Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Vị tướng huyền thoại, văn võ song toàn

  • 11:47 | Thứ Năm, 24/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Đại tướng đặc biệt khi là sỹ quan quân đội với trình độ hàng đầu của thế giới nhưng chưa trải qua đào tạo tại bất cứ trường lớp quân sự nào.
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các đơn vị nữ thông tin và nữ quân y đã tham gia Lễ Duyệt binh ngày 1/5/1973. (Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các đơn vị nữ thông tin và nữ quân y đã tham gia Lễ Duyệt binh ngày 1/5/1973. (Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN)
Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một vị tướng hiếm có trên thế giới, vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam, người không qua một trường lớp quân sự nào nhưng đã chỉ huy quân đội xây dựng từ con số không ngày càng lớn mạnh, đánh bại nhiều tướng nổi tiếng của các quân đội thực dân xâm lược, từng tốt nghiệp những học viện quân sự lừng danh, qua đó góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giành những thắng lợi vĩ đại làm thay đổi dòng chảy lịch sử dân tộc.
 
Nhân dân Việt Nam và thế giới biết đến, quý trọng ông là một vị tướng tài-đức, văn-võ song toàn, một trong những danh nhân ngời sáng của nền văn hóa Việt Nam, "người anh cả" của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
 
Vị tướng đặc biệt
 
Là người chiến sỹ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, là Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, bằng tài năng, lòng dũng cảm, lại được gần gũi, làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận được sự chỉ đạo sát sao của Người, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân Việt Nam giao phó.
 
Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng là Đại tướng đặc biệt khi là sỹ quan quân đội với trình độ hàng đầu của thế giới nhưng chưa trải qua đào tạo tại bất cứ trường lớp quân sự nào; được phong quân hàm một lần duy nhất, nhận cấp Đại tướng ngày 25/8/1948, khi mới 37 tuổi.
 
Trọn cả cuộc đời với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Tên tuổi Đại tướng gắn liền với sự ra đời, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, với thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. Với cách đánh “đánh chắc, tiến chắc,” quân ta thực hiện “vây lấn” tập đoàn cứ điểm từ ngoài vào trong, lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. Với cách đánh “đánh chắc, tiến chắc,” quân ta thực hiện “vây lấn” tập đoàn cứ điểm từ ngoài vào trong, lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Trong Thư gửi bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích nhân kỷ niệm 5 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh Cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của quân đội ta: vì từ ngày thành lập đội Nam tiến đến nay, Đảng và Chính phủ đã ủy cho đồng chí Giáp và một số cán bộ phụ trách tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo quân đội ta."
 
Ở những thời điểm quan trọng, mang tính bước ngoặt của cuộc kháng chiến, Đại tướng luôn đánh giá đúng cục diện chiến trường, sáng suốt đưa ra những quyết định đúng đắn; đề xuất, chỉ đạo, thực hiện công thức "đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung," đập tan cuộc tiến công quy mô lớn của thực dân Pháp lên Việt Bắc (1947); sáng suốt, quyết đoán đổi mục tiêu đánh Cao Bằng sang Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới (1950); chủ trương phân tán lực lượng cơ động Pháp ra nhiều hướng trên chiến trường Đông Dương để chúng khó ứng cứu cho chiến trường Điện Biên Phủ trong chiến cuộc Đông-Xuân (1953-1954).
 
Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), Đại tướng hết sức cẩn trọng, so sánh tương quan lực lượng hai bên, táo bạo nhưng không tùy tiện, xác định chắc thắng mới đánh, nên đã đề xuất và quyết định chuyển phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", đưa chiến dịch đến thắng lợi hoàn toàn.
 
Ngay sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại tướng là một trong những lãnh đạo đầu tiên của Đảng khẳng định: "Phải tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng dân tộc bằng cuộc chống Mỹ, cứu nước để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước." Sớm nhận ra tầm quan trọng của việc chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam, Đại tướng đề xuất với Trung ương và trực tiếp chỉ đạo xây dựng, bảo vệ tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, mở Đường Hồ Chí Minh trên biển nhằm tiếp tế hàng quân sự và binh khí kỹ thuật nhanh chóng, kịp thời cho chiến trường miền Nam.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là nhân tố rất quan trọng đóng góp vào thành công của các chiến dịch lớn như Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch Tây Nguyên (1975).
 
Đặc biệt, Đại tướng đã nắm chắc thời cơ chiến lược, đề nghị giải phóng sớm miền Nam (1975) so với kế hoạch ban đầu; chỉ đạo giải phóng Huế, Đà Nẵng; giải phóng quần đảo Trường Sa; thành lập cánh quân phía Đông Sài Gòn phối hợp với 4 cánh quân khác và ra mệnh lệnh: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa...," kịp thời xốc tới bao vây tiến công tiêu diệt sào huyệt cuối cùng của địch tại Sài Gòn, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đến toàn thắng.
 
Đánh giá về tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Sử học người Pháp Georges Boudarel đã viết: "GIÁP là nhà quân sự lỗi lạc, vị tướng lĩnh tài ba, nhân vật nổi bật của lịch sử hiện đại Việt Nam và thế giới trong thế kỷ 20 và là một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của các thời đại."
 
Đại tướng Chansamone Chanyalath, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào cho rằng mặc dù Đại tướng Võ Nguyên Giáp không được đào tạo qua trường lớp quân sự nhưng với tài năng xuất chúng, Đại tướng đã chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh thắng hai kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ - hai đế quốc hùng mạnh nhất thế kỷ 20, bằng sức mạnh của chiến tranh nhân dân, lấy lực lượng ít, trang bị thô sơ, đánh thắng lực lượng hùng mạnh, trang bị hiện đại. Đây được coi là chiến thuật tinh hoa của đường lối quân sự "chiến tranh nhân dân nổi tiếng."
 
Không chỉ là người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn có công lao to lớn đối với cách mạng của ba nước Đông Dương nói chung và cách mạng Lào nói riêng.
 
"Tư lệnh của các tư lệnh"
 
Quá trình tổ chức, chỉ đạo, điều hành quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ là Tổng Tư lệnh, Tổng Chỉ huy, mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương, Bí thư Đảng ủy nhiều chiến dịch. Quá trình lãnh đạo, chỉ huy quân đội, đồng chí luôn bám sát đường lối, phương hướng chính trị của Đảng; giữ vững nguyên tắc lãnh đạo, chỉ huy, đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp xác đáng, khoa học, phù hợp với yêu cầu sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, khả năng lực lượng vũ trang và tình hình đất nước.
 
Đại tướng luôn coi trọng công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, chăm lo giáo dục phẩm chất cách mạng, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu, chiến thuật quân sự, khả năng tác chiến cho cán bộ, chiến sỹ; kết hợp chặt chẽ, khéo léo giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, ngoại giao, tư tưởng, binh, địch vận; giữa quốc phòng với kinh tế, an ninh... để đạt được kết quả toàn diện trên cả hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc.
Nhân dịp đầu năm mới (tháng 1/1973), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, nói chuyện với các chiến sỹ tự vệ khu phố K và T Hà Nội, đơn vị đã dũng cảm mưu trí, bắn rơi máy bay E.111 của Mỹ đêm 22/12/1972. (Ảnh: Ngọc Quán/TTXVN)
Nhân dịp đầu năm mới (tháng 1/1973), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, nói chuyện với các chiến sỹ tự vệ khu phố K và T Hà Nội, đơn vị đã dũng cảm mưu trí, bắn rơi máy bay E.111 của Mỹ đêm 22/12/1972. (Ảnh: Ngọc Quán/TTXVN)
Trong "suốt hai cuộc kháng chiến hơn 30 năm, chưa bao giờ Bộ Chính trị bác bỏ bất cứ một đề xuất chiến lược nào của Bí thư Quân ủy Trung ương kiêm Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp hoặc của tập thể Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh" (Theo "Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh thế kỷ," tác giả Trần Thái Bình).
 
Với trọng trách Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Đại tướng đã tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc, trong đó xây dựng nền quốc phòng toàn dân là một trong những nội dung trọng yếu.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng đây là nhiệm vụ to lớn, phải được nhận thức đúng đắn và chuẩn bị kỹ lưỡng ngay trong thời bình nhằm đối phó thắng lợi với cả giặc ngoài và thù trong. Những quan điểm của Đại tướng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân không chỉ góp phần quan trọng vào đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng mà còn được hiện thực hóa trong thực tiễn, để lại nhiều kinh nghiệm quý cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
 
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân; phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng xây dựng nền quốc phòng độc lập, tự chủ, ngày càng hiện đại, gắn liền với sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, thể thao...
 
Công lao và những đóng góp đặc biệt xuất sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho cách mạng, cho đất nước đã trở thành niềm tự hào của dân tộc trước thế giới. Di sản Đại tướng để lại cho nhân dân, quân đội ta có giá trị lý luận sâu sắc và ý nghĩa thực tiễn to lớn, trên nhiều lĩnh vực.
 
Với sự hội tụ đầy đủ các tiêu chí: người tổ chức, xây dựng quân đội; người đánh trận giỏi; nhà lý luận quân sự xuất sắc; nhà lãnh đạo, chính trị tài ba, mẫu mực..., Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhân dân hết lòng kính trọng, suy tôn là "Đại tướng của nhân dân"; được cán bộ, chiến sỹ quân đội mến phục, xứng đáng là "Tư lệnh của các tư lệnh, tướng của các tướng".
Theo Vietnam+

tin liên quan

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Động viên các lực lượng thực binh ứng phó thảm họa cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn

(QBĐT) - Chiều nay, 23/8, đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh do đại tá Đinh Xuân Hướng, Chính ủy dẫn đầu đã đến động viên, tặng quà lực lượng làm nhiệm vụ thực binh ứng phó thảm họa cháy, nổ, sập đổ công trình, tìm kiếm cứu nạn tại xã Hải Ninh (Quảng Ninh).

Trao thưởng các đơn vị có thành tích xuất sắc trong đấu tranh, trấn áp tội phạm

(QBĐT) - Ngày 23/8, Công an tỉnh tổ chức lễ trao thưởng cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong đấu tranh, trấn áp tội phạm. Đại tá Nguyễn Tiến Hoàng Anh, Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì buổi lễ.

Tổng duyệt các phương án thực binh trong diễn tập khu vực phòng thủ và phòng thủ dân sự tỉnh

(QBĐT) - Ngày 23/8, đoàn công tác Bộ Tham mưu Quân khu 4 tiến hành tổng duyệt các phương án thực binh trong diễn tập khu vực phòng thủ và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình năm 2023.