Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Những "ba nuôi" mang quân hàm xanh

  • 06:10 | Thứ Tư, 30/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cũng như bao học sinh khác, những ngày này, các em người dân tộc thiểu số "Con nuôi đồn biên phòng" ở vùng biên giới cũng đang háo hức chờ đợi ngày đến trường. Song, chỉ khác là thay vì được ba mẹ chăm sóc, các em  lại được những “ba nuôi” đặc biệt mang quân hàm xanh chăm chút từ bộ áo quần mới, cặp sách đến giày dép mới cho ngày tựu trường.
 
Bù đắp yêu thương
 
Tranh thủ thời gian nghỉ, thiếu tá Cao Văn Chính, Đồn Biên phòng (BP) Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cha Lo mang 2 chiếc xe đạp của 2 “con nuôi” ra bảo dưỡng, sửa chữa, tra lại dầu mỡ. Thiếu tá Chính bảo: “Đường sá ở đây không tốt. Các cháu còn nhỏ, lại hay tinh nghịch, nên quá trình sử dụng xe thường xuyên bị hư hỏng, phải sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên. Chuẩn bị bước vào năm học mới, cũng phải tra lại dầu mỡ để ngày đầu tiên của năm học mới, cháu đi đến trường cho suôn sẻ”. 2 chiếc xe đạp nói trên là của em Hồ Cu Ba và Hồ Lanh, 2 người “con nuôi” của cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) Đồn BP CKQT Cha Lo.
 
Ngày chúng tôi đến tổ công tác BP Y Leng, 2 em mới được đưa về. Còn thời gian nghỉ hè vừa qua, cả 2 được đưa lên sinh sống tại Đồn BP CKQT Cha Lo. Thiếu tá Chính cho hay: “Tổ công tác BP có 3 người. Hàng ngày phải đi công tác địa bàn, nên phải đưa các cháu lên đồn, vì không có người ở nhà trông coi, theo dõi. Vả lại ở đồn, các cháu được rèn luyện và chăm sóc cẩn thận hơn. Chứ để các cháu ở nhà một mình cả ngày, chúng tôi không yên tâm. Giờ sắp bước vào năm học mới, chúng tôi phải đưa các cháu về tổ công tác ở lại để chăm sóc. Vì đường từ đây đến điểm trường chỉ khoảng hơn 500m, còn ở đồn cách xa, khoảng 7km”.
Thiếu tá Cao Văn Chính sửa chữa, bảo dưỡng xe đạp cho 2
Thiếu tá Cao Văn Chính sửa chữa, bảo dưỡng xe đạp cho 2 "con nuôi" để chuẩn bị ngày tựu trường.

Năm nay cũng là năm thứ tư, 2 đứa trẻ người dân tộc Chứt này lớn lên dưới “mái nhà” chung của những người lính BP, nên các em đã quá quen với sự chăm sóc, dạy dỗ của những người “ba nuôi” này. Cả 2 giờ đây đã cao lớn, chững chạc, khác hẳn với vẻ nhút nhát, sợ sệt của những ngày đầu mới vào sống ở đồn.

Thiếu tá Chính kể: “Hoàn cảnh của 2 cháu tội nghiệp và đáng thương lắm. Nhà của Cu Ba ở bản Tà Leng, xã Dân Hóa (Minh Hóa). Ba mất sớm, mẹ “đi thêm bước nữa”, nên cháu sớm trở thành đứa trẻ mồ côi. Còn Hồ Lanh, năm nay lên lớp 8, ở bản Hà Nôông, xã Dân Hóa. Ba mẹ sớm chia tay, nên Lanh sống với bố, thiếu đi tình yêu thương của người mẹ. Nhận thấy hoàn cảnh đáng thương của 2 em, năm 2019, Đồn BP CKQT Cha Lo đưa em về đồn nuôi dưỡng và chăm sóc đến bây giờ”.

Trò chuyện với chúng tôi, Hồ Cu Ba kể: “Ở với các chú BĐBP, chúng cháu được ăn uống rất ngon. Ban đầu mới vào ở đồn, chúng cháu rất sợ, chỉ muốn về nhà của mình thôi. Ở lại đây được các chú yêu thương, chăm sóc, coi như con, nhưng các chú nghiêm lắm. Giờ đây chúng cháu đã biết nấu cơm, quét dọn nhà giúp các chú”. Thiếu tá Cao Văn Chính chia sẻ: “Chúng tôi cũng dạy cho các cháu tự vệ sinh cá nhân và làm một số việc vặt nhỏ để các cháu biết và rèn luyện. Nhưng dù có đi công tác ở địa bàn xa nào, đến trưa, anh em trong tổ cũng bố trí một người về để nấu cơm cho 2 đứa ăn uống đàng hoàng. Nói là học sinh lớp 7, lớp 8, nhưng chúng cũng còn nhỏ dại, hậu đậu và ham chơi lắm, cũng giống như con của mình ở nhà thôi”.   

Nuôi dưỡng những ước mơ
 
Đinh Mắn là 1 trong 2 đứa trẻ Ma Coong được Đồn BP Cà Roòng chăm sóc, nuôi dưỡng tại đơn vị từ năm 2019. Năm nay, Mắn lên lớp 6, học nội trú tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Bố Trạch (đóng trên địa bàn xã Thượng Trạch). Trường học xa đồn đến hơn 20km. Ở nội trú mặc dù đã được Nhà nước chăm lo, nhưng CB, CS ở đây cũng đã chuẩn bị cho em áo quần, giày dép mới.
 
Vừa mang chiếc áo mới vào cho Đinh Mắn, thiếu tá Lê Văn Huỳnh-“ba nuôi” của Mắn-nói: “Mắn phải giữ gìn quần áo cẩn thận, sạch sẽ. Lên lớp 6 là sắp thành người lớn rồi, nên phải ngoan ngoãn, nghe lời thầy cô giáo, học thật giỏi, rồi lúc nghỉ học, các chú lên đón về đồn chơi”. Đinh Mắn ngoan ngoãn lễ phép vâng lời. Ánh mắt Đinh Mắn rực sáng lên khi nhìn vào gương trong bộ đồ mới và háo hức cứ như lần đầu được đến trường, thẻ thọt nói: “Từ khi vào ở đồn, năm học mới nào, cháu cũng được mặc áo quần mới. Chứ không như ở nhà, ba mẹ không có tiền để mua quần áo mới, mà chỉ mặc lại áo quần của anh chị”.
 
Thiếu tá Hà Anh Đức, Đội trưởng Đội vận động quần chúng (Đồn BP Cà Roòng) cho biết, cùng với nhận thức còn hạn chế, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn khó khăn lắm, nên việc chăm lo cho con cái trong ngày đầu năm học mới không được đầy đủ như những nơi khác. Niềm vui của những đứa trẻ miền núi trước khi bước vào năm học mới là có được áo quần mới. Nhưng không phải lúc nào niềm mong ước giản dị đó của các em dễ dàng có được.
 
Thực hiện dự án "CB, CS quân đội nâng bước em tới trường" giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025, BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát những trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn khu vực biên giới để đề xuất cấp trên hỗ trợ. Hiện tại, trong năm học 2023-2024, có 250 học sinh sẽ được hỗ trợ. Những trường hợp này sẽ được hỗ trợ vật chất ban đầu phục vụ cho học tập trị giá 2 triệu đồng/em và 600.000 đồng/tháng/em.
Hiện tại, cùng với 2 trường hợp “Con nuôi đồn BP” được nuôi dưỡng tại đơn vị, Đồn BP Cà Roòng cũng đã hỗ trợ 5 trường hợp trong chương trình “Nâng bước em tới trường” (trong đó có 3 em học sinh Lào). Vừa qua, thực hiện dự án "CB, CS quân đội nâng bước em tới trường" giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025, đồn đã phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để đề xuất cấp trên hỗ trợ “Nâng bước em đến trường” cho 30 em học sinh trên địa bàn.
 
Y Mai Hoàng ở bản Bụt, xã Thượng Trạch may mắn là 1 trong số 30 em được hỗ trợ từ dự án này. Mai Hoàng hiện đang học lớp 5. Ba mẹ ly hôn và có gia đình mới, nên em phải sống với ông bà ngoại đã già yếu. Ông Đinh Xắp (SN 1958)-ông ngoại của Y Mai Hoàng-vui mừng chia sẻ: “Khi nhận được thông tin cháu gái được dự án của bộ đội hỗ trợ, mình vui cái bụng lắm! Mình động viên cháu cố gắng nghe lời các chú BĐBP đến trường học tập cái chữ để cuộc sống sau này đỡ vất vả hơn”.
 
Đại tá Ngô Minh Điền, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết, năm học 2023-2024, các đơn vị BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu 97 em học sinh trong chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn BP”, trong đó có 8 em học sinh Lào. Đây là năm 9, BĐBP tỉnh thực hiện các chương trình nói trên. Qua chương trình, đã có hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, ở khu vực biên giới được chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão trên con đường học tập, có thêm cơ hội vươn lên trong cuộc sống.
 
Chương trình không chỉ mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mà còn thể hiện tình cảm và trách nhiệm của lực lượng BĐBP đối với người dân ở các địa bàn biên giới, tăng cường tình đoàn kết quân dân, xây dựng nền BP toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.
Dương Công Hợp

tin liên quan

Chỉ huy trưởng mẫn cán, trách nhiệm

(QBĐT) - Nói về thượng tá Trương Thế Vĩ, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bố Trạch, thủ trưởng cấp trên cũng như đồng đội đều ghi nhận anh là một chỉ huy trưởng mẫn cán, trách nhiệm.

Sẵn sàng diễn tập khu vực phòng thủ và phòng thủ dân sự

(QBĐT) - Thực hiện chỉ thị của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình năm 2023, sau hơn 5 tháng tích cực làm công tác chuẩn bị mọi mặt, đến thời điểm này, có thể khẳng định, lực lượng vũ trang tỉnh và các đơn vị phối thuộc đã sẵn sàng tâm thế chờ lệnh tiến công…

Bộ đội Biên phòng tỉnh: Dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ

(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng 8 (19/8/1945-19/82023) và Quốc khánh 2/9, ngày 28/8, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương tại Phòng Truyền thống cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh; Đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ ở phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới.