Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Thế giới tuần qua: Các nước căng mình dập dịch COVID-19; Nga-Thổ nỗ lực hạ nhiệt

  • 14:42 | Chủ Nhật, 08/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Sự lây lan mạnh và hết sức phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng virus SARS-CoV-2 gây ra tại nhiều quốc gia và chiến sự vẫn hết sức căng thẳng ở Tây Bắc Syria là hai sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần.
 
COVID-19 bùng phát đồng loạt ở nhiều nước 
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện Carlos III ở Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/TTXVN
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện Carlos III ở Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/TTXVN
Dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra tiếp tục lây lan tại nhiều nước trên thế giới và số ca nhiễm bệnh trên toàn cầu đã vượt 100.000 người.
 
Theo Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy, tính đến sáng 7-3 (giờ Việt Nam), số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này hiện là 3.916 trường hợp, số ca tử vong tăng lên 197, trong khi đó tổng số ca hồi phục là 523 trường hợp.
 
Cùng ngày, cơ quan y tế Florida (Mỹ) đã xác nhận 2 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ lên 16 người, với hơn 200 ca nhiễm bệnh. Hai ca tử vong mới là những trường hợp tử vong đầu tiên ở Mỹ bên ngoài các bang duyên hải phía tây Washington và California. 
 
Tại Hàn Quốc, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 7-3 thông báo nước này ghi nhận thêm 483 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 6.767 người.
 
Trong khi đó, cơ quan y tế Đức cũng thông báo các ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh, tới 109 người chỉ trong một ngày. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Đức là bang North Rhine-Westphalia, miền Tây, với 175 ca nhiễm. Hiện Đức chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do COVID-19.
 
Từ Paris, người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng Pháp Jerome Salomon thông báo số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Pháp đã tăng lên 613 người, số ca tử vong do COVID-19 hiện vẫn là 9 trường hợp.
 
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dịch, các nước đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn sự lây lan. Giới chức bang California và bang Hawaii của Mỹ đều ban bố tình trạng khẩn cấp do COVID-19.
 
Ngày 3/3, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp 0,5%, xuống còn biên độ từ 1,0-1,25%, nhằm ứng phó với nguy cơ COVID-19 tác động đến nền kinh tế đang tăng trưởng của mình. Đây là mức giảm lãi suất lớn nhất của FED kể từ năm 2008. 
 
Trong khi đó, chính phủ Pháp ra lệnh hạn chế, tạm ngừng, và thậm chí cấm các hoạt động tập thể tập trung số lượng từ khoảng 5.000 người trở lên, tạm ngừng một số dịch vụ du lịch và hoạt động thể thao.
 
Trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan khắp 20 vùng của Italy, quốc gia Nam Âu này đã quyết định đóng cửa toàn bộ trường học, hoãn vô thời hạn giải đua xe đạp Milan - San Remo và phân bổ 7,5 tỷ euro để hỗ trợ các gia đình và các doanh nghiệp của nước này đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.
 
Đề cập đến tình hình bệnh dịch, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan cảnh báo các nước không chủ quan trước dịch COVID-19. Nhà lãnh đạo khẳng định vẫn chưa rõ cơ chế hoạt động của loại virus này và cho rằng sẽ là sai lầm khi hy vọng rằng virus sẽ biến mất vào mùa Hè như virus gây bệnh cúm.
 
Nga-Thổ với bài toán ‘hòa bình’ ở Syria
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Moskva ngày 5/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Moskva ngày 5-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuần qua, hai nhà lãnh đạo là Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc hội đàm tại Điện Kremlin ở thủ đô Moskva ngày 5-3 để tìm ra giải pháp chấm dứt chiến sự căng thẳng tại tỉnh Idlib miền Bắc Syria.
 
Trước đó, Nga-Thổ gần như tiến sát bờ vực xung đột trực tiếp, sau loạt không kích trong đêm 27-2 do quân đội chính phủ Syria tiến hành với sự yểm trợ của không quân Nga, khiến 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Cùng lúc đó, lực lượng Syria cũng liên tiếp giành thắng lợi từ tay phiến quân được Ankara hậu thuẫn tại các thị trấn thuộc tỉnh Idlib. Động thái này đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ “nóng mắt”, đe dọa tấn công toàn lực và tăng cường cung cấp vũ khí cho các tay súng phiến quân, cản trở chiến dịch của quân đội Syria.
 
Sau 6 tiếng đàm phán căng thẳng, Tổng thống Putin và người đồng cấp Erdogan đã nhất trí về một thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Syria. 
 
Cụ thể, thỏa thuận đạt được bao gồm 3 nội dung chính: Một là thực thi lệnh ngừng bắn tại tỉnh Idlib từ 0h01 phút ngày 6-3-2020; Hai là, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra một hành lang an toàn trải dài 6 km về phía Bắc và phía Nam của đường cao tốc M-4 tại Syria; Ba là, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tuần tra chung dọc theo đường cao tốc M-4 từ ngày 15-3. Bên cạnh đó, Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ còn nhất trí tạo điều kiện cho người tị nạn trở lại miền Bắc Syria và cho rằng không sử dụng giải pháp quân sự cho cuộc xung đột tại Syria.
 
Ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết tình hình “tương đối” yên tĩnh ở khu vực Idlib, khi các cuộc không kích của Nga và Syria đã chấm dứt.
 
Mặc dù vẫn có nhiều người bày tỏ hoài nghi về việc thực hiện thỏa thuận mới song các chuyên gia đều đánh giá Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được mục đích tạm thời. 
 
Cụ thể, với thỏa thuận mới, Thổ Nhĩ Kỳ đã giải quyết được mối lo làn sóng người tị nạn vượt biên vào lãnh thổ quốc gia.Thỏa thuận mới sẽ thành lập một hành lang cho người tỵ nạn di chuyển sang các khu vực do chính quyền Syria kiểm soát. Trong khi đó, Nga vẫn giữ nguyên mức độ hiệu quả trong chiến lược của mình khi giải quyết xung đột Syria: đó là dùng sức mạnh quân sự tấn công chiếm một phần lãnh thổ, sau đó củng cố các vị trí này thông qua các thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ do biết rõ Ankara có nhiều ràng buộc để không trực tiếp đối đầu với mình.    
 
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức