.

Saudi Arabia tiếp tục hứng cơn bão chỉ trích sau vụ giết hại nhà báo

.
21:21, Thứ Tư, 24/10/2018 (GMT+7)

Saudi Arabia tiếp tục hứng chịu "cơn bão chỉ trích" từ dư luận quốc tế sau cái chết của nhà báo nước này Jamal Khashoggi, mặc dù Riyadh trước đó cam kết sẽ buộc những đối tượng gây ra cái chết của nhà báo Khashoggi và những người không hoàn thành nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm, bất kể đó là ai.

Cảnh sát phong tỏa bên ngoài tư dinh Tổng lãnh sự Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nhà báo Jamal Khashoggi mất tích, ngày 16-10-2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát phong tỏa bên ngoài tư dinh Tổng lãnh sự Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nhà báo Jamal Khashoggi mất tích, ngày 16-10-2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một phản ứng mới nhất ngày ngày 24-10, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ thu hồi thị thực của các nghi phạm dính líu tới vụ giết hại nhà báo Khashoggi, khẳng định sẽ không để tất cả những đối tượng này được đặt chân đến nước Anh.

Phát biểu tại một phiên họp Quốc hội, Thủ tướng May nhấn mạnh: "Nếu những đối tượng này đã có thị thực, những thị thực đó sẽ bị hủy ngay trong hôm nay."

Bà cũng cho biết sẽ có cuộc thảo luận với Quốc vương Saudi Arabia Salman trong ngày 24-10, nhấn mạnh sự cần thiết phải xác định chính xác điều gì đã xảy ra với nhà báo Khashoggi.

>> [Infographics] Căng thẳng ngoại giao Saudi Arabia-phương Tây

Trước Anh, Mỹ cũng đã thông báo sẽ hủy thị thực của khoảng 20 quan chức Saudi Arabia có liên quan đến vụ việc nhà báo Khashoggi bị giết hại. Đây là động thái cứng rắn nhất đến nay của Washington với quốc gia đồng minh thân cận Saudi Arabia.

Trong khi đó, Australia đã để ngỏ khả năng xem xét lệnh cấm bán vũ khí cho Saudi Arabia, đồng thời cho biết nước này không còn ưu tiên một thỏa thuận công nghiệp quốc phòng với Saudi Arabia.

Trước đó, Australia cũng đã phản ứng về vụ sát hại nhà báo Khashoggi bằng cách tẩy chay hội nghị đầu tư do Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tổ chức và đang diễn ra ở Riyadh.

Liên quan vụ việc trên, trong một phản ứng mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman là người phải chịu trách nhiệm cuối cùng bởi ông là người đứng đầu trên thực tế của Saudi Arabia.

Tuy nhiên, cũng trong bài trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal ngày 23-10, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông tin rằng Quốc Vương Salman không biết về vụ việc.

Cùng ngày 24-10, ông Ilnur Cevik, một trong số các cố vấn cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đã cáo buộc có bàn tay của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi, điều cho đến nay Riyadh luôn bác bỏ.

Trong một bài viết trên báo Yeni Birlik, ông Cevik nhấn mạnh: “Đây là một điều đáng hổ thẹn có liên quan đến cả Thái tử Bin Salman. Ít nhất năm người trong nhóm sát thủ là cánh tay phải của Thái tử Bin Salman. Họ sẽ không dám hành động sau lưng ông ấy."

Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan ngày 24-10 khẳng định Ankara sẽ không cho phép những người phải chịu trách nhiệm trong cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi thoát khỏi công lý, đồng thời sẽ duy trì sức ép đối với Saudi Arabia trong bối cảnh thế giới đang nghi ngờ cách giải thích của Riyadh về vụ việc này.

Trong bối cảnh sự việc vẫn chưa sáng tỏ, một nguồn tin từ Điện Elysee cho biết Pháp sẽ không đưa ra bất cứ "quyết định vội vàng nào" về tương lai của mối quan hệ chiến lược với Saudi Arabia cho tới khi sự thật xung quanh cái chết của nhà báo Khashoggi được làm rõ.

Nguồn tin này nhấn mạnh các quyết định được đưa ra trong tương lai sẽ dựa vào những sự thật đã được làm sáng tỏ cũng như xác định rõ những người phải chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết chính phủ của ông sẽ vẫn hoàn tất các hợp đồng bán vũ khí trước đây với Saudi Arabia, mặc dù ông "thất vọng" về vụ sát hại nhà báo Khashoggi.

Phát biểu với các nghị sỹ, ông Sanchez cũng cho rằng bảo vệ việc làm ở miền Nam Tây Ban Nha cũng là trọng tâm trong quyết định của ông hồi tháng trước về việc tiếp tục chuyển giao vũ khí cho Saudi Arabia.

Nhà báo, nhà bình luận chính trị Khashoggi bị mất tích từ ngày 2-10 sau khi vào tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Khashoggi mang quốc tịch Saudi Arabia, sinh sống tại Mỹ và đang trong quá trình tìm cách để trở thành công dân Mỹ sau khi lưu vong từ năm 2017.

Sau 2 tuần phủ nhận, Saudi Arabia sau đó thừa nhận nhà báo Khashoggi đã chết trong một vụ ẩu đả tại Lãnh sự quán nước này ở Istanbul.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman khẳng định không liên quan tới vụ việc và cho rằng việc này là do cấp dưới thực hiện. Cách ứng phó của Riyadh về vụ nhà nhà báo Khashoggi đã không làm hài lòng cộng đồng quốc tế, trong đó có nhiều nước đồng minh của Saudi Arabia.

Theo Phương Oanh-Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

,