Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát giao thông đường thủy nội địa
(QBĐT) - Thời gian qua, các cơ quan chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy, Công an tỉnh đã chủ động triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp cụ thể kết hợp với việc tuyên truyền để các đơn vị kinh doanh vận tải, người lái phương tiện và người dân khi tham gia lưu thông đường thủy nội địa chấp hành nghiêm quy định.
Thượng tá Trần Đức Dương, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên tuyến đường thủy nội địa, ngay từ đầu năm 2022, Phòng CSGT đã xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong lực lượng CSGT.
Đơn vị xây dựng các kế hoạch, phương án tuần tra kiểm soát (TT, KS), bố trí lực lượng kiểm tra điều kiện hoạt động của các cảng, bến thủy nội địa, hoạt động vận tải hành khách ngang sông, dọc sông; điều kiện của người lái, thuyền viên, chủ doanh nghiệp, chủ bến...; kiên quyết xử lý vi phạm trên các tuyến đường thủy nội địa.
Cùng với đó, đơn vị cũng chủ động tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép, những hành vi vi phạm pháp luật trên đường thủy nội địa.
Với việc triển khai quyết liệt các biện pháp công tác, tình hình TTATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, không để tai nạn giao thông xảy ra. Riêng trong năm 2021, lực lượng CSGT đường thủy đã tổ chức 261 ca TT, KS với 830 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; xử lý 61 trường hợp vi phạm, dự kiến phạt tiền hơn 80 triệu đồng, trong đó phát hiện bắt giữ 1 đò khai thác cát, sỏi trái phép bàn giao cho lực lượng chức năng lập hồ sơ xử lý.
Bên cạnh đó, CSGT đường thủy cũng phối hợp với Công ty cổ phần Đường thủy nội địa Quảng Bình kiểm tra hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa trên các tuyến sông, 25 bến khách ngang sông, cầu phao, 26 phương tiện thủy nội địa, 16 bến bãi tập kết cát sỏi lòng sông, 10 mỏ khai thác cát, sỏi lòng sông theo kế hoạch; phát hiện lập biên bản 8 bến, 14 phương tiện, đình chỉ 5 bến tập kết cát, sỏi không đủ điều kiện hoạt động.
Theo thống kê, các lỗi vi phạm quy định vận tải đường thủy chủ yếu, như: Không mang theo giấy tờ chứng nhận khả năng chuyên môn; sử dụng giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện đã hết hiệu lực hoặc không có; không kẻ vạch dầu mớn nước an toàn của phương tiện; không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng hạng 4; không trang bị dụng cụ cứu sinh...
Trung tá Võ Minh Tiến, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT cho biết, tai nạn đường thủy luôn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, đặc biệt là trên những chuyến đò ngang qua lại mỗi ngày. Bởi vậy, bên cạnh công tác TT, KS được triển khai thường xuyên, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, lực lượng CSGT đường thủy cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của chủ, người lái phương tiện cũng như người dân trong việc chấp hành ATGT đường thủy.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa, trong đó trọng tâm là Nghị định số 139/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Đồng thời, đơn vị cũng sẽ tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả công tác TT, KS, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là phối hợp với ngành giao thông rà soát, kiến nghị những bất cập trong tổ chức phân luồng, phân tuyến, tổ chức giao thông và cắm các biển báo giao thông tại các cảng, bến, tuyến, bảo đảm hợp lý.
“Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ đẩy mạnh công tác TT, KS các bến đò chở khách ngang sông và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm”, trung tá Võ Minh Tiến, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết. |
Cũng theo trung tá Võ Minh Tiến, lực lượng CSGT đường thủy sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện TT, KS, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa; trong đó tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về phương tiện, thuyền viên và người lái, tải trọng phương tiện, kết cấu hạ tầng; nghiêm cấm phương tiện xuất bến khi vi phạm chở quá tải trọng, quá số người và thiếu các phương tiện cứu sinh, cứu đắm cho hành khách theo quy định; phối hợp với các địa phương đình chỉ hoạt động các cảng, bến thủy nội địa, công trình trên sông không phép, không đủ điều kiện an toàn, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa...
Đơn vị tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện thủy nội địa, nhất là phương tiện chở khách, tàu thuyền du lịch, phương tiện khai thác cát, sạn trên sông...; xử lý nghiêm phương tiện không đăng ký, đăng kiểm hoặc hết hạn đăng kiểm.
X.Phú
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.