Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

'Cần có biện pháp phản đối hành động của Trung Quốc tại Biển Đông'

  • 14:29 | Thứ Ba, 01/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

Theo chuyên gia người Anh, các nước cần kiềm chế tránh các hành động làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời có các biện pháp phản đối những tuyên bố, hành động gây hấn của Trung Quốc.

Tàu Cảnh sát biển 8001 của Việt Nam làm nhiệm vụ tại khu vực đảo Trường Sa Lớn, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Tàu Cảnh sát biển 8001 của Việt Nam làm nhiệm vụ tại khu vực đảo Trường Sa Lớn, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại London đã có cuộc phỏng vấn ông James Roggers, Giám đốc chương trình "Nước Anh toàn cầu" thuộc Viện nghiên cứu độc lập Henry Jackson Society ở London (Vương quốc Anh), về tầm quan trọng của Biển Đông trong hệ thống hàng hải quốc tế và việc tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải tại khu vực chiến lược này.

Theo ông Roggers, hiện nay, tâm điểm kinh tế đang dần chuyển từ Đại Tây Dương sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi tăng trưởng kinh tế của các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia hay Ấn Độ... đang làm thay đổi cán cân quyền lực kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh đó, Biển Đông ngày càng trở nên quan trọng với vai trò là một trong những tuyến hàng hải trọng yếu nhất trên thế giới.

Đây là tuyến đường vận chuyển hàng hóa đến châu Âu, Trung Đông và vận chuyển năng lượng từ châu Phi, Trung Đông tới các nhà máy tại châu Á.

Do đó, nếu hoạt động hàng hải tại khu vực này bị gián đoạn có thể dẫn đến nguy cơ có sự thay đổi trong dài hạn khi huyết mạch giao thông này bị chuyển sang tuyến hàng hải khác.

Đứng từ góc độ chiến lược, Biển Đông rất quan trọng vì là điểm trung tâm nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, hay Australia đều đặc biệt quan tâm tới khu vực này, trong khi các nước trong khu vực như Phillipines, Việt Nam, Malaysia, Singapore và Indonesia cũng không ngoại lệ.

Liên quan đến UNCLOS 1982, ông Roggers nhận định điều quan trọng là các nước cần tuân thủ hệ thống luật pháp quốc tế và cộng đồng quốc tế cần lên tiếng ngay sau khi xảy ra những hành động gây hấn tại Biển Đông.

Các nước như Anh, Mỹ, Australia, Nhật Bản và những nước khác trong khu vực cần có thái độ đối với hành vi gây hấn bằng cách chỉ ra bản chất, hoặc bác bỏ những tuyên bố quá mức về chủ quyền trên Biển Đông, thực hiện tự do đi lại hàng hải trên Biển Đông theo UNCLOS 1982.

Ông Roggers nhấn mạnh UNCLOS 1982 có vai trò tạo ra khuôn khổ pháp lý để ngăn chặn xảy ra những tranh chấp trên biển, đồng thời để các nước thành viên tham gia hiểu được những quyền hạn và trách nhiệm của mình.

Trung Quốc cũng như nhiều nước khác tham gia UNCLOS 1982 đều phải tuân thủ UNCLOS. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là hiện nay Trung Quốc lại không tuân theo các quy định hay nghĩa vụ bắt buộc của công ước này.

Theo chuyên gia Roggers, các nước cần kiềm chế tránh các hành động làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời có các biện pháp phản đối những tuyên bố, hành động gây hấn của Trung Quốc như “đường 9 đoạn” hay việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Theo Diễm Quỳnh-Tuấn Anh (TTXVN/Vietnam+)