Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Ukrainian Airlines: Máy bay Boeing 737 rơi ở Iran khó do 'lỗi'

  • 08:28 | Thứ Năm, 09/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Phó Chủ tịch hãng Ukrainian International Airlines cho biết ít có khả năng vụ tai nạn khiến 176 người thiệt mạng tại Iran sáng 8-1 là do lỗi như những nhận định ban đầu.
 Người dân Ukraine tướng nhớ các nạn nhân chuyến bay tại sân bay Kiev. Ảnh: CNN
Người dân Ukraine tướng nhớ các nạn nhân chuyến bay tại sân bay Kiev. Ảnh: CNN
Theo kênh CNN, Phó Chủ tịch phụ trách hoạt động của Ukrainian International Airlines (UIA) ông Ihor Sosnovsky đánh giá, dựa trên trình độ kinh nghiệm của phi hành đoàn, ít có khả năng chiếc máy bay phát nổ và rơi do lỗi.
 
"Sân bay Tehran là một phi trường đơn giản. Do đó, trong nhiều năm, UIA đã sử dụng sân bay này để tiến hành đào tạo với máy bay Boeing 737 nhằm đánh giá trình độ và khả năng xử lý của phi công trong các trường hợp khẩn cấp. Theo hồ sơ của chúng tôi, chiếc máy bay đã lên cao tới 2.400 mét. Với kinh nghiệm của phi hành đoàn, xác suất lỗi là tối thiểu. Chúng tôi thậm chí không xem xét một xác suất như vậy".
 
UIA cũng công bố danh tính của phi công và đoàn bay đã tử nạn.
 
Chuyến bay số hiệu PS752 của hãng hàng không Ukrainian International Airlines, chở theo 176 người, đã rơi xuống cánh đồng gần Thủ đô Tehran sáng 8-1. Toàn bộ 167 hành khách và phi hành đoàn 9 người đều tử nạn. 
 
Theo truyền thông nhà nước Iran, chiếc Boeing 737-800 rơi xuống Parand, nằm cách Tehran 60km về phía Tây Nam khi mới cất cánh khỏi sân bay quốc tế Imam Khomeini. Hãng thông tấn Fars News cho biết chiếc máy bay bị các vấn đề kỹ thuật. Dữ liệu chuyến bay cho thấy phi cơ đã đạt độ cao 2,4 km rồi biến mất chỉ 3 phút sau khi cất cánh. 
 Hiện trường đầy những mảnh vỡ của chiếc Boeing 737 xấu số. Ảnh: ISNA/AFP
Hiện trường đầy những mảnh vỡ của chiếc Boeing 737 xấu số. Ảnh: ISNA/AFP
Iran không giao hộp đen cho Boeing
 
Các chuyên gia đang trông đợi vào kết quả phân tích hộp đen của máy bay - thiết bị ghi dữ liệu hành trình và âm thanh tại khoang lái - sẽ cung cấp những bằng chứng quan trọng về những gì xảy ra trong thảm kịch.
 
Sau khi hai hộp đen của chiếc Boeing 737 được tìm thấy, ông Ali Abedzadeh, Giám đốc Cục Hàng khong Iran phát biểu với hãng tin Mehr rằng phía Mỹ sẽ không được tham gia vào bất cứ giai đoạn nào của cuộc điều tra về vụ tai nạn. "Chúng tôi sẽ không giao hộp đen cho nhà sản xuất [Boeing] hoặc Mỹ", ông Abedzadeh nói.
 
Cựu Chánh văn phòng Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) Michael Goldfarb nói với CNN rằng, động thái trên của Iran không thực sự đi ngược lại với luật pháp. Theo luật pháp quốc tế, Iran sẽ là bên dẫn đầu cuộc điều tra về vụ tai nạn và Ukraine nên tham gia với tư cách quốc gia nơi cho đăng ký và điều hành hoạt động của máy bay gặp nạn. Tuy nhiên Mỹ, nơi chiếc Boeing được thiết kế và sản xuất - không bị buộc phải tham gia vào cuộc điều tra.
 
Mặc dù vậy, ông Goldfarb cũng cho rằng người Iran không thể từ chối hợp tác với Boeing nếu muốn tiến hành một cuộc điều tra công bằng. "Iran phải hợp tác với Boeing. Boeing có tất cả các dữ liệu, sở hữu các bản vẽ và thiết kế, có các kỹ sư, họ biết rõ chiếc máy bay".
 
Căng thẳng Mỹ - Iran làm phức tạp cuộc điều tra
 
Tình trạng thù địch leo thang giữa Mỹ và Iran sau vụ không kích ám sát Tướng Iran Soleimani và màn tập kích trả đũa của Tehran nhằm vào các căn cứ Mỹ tại Iraq sẽ là một cản trở với cuộc điều tra về vụ tai nạn máy bay Boeing gần sân bay Tehran.
 
Một quan chức giao thông vận tải Mỹ nhận xét đây là một tình huống phức tạp "không thể tưởng tượng". Vị quan chức không phỏng đoán nguyên nhân tiềm tàng của tai nạn nhưng cho rằng Mỹ quan tâm đến "những tình huống" của thảm kịch.
 
 Chẳng hạn, các nhà điều tra của Chính phủ Mỹ không thể chỉ đơn giản là bay tới Tehran và gặp gỡ với các đối tác Ukraine. Điều này chủ yếu do những lệnh trừng phạt đã tồn tại từ lâu thay vì những sự kiện căng thẳng gần đây. Theo hai quan chức Mỹ giấu tên, chính phủ Iran có quyền kiểm soát cuộc điều tra theo các công ước quốc tế. Nếu phía Mỹ được mời tham gia cuộc điều tra, thì các nhà điều tra Mỹ cần phải xin giấy phép đặc biệt từ Bộ Tài chính, có tham vấn Bộ Ngoại giao.
 
Trong khi đó, cộng đồng tình báo Mỹ cũng đang xem xét về vụ tai nạn máy bay ở Iran. Một nguồn tin cho CNN biết, nếu máy bay trúng tên lửa, sẽ có dấu hiệu nhiệt, có thể được ghi nhận bởi các hệ thống tình báo và quân sự Mỹ. Cho đến lúc này, một cuộc xem xét về mặt hình ảnh chưa phát hiện ra bất cứ dấu hiệu nào hé lộ về khả năng này, nhưng những tìm hiểu sâu hơn đang tiếp diễn.
 
Các nhà phân tích tình báo Mỹ cũng sẽ xem xét các hình ảnh mảnh vỡ máy bay để phát hiện những dấu hiệu của vụ nổ từ bên trong hay bên ngoài máy bay.
 
Theo Thu Hằng/Báo Tin tức