.

Cảnh báo sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài ngoại tại châu Âu

Thứ Ba, 20/09/2016, 14:30 [GMT+7]

Ngày 19-9, hội nghị cấp cao về người di cư và người tị nạn ở trụ sở của Liên hợp quốc, thành phố New York, Mỹ, đã cảnh báo những nguy cơ từ chủ nghĩa bài ngoại đang lên cao tại châu Âu trước làn sóng ồ ạt người di cư có thể lan rộng ra toàn cầu và đe dọa nhiều quốc gia.

Cảnh sát giám sát, phân loại những người tị nạn tại Calais. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cảnh sát giám sát, phân loại những người tị nạn tại Calais. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Zeid Ra'ad Al Hussein kêu gọi các nước chống lại "những phần tử cố chấp lợi dụng vấn đề chủng tộc" đang tìm cách gây dựng tầm ảnh hưởng thông qua định kiến và lừa dối, gây hại cho một bộ phận dễ tổn thương nhất.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết có hơn 1,2 triệu người di cư đã vào biên giới nước này trong năm 2015. Nếu không sớm có giải pháp, tình hình này sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho tình trạng phân biệt giữa các quốc gia và lực lượng bài ngoại. Khi đó, tác động chính trị từ làn sóng này sẽ không chỉ trong biên giới Hy Lạp.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định không quốc gia nào có thể quay lưng lại với với cuộc khủng hoảng người di cư hiện tại và các tác động nó mang lại.

Thủ tướng Liban Tammam Salam kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp từ cộng đồng quốc tế.

Ngoại trưởng của 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên bố New York, bao gồm những cam kết triển khai một kế hoạch đồng bộ để giải quyết vấn đề người di cư và người tị nạn một cách hiệu quả hơn. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã phát động một chiến dịch toàn cầu chống chủ nghĩa bài ngoại.

Theo Văn phòng của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, tính tới cuối năm 2015 thế giới có 65,3 triệu người không có nhà cửa, con số cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới 2. Hầu hết những người phải rời bỏ quê hương ra đi đều bị đe dọa tính mạng khi trên đường tháo chạy. Trong số những người may mắn sống sót, đến được một nơi nào đó để trú ngụ, nhiều người thường xuyên phải sống trong sự sợ hãi, bị bài ngoại, bị tấn công bạo lực, bị vi phạm nhân quyền và không được tiếp cận cách dịch vụ cơ bản.

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh thứ 2 về vấn đề người di cư bên lề Khóa họp 71 Đại Hội đồng Liên hợp quốc trong ngày 20-9. 40 quốc gia tham gia dự kiến sẽ công bố các cam kết hỗ trợ mới về tiếp nhận thêm người di cư hoặc cung cấp giáo dục và việc làm.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố trong vòng ba năm tới, Nhật Bản sẽ cấp thêm 2,8 tỷ USD viện trợ nhân đạo để giúp Liên hợp quốc đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn toàn cầu. Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra cam kết Bắc Kinh sẽ cấp thêm 100 triệu USD cho các nỗ lực trợ giúp người tị nạn.

Tân Thủ tướng Anh Theresa May cũng tái khẳng định các cam kết của Anh đối với viện trợ quốc tế song cho rằng cần có cách tiếp cận hiệu quả hơn đối với làn sóng di cư khổng lồ bắt nguồn từ Syria cũng như nhiều khu vực khác. Bên cạnh đó, theo bà May, trong số người nhập cư này không chỉ có những người tị nạn mà còn có những người tìm kiếm các lợi ích kinh tế.

Nhà lãnh đạo Anh kêu gọi các chính phủ áp dụng quy định yêu cầu người tị nạn phải xin tị nạn ở quốc gia an toàn đầu tiên họ đặt chân tới. Điều này có nghĩa, những người chạy khỏi Syria sẽ xin tị nạn ở ngay Thổ Nhĩ Kỳ, Liban và Jordan.

Theo bà May, mỗi quốc gia đều có quyền kiểm soát các đường biên giới và bảo vệ công dân của mình, song việc hạn chế người di cư không kiểm soát và bất hợp pháp ra nước ngoài cũng là trách nhiệm của mỗi quốc gia.

Trong khi đó, tân Tổng thống Brazil Michel Temer kêu gọi tăng cường các nỗ lực nhằm giải quyết gốc rễ gây ra tình trạng người di cư và tị nạn. Theo ông, nguyên nhân của làn sóng di cư bắt nguồn từ chiến tranh, đàn áp và chủ nghĩa bạo lực cực đoan. Do đó những thỏa thuận nhằm giải quyết các vụ khủng hoảng chính trị và sự phát triển toàn diện sẽ ngăn chặn tình trạng dịch chuyển của một lượng người khổng lồ.

Tổng thống Brazil thừa nhận mối quan tâm hàng đầu của các chính phủ là an ninh cho công dân, song phải tôn trọng quyền con người, điều này cần được thể hiện trong mối quan hệ với người khác cũng như người nước ngoài.

Liên quan đến tình trạng người di cư tại châu Mỹ, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto khẳng định không rào cản nào có thể ngăn chặn được người nhập cư. Theo ông, lịch sử đã chứng minh không rào cản nào dù là tự nhiên hay nhân tạo có thể ngăn được sự di cư của con người hay ảnh hưởng của văn hóa. Sự di chuyển là một phần tất yếu trong sự tồn tại của con người.

Tuyên bố của Tổng thống Mexico được đưa ra trong bối cảnh ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump liên tục tái khẳng định cam kết nếu đắc cử sẽ xây một bức tường khổng lồ ở biên giới với Mexico để chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp và tuyên bố Mexico sẽ phải trả tiền xây dựng bức tường này.

Bên lề hội nghị cấp cao của Đại hội đồng này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã có các buổi gặp song phương riêng rẽ với Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo để thảo luận về làn sóng di cư tại châu Âu bên cạnh nhiều vấn đề quốc tế.

Theo TTXVN/Vietnam+