Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Thế 'tiến thoái lưỡng nan' của lãnh đạo thế giới: Bắt tay ông Trump hay chờ đợi Joe Biden

  • 06:56 | Thứ Ba, 23/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Cả đồng minh và đối thủ của Mỹ đang đối diện với một lựa chọn đầy thách thức: Chờ đợi ông Trump thất bại trước Joe Biden hay tìm kiếm thỏa thuận trong hiện tại để tránh những cuộc đàm phán cứng rắn hơn trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). Ảnh: AFP/TTXVN
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Mỹ đã tự nói lên thế tiến thoái lưỡng nan này khi ông đăng dòng trạng thái trên tài khoản mạng xã hội Twitter hồi đầu tháng này nhân sự kiện tù nhân người Mỹ Michael White được Iran phóng thích. “Đừng chờ đợi đến khi bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc mới đạt thỏa thuận lớn. Tôi sẽ chiến thắng. Các anh sẽ có thỏa thuận tốt hơn ở thời điểm hiện tại” - ông Trump viết. 
 
Thủ tướng Đức Angela Merkel có lẽ là người đã được trải nghiệm mối nguy hiểm từ việc “hắt hủi” Nhà Trắng. Chỉ vài ngày sau khi từ chối lời mời của ông Trump tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-7 mà ông chủ Nhà Trắng muốn tổ chức trong tháng 6, chính quyền Mỹ đã thông báo kế hoạch rút khoảng 1/4 binh sĩ đang đồn trú tại Đức. 
 
Trong thời điểm hiện tại, các nước dường như dừng tìm kiếm thỏa thuận với chính quyền Trump, nhưng cũng không hẳn đặt niềm tin vào việc nước Mỹ dưới thời Joe Biden có thể sẽ theo đuổi cách tiếp cận mềm mỏng hơn.
 
Đơn cử, Hàn Quốc vẫn không chấp nhận yêu sách của Mỹ về tăng mức chi phí cho việc đóng trú của khoảng 28.000 lính Mỹ đóng tại bán đảo Triều Tiên. Nhiều nước châu Âu cũng tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch đánh thuế các công ty công nghệ lớn của Mỹ bất chấp đe dọa của Nhà Trắng về áp thuế trừng phạt.
 
Theo John Chipman, Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, nhiều nước ở châu Á và châu Âu sẽ giấu mình sau COVID-19 và “nhấn nút dừng” trong quan hệ với Mỹ, vì cho rằng rất khó để duy trì hợp tác với Mỹ như bình thường. Xu thế này còn tiếp diễn bởi đại dịch ít có khả năng chấm dứt trước tháng 10, thời điểm cận kề bầu cử Tổng thống Mỹ. 
 
Mối bận tâm và phản ứng của chính quyền Tổng thống Trump trước các vấn đề trong nước như COVID-19 và gần đây là các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc có thể cũng là nhân tố khiến nhiều nước chọn giải pháp chờ đợi.
 
Chính quyền nhiều nước phương Tây bày tỏ quan ngại trước việc ông Trump ưa thích kiểu giao dịch đánh đối thay cho các liên minh dựa trên nền tảng giá trị. Anh, Canada lên tiếng phản đối kế hoạch của ông Trump mời Tổng thống Nga dự Hội nghị thượng đỉnh G-7. 
 
“Dưới chính quyền này, những cái bắt tay của chúng ta bị mất giá, còn những giá trị thì đang tan vụn đi”, ông Brett McGurk, nguyên cựu đặc phái viên Mỹ phụ trách liên minh chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, bình luận. Theo ông, cội nguồn trong sức mạnh mềm của Mỹ - thứ tài sản vô hình ảo diệu mà Nga, Trung Quốc không bao giờ có thể sánh được, đang biến mất trước con mắt của thế giới. 
 
Trong khi đó ông Trump tìm cách thúc đẩy hợp tác với các quốc gia nghi ngờ vào Liên minh châu Âu (EU). Đó là trường hợp với Ba Lan, với việc Tổng thống Andrzej Duda sẽ có chuyến thăm Washington trong tuần này.
 Các nhà lãnh đạo nhóm G-7 cùng đại diện EI tại hội nghị thượng đỉnh ở Biarritz, Tây Nam Pháp ngày 25-8-2019. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Các nhà lãnh đạo nhóm G-7 cùng đại diện EI tại hội nghị thượng đỉnh ở Biarritz, Tây Nam Pháp ngày 25-8-2019. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Cùng lúc, đặc phái viên của Mỹ về Balkan, ông Richard Grenell, một nhân vật trung thành với ông Trump, đã lên kế hoạch tổ chức cuộc gặp với lãnh đạo Serbia và Kosovo tại Washington vào ngày 27-6, loại bỏ vai trò trung gian của EU trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Kosovo. 
 
Tuy nhiên, không phải tất cả các đồng minh của Mỹ đều ngập ngừng hợp tác với chính quyền Trump. Australia, nước được ông Trump đề xuất tham dự Hội nghị G-7, đã nhanh chóng chấp nhận lời mời. Australia cùng với Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ quan điểm kiềm chế Trung Quốc của tổng thống Mỹ - nội dung được ông Trump dự kiến là chủ đề trung tâm của hội nghị G-7. Hai nước cũng đồng thuận trước đề xuất mời Nga tham dự sự kiện này.
 
Bất luận ra sao, Mỹ vẫn là cường quốc hùng mạnh không thể coi thường. Một nhà ngoại giao châu Âu tại Washington cho biết, nhiều nước châu Âu đã học được bài học từ việc đặt cược vào khả năng chiến thắng của bà Hilary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016. 
 
Theo quan chức trên, điều này có thể sẽ khiến nhiều nước châu Âu đi tới một kết luận mạnh mẽ hơn: Chính sách của Mỹ sẽ tiếp tục có sự rung lắc mạnh, đồng nghĩa với việc các đồng minh cần phải giảm phụ thuộc vào Washington bất kể ai là người chiến thắng sau cuộc bầu cử trong tháng 11 tới. Cách tiếp cận của châu Âu về những vấn đề đối ngoại gai góc sẽ tập trung vào khía cạnh lợi ích quốc gia thuần túy, thay vì hướng đến liên minh thống nhất. Không làm vậy, nguy cơ bị Mỹ đẩy ra ngoài sẽ rất lớn. 
 
Tính chất khó đoán định trong chính sách của Mỹ được thể hiện rõ nét trong cuộc chiến toàn cầu chống COVID-19. Đó là việc Washington quyết định ngừng cung cấp tài chính cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mà không hề báo trước cho các nước.
 
Còn trong vấn đề Hong Kong, chính quyền Trump cũng trừng phạt Trung Quốc về Luật an ninh Hong Kong, tước bỏ ưu đãi thương mại của Mỹ dành cho Hong Kong mà cũng không hề tham vấn Anh – đồng minh thân thiết của Mỹ.
 
Mạng lưới đồng minh của Mỹ, vốn dựa trên nền tảng cam kết quốc phòng với 34 nước, chưa thể sụp đổ - học giả Mira Rapp-Hooper thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) tại New York nhận định như vậy trong cuốn sách “Shields of the Republic: The Triumphs and Perils of America’s Alliance” (tạm dịch: Lá chắn của nền Cộng hòa - Sự vượt thắng và những mối nguy đối với Liên minh của Mỹ) xuất bản trong tháng này. 
 
Tuy nhiên, sự lạc quan đó có thể sẽ tan biến trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Khi được hỏi liệu nước Mỹ nhiệm kỳ hai của ông Trump có khả năng thay thế cấu trúc liên minh thời hậu chiến bằng một mạng lưới quan hệ quốc tế mới, thích ứng hơn, dựa trên nền tảng lợi ích hay không, bà Rapp-Hooper tỏ ra nghi ngại với bình luận “tôi không nhận thấy nước Mỹ còn là một người tạo nền móng đáng tin cho trật tự thế giới mới”.
 
Theo Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Bloomberg)