Tăng cường phối hợp, hiệp đồng đấu tranh với tội phạm ma túy
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, từ đầu năm 2024 đến nay, tội phạm ma túy hoạt động mạnh tại các tỉnh Bắc miền Trung và Tây Nguyên với nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn, thủ đoạn tinh vi, trang bị vũ khí "nóng". Các lực lượng chức năng đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án lớn...
Triệt xóa nhiều đường dây ma túy xuyên quốc gia
Tại hội nghị giao ban phương án nghiệp vụ số 3632 về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến Bắc miền Trung-Tây Nguyên vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Đức Thính, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), nhận định: Ma túy tổng hợp dạng đá, ketamine, heroin, hồng phiến được các đối tượng vận chuyển từ khu vực Tam giác vàng qua các tỉnh của Lào vào địa bàn Bắc miền Trung Việt Nam rồi đưa vào các tỉnh phía Nam hoặc ra phía Bắc tiêu thụ.
Thủ đoạn của các đường dây, toán, nhóm buôn bán, vận chuyển ma túy rất tinh vi, xảo quyệt. Chúng hình thành các đường dây khép kín, trong đó các mắt xích quan trọng thường có quan hệ huyết thống, liên lạc bằng điện thoại vệ tinh, mạng xã hội...
Qua tổng kết các chuyên án mới đây cho thấy, các đối tượng thường xuyên thay đổi cách vận chuyển, cất giấu "hàng". Ma túy thường được ngụy trang, giấu vào lốp xe, ngăn bí mật trên ô tô (chúng thường hàn thêm một khoang chứa trên trần xe ô tô vừa đủ xếp các bánh heroin theo chiều dài xe rồi ngụy trang như thiết kế nguyên bản của xe), các thùng chứa mỹ phẩm, thực phẩm...
Phương thức vận chuyển thường xuyên thay đổi theo từng cung đường. Có lúc gửi xe khách, có lúc vận chuyển đường bộ, đường biển. Thậm chí, tội phạm còn lắp thiết bị định vị vào các gói ma túy, sau đó thả trôi xuống biển cho nhóm khác vớt lên đi tiêu thụ.
Trước tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với công an các địa phương và lực lượng chức năng triển khai đấu tranh, trấn áp. Công an các địa phương giáp ranh thường xuyên trao đổi thông tin, rà soát địa bàn có đối tượng nghiện ma túy, ngăn chặn hình thành các đường dây vận chuyển ma túy liên tỉnh; thành lập các chốt, trạm kiểm soát và tổ chức tuần tra kiểm soát cơ động. Lực lượng chức năng tập trung công tác điều tra cơ bản, quản lý người sử dụng ma túy gắn với công tác quản lý địa bàn; triệt xóa và giải quyết những điểm, tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự.
Đặc biệt, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và bộ chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố trong trao đổi thông tin, bám nắm hoạt động của các đối tượng, đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia; theo dõi các đối tượng móc nối với người dân khu vực biên giới hình thành các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy từ Lào vào các tỉnh Bắc miền Trung.
Các đơn vị BĐBP và công an đã lập các chuyên án, truy bắt những đối tượng cầm đầu, chặt đứt các mắt xích trong các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy, quyết tâm ngăn chặn ma túy thẩm lậu từ biên giới vào nội địa.
Điển hình là ngày 30-3-2024, tại xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị phối hợp với Công an tỉnh tổ chức mật phục, bắt quả tang 3 đối tượng người Lào đang vận chuyển trái phép 100kg ma túy. Mở rộng điều tra, lực lượng phối hợp bắt thêm 2 đối tượng cũng là người Lào trong đường dây vận chuyển, buôn bán ma túy từ Lào vào Việt Nam.
Mới đây, ngày 23-5, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP phối hợp với Cục Cửa khẩu BĐBP và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị đấu tranh thành công Chuyên án A424-3p, bắt quả tang 5 đối tượng quốc tịch Lào đang vận chuyển trái phép 100 bánh heroin từ Lào về Việt Nam. Trước đó, trong ngày 6 và 9-5, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP phối hợp với Cục Cửa khẩu BĐBP và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh bắt 2 vụ với tổng số 8 đối tượng vận chuyển 190,5kg ma túy các loại, thu 2 xe ô tô biển kiểm soát Lào...
Không để vùng biển thành nơi vận chuyển ma túy
Tình hình tội phạm ma túy không chỉ "nóng" trên tuyến biên giới đất liền mà cả trên biển. Lợi dụng địa bàn trên biển rộng, khó kiểm soát, dễ phi tang, chúng thường vận chuyển ma túy thông qua các tàu đánh cá, hoạt động xuyên quốc gia; các đối tượng cầm đầu dùng thiết bị liên lạc hiện đại để điều hành từ đất liền.
Đại tá Lương Đình Hưng, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật (Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) cho biết: “Các đối tượng chủ mưu chủ yếu là người nước ngoài, cấu kết với các đối tượng trong nước sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm qua mặt lực lượng chức năng, như: Thường xuyên thay đổi người vận chuyển sau mỗi chuyến hàng; sử dụng tàu, thuyền đi tới vùng biển giáp ranh vùng biển Việt Nam để giao, nhận ma túy, sau đó chở đi tiêu thụ ở nước thứ ba; trà trộn, đóng giả ngư dân để theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng, thông báo cho đồng bọn... Đặc biệt, chúng còn sử dụng thủ đoạn thả phao cứu sinh, bao nổi cất giấu ma túy, có gắn thiết bị định vị”...
Được biết, từ đầu năm đến nay, riêng các đơn vị Cảnh sát biển đã đấu tranh thành công 72 vụ án, bắt giữ 115 đối tượng, khởi tố 19 vụ/23 đối tượng; tang vật thu giữ gồm hơn 2,1kg heroin, hơn 100kg ma túy tổng hợp, 21kg cần sa, hơn 20kg cocain, 3 khẩu súng cùng nhiều vật chứng liên quan.
Mới đây, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục triển khai Kế hoạch tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên biển. Theo đó, lực lượng Cảnh sát biển tăng cường sử dụng phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, các biện pháp công tác, trong đó lấy biện pháp nghiệp vụ làm mũi nhọn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong trao đổi thông tin, quản lý địa bàn ven biển, lập các chuyên án đấu tranh với những đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.
Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát biển sẽ huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân nhằm ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy trên biển, không để các đường dây tội phạm lợi dụng đường biển Việt Nam để trung chuyển trái phép chất ma túy.
Theo Báo QĐND