đổi lại các kế hoạch để đáp ứng đúng những gì các nước ASEAN đang cần nhất, đó là những ưu tiên chống COVID-19.
 
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đưa ra các sáng kiến duy trì việc xây dựng cộng đồng. Đây là một thách thức vô cùng lớn với nước Chủ tịch ASEAN khi khối lượng công việc có lúc tăng gấp 2-3 lần. Trong quá trình thực hiện, những sáng kiến của Việt Nam cùng những nỗ lực chung của ASEAN đã giúp khu vực đứng vững trước đại dịch COVID-19 và sớm đi vào phục hồi. Điều này thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất của Cộng đồng, cùng vượt qua khó khăn, thử thách khắc nghiệt.
 
Với việc hoàn thành tốt trách nhiệm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Cộng đồng ASEAN ngày càng trở thành một cộng đồng đoàn kết và gắn kết, ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo, nâng cao vai trò và đóng góp của ASEAN với cộng đồng quốc tế./.
 
Theo Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)