.

Năm 2018-ngổn ngang lộ trình rời khỏi EU của nước Anh

.
10:51, Thứ Năm, 27/12/2018 (GMT+7)

Năm 2018 là một năm đầy chông gai cho tiến trình đàm phán Brexit. Người ta đã chứng kiến rất nhiều kịch tính, chỉ trích gay gắt lẫn nhau giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU), những sóng gió trên chính trường Anh, sự lo ngại của giới doanh nghiệp cả Anh lẫn EU và nỗi hoang mang của người dân Anh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Nguy cơ "vỡ trận" kịch bản Brexit đã làm rung chuyển đời sống chính trị nước Anh, thể hiện một tâm trạng ngờ vực về quyết định mà cử tri Anh lựa chọn trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

Mức độ gian nan của tiến trình Brexit trong năm 2018 có thể dễ dàng được nhận ra khi thời gian thảo luận các nội dung được đưa lên bàn cân thương lượng luôn bị kéo dài hơn dự kiến, dẫn đến đàm phán Brexit đã không kết thúc được giai đoạn 2 như dự kiến.

Lẽ ra đến cuối năm 2018, Anh và EU phải chính thức thông qua được thỏa thuận Brexit và tuyên bố chính trị, đặt nền móng cho tương lai quan hệ hai bên thời hậu Brexit. Đối với riêng Thủ tướng Anh Theresa May, tiến trình đàm phán Brexit có thể ví như một cuộc leo núi mà vách đá sau cheo leo khó vượt hơn vách đá trước.

Trở lực đầu tiên xuất phát từ EU. Được cho là ở “thế thượng phong” trong cuộc đàm phán với Anh, phía EU luôn thể hiện lập trường khá cứng rắn và nhiều lần “dội gáo nước lạnh” vào Thủ tướng Thereaa May.

Các vòng thương lượng luôn bị kéo dài, bất đồng giữa Anh và EU về vấn đề Brexit thực sự có lúc đã lên tới đỉnh điểm, mà chỉ còn một bước chân nữa là có thể vượt ngưỡng an toàn.

Có vẻ “người đàn bà thép” Therexa May đã phải rất mềm mỏng và nhượng bộ mới thuyết phục được các nhà lãnh đạo EU chấp nhận một thỏa thuận Brexit.

Tuy nhiên, “cửa ải” EU không phải là vấn đề duy nhất. Hiện Chính phủ Anh vẫn chưa thể trình Hạ viện dự thảo thỏa thuận Brexit đã thống nhất với EU, mà “chướng ngại vật” lại do chính các nghị sĩ Anh dựng lên.

Sự phản đối từ các nghị sỹ thuộc các đảng phái khác nhau, kể cả trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền, buộc Thủ tướng Theresa May phải quyết định lui ngày trình Hạ viện thông qua sang tháng 1 năm tới để có thêm thời gian thuyết phục các nghị sỹ ủng hộ thỏa thuận Brexit của chính phủ.

Khả năng dự thảo thỏa thuận Brexit được thông qua tại Hạ viện vẫn chỉ là 50/50.

Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng Anh Theresa May phải đương đầu với thách thức chính trị do Brexit, song có thể nói thách thức lần này cam go nhất.

Hồi giữa năm, tưởng như mọi chuyện có thể diễn biến suôn sẻ ở nước Anh với bước ngoặt đầu tiên đáng kể trong tiến trình đàm phán Brexit 2018, là việc Nữ hoàng Anh Elizabeth II ký thông qua luật rút khỏi EU, theo đó, Anh sẽ chính thức “chia tay” EU vào lúc 23GMT ngày 29-3-2019.

Bước tiến triển đáng kể tiếp theo, Thủ tướng Anh Theresa May cũng thuyết phục được nội các của bà thể hiện "lập trường tập thể" với kế hoạch Chequers gây tranh cãi. Tuy nhiên, “cái giá” của sự ủng hộ này khá đắt.

Khoảng 10 thành viên nội các từ chức để phản đối hướng Brexit "mềm" mà bà May lựa chọn, trong đó có 2 nhân vật chủ chốt là Ngoại trưởng Boris Johnson và Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis. Cũng từ đó, liên tiếp những vòng xoáy khủng hoảng chính trị mới xuất hiện trên chính trường Anh.

“Cơn bão” này chưa tan thì trận cuồng phong kế tiếp đã trực chờ. Bà Theresa May phải đối mặt với việc thuyết phục các thành viên nội các, các nghị sĩ đảng Bảo thủ, các nghị sỹ thuộc Dân chủ Hợp nhất Bắc Ireland (DUP) và những chỉ trích kịch liệt từ Công đảng đối lập.

Mặc dù Nội các Anh cuối cùng đã thông qua thỏa thuận này, nhưng “làn sóng” từ chức để phản đối lại tiếp diễn, trong đó có Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit Dominic Raab.

Việc chỉ trong chưa đầy nửa năm có tới 2 bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh từ chức do bất đồng ý kiến với Thủ tướng May về vấn đề đàm phán với EU, cũng nói lên tính khốc liệt và những chông gai trên con đường nước Anh đang đi.

Số nghị sỹ tại Hạ viện cả trong đảng Bảo thủ và các đảng phái khác công khai lên tiếng sẽ bỏ phiếu chống dự thảo thỏa thuận Brexit lên tới hơn 100 người đã buộc Thủ tướng May phải hoãn đưa thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện vào ngày 12-12 như dự kiến vì lường trước thất bại.

Chính quyết định tạm hoãn bỏ phiếu của Thủ tướng May tại Hạ viện lại khiến bà phải đương đầu với cuộc bỏ phiếu khác khó khăn không kém, bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính bà trong nội bộ các nghị sĩ Bảo thủ.

Mặc dù tạm vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này, nhưng bà May phải tuyên bố sẽ từ chức trước khi diễn ra tổng tuyển cử ở Anh dự kiến vào năm 2022, điều sẽ dẫn tới cuộc đua mới và gây chia rẽ công khai hơn trong đảng giành ngôi vị thủ lĩnh đảng.

Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh sau khoảng nửa tháng nữa có thể là vách núi cuối cùng của Thủ tướng May, song là vách đá hiểm trở nhất. Hiện có hai khả năng mà Chính phủ Anh đưa ra đối với các nghị sỹ, là hoặc thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit của chính phủ, hoặc chính phủ sẽ quyết định theo phương án nước Anh vẫn sẽ rời EU đúng ngày 29-3 mà không đạt thỏa thuận nào với EU.

Khả năng thứ hai này là điều không mong muốn, song hiện cả Anh và EU cũng đã công khai đưa ra các kế hoạch chuẩn bị. Giới chính trị gia Anh còn đưa ra nhiều kịch bản khác trong trường hợp Hạ viện không thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit.

Kêu gọi trưng cầu dân ý lần thứ hai, bác lại việc chia tay EU mà không đạt được thỏa thuận nào, hay đề xuất mô hình thành viên giống kiểu Na Uy đang có hiện nay với EU... Tuy nhiên khả năng thực thi đối với những ý kiến khác đó là không cao so với những giải pháp của chính phủ đưa ra.

Chưa kể chính phủ của bà May vẫn phải đối mặt với những nguy cơ mới. Vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ mà người đứng đầu Công đảng đối lập Jeremy Corbyn phát động cũng đang manh nha hình thành, song để dẫn được đến một cuộc tổng tuyển cử sớm như ông Corbyn mong muốn đòi hỏi nhiều thời gian hơn, trong khi đến 29-3-219 là Anh rời EU.

Kết quả tiến trình đàm phán Brexit trong năm qua cho thấy EU và Anh rất khó thỏa hiệp, dù cả hai đều nói quan hệ song phương luôn là đặc biệt nhất mà không nước thứ ba nào sánh được.

Trên thực tế, EU luôn tỏ rõ lập trường cứng rắn đến kinh ngạc trong tiến trình đàm phán với Anh, đưa Thủ tướng May nhiều lần vào thế khó. Điều này có thể hiểu là EU muốn bày tỏ tình đoàn kết nội khối, và muốn dùng nước Anh để cảnh báo thành viên EU nào muốn rời khối.

Hành trình vượt núi của bà Therasa May trong con đường Brexit còn ngổn ngang với những trắc trở chưa thể lường trước. Nước Anh đang chờ đợi một cuộc bỏ phiếu lịch sử vào trung tuần tuần tháng 1-2019, và ngã rẽ mà nước Anh lựa chọn trên con đường chia tay EU vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Theo Diễm Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)

,