Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Thắm tình hữu nghị nơi biên giới Việt-Lào

  • 08:48 | Thứ Sáu, 31/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Những ngày cuối năm 2021, chúng tôi ngược đường 20 Quyết Thắng đến với các bản làng  đồng bào Ma Coong nơi vùng biên giới phía Tây của tỉnh. Mặc dù giao thương Việt-Lào nơi miền biên giới này gần như bị "đóng băng" do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng tình cảm truyền thống vẫn luôn được đồng bào hai nước tiếp tục giữ gìn, vun đắp bằng nhiều việc làm, nghĩa cử cao đẹp…

Chung một tấm lòng

Già làng Đinh Thựt, là người có uy tín ở bản Troi, xã Thượng Trạch (Bố Trạch) chia sẻ: "Đồng bào Ma Coong ở xã Thượng Trạch nói chung và tại bản Troi nói riêng có mối quan hệ rất khăng khít, mật thiết với cụm bản Noọng Mạ thuộc huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn (Lào).
 
Bằng chứng dễ nhận thấy nhất là khá nhiều người Ma Coong tại xã Thượng Trạch và người dân cụm bản Noọng Mạ đã "phải lòng" và cùng nhau xây dựng gia đình. Nhờ vậy, tình cảm truyền thống của đồng bào sinh sống dọc hai bên tuyến biên giới này luôn được giữ vững, vun đắp ngày càng thêm bền chặt...
 
Nói chung, tuy sinh sống ở hai dải đất khác nhau nhưng đồng bào hai nước ở khu vực biên giới này vẫn luôn cùng chung một tấm lòng đoàn kết, yêu nước và hữu nghị, chỉ cần bên nào gặp khó khăn thì bên còn lại sẵn sàng giúp đỡ...".
 
Đinh Bu, Trưởng bản Troi tiếp thêm câu chuyện: "Bản Troi hiện có 25 hộ, 114 nhân khẩu, toàn bộ đều là người Ma Coong. Tại địa bàn của bản hiện có 4 cột mốc quốc giới (gồm 541, 542, 543, 544) và tiếp giáp với cụm bản Noọng Mạ (Lào).
 
Trước đây, mỗi khi có việc kỵ giỗ, cưới hỏi, lễ hội, đặc biệt là vào dịp Tết cổ truyền Việt Nam, lễ hội đập trống của người Ma Coong hoặc Tết cổ truyền Bunpimay (Tết té nước) của nước bạn Lào, đồng bào hai bên khu vực biên giới thường xuyên qua lại chung vui, chúc mừng nhau rất thân tình.
 
Gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc qua lại thăm thân của người dân hai bên tuyến biên giới buộc phải dừng lại để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh. Việc liên lạc của người dân hai bên tuyến biên giới hầu như chỉ được thực hiện qua trao đổi trên điện thoại, mạng xã hội…
 
 Một góc bản Troi, xã Thượng Trạch (Bố Trạch).
Một góc bản Troi, xã Thượng Trạch (Bố Trạch).
 
Dù thương mến nhau rất nhiều, nhưng để bảo đảm an toàn, người Ma Coong ở bản Troi luôn động viên, căn dặn lẫn nhau chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không được tự ý sang bên kia biên giới (Lào) để giao thương, thăm nom người thân.
 
Đặc biệt, nếu có người lạ đến bản thì khẩn trương kiểm tra, báo ngay với lực lượng chức năng ở xã Thượng Trạch. Mới rồi, được sự quan tâm của Nhà nước, cơ bản 100% người dân bản Troi đúng độ tuổi đều được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ 2 mũi nên ai nấy cũng yên tâm, phấn khởi.
 
Với tinh thần đoàn kết để hỗ trợ, cùng nhau phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, tin tưởng rằng, người dân ở hai bên tuyến biên giới này sẽ sớm nối lại sự giao thương, thăm thân trong một ngày không xa…".
 
Câu chuyện ở bản Troi chỉ là một trong nhiều minh chứng về tình cảm mật thiết giữa đồng bào hai nước Việt-Lào hiện đang sinh sống gần với tuyến đường biên giới phía Tây của tỉnh. Tình cảm đó vẫn luôn được đồng bào hai nước quan tâm giữ vững, vun đắp ngày càng thêm bền chặt...
 
Giữ vững biên cương
 
Tỉnh Quảng Bình hiện có trên 200km đường biên giáp với 2 tỉnh Khăm Muộn và Sa-vẳn-na-khệt (Lào). Dọc theo tuyến biên giới phía tây của tỉnh, dân cư sinh sống ở đây chủ yếu là người Bru-Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Sách, Mày, Rục, A Rem…
 
Dẫn chúng tôi băng rừng đến vị trí cột mốc số 542, đại úy Trần Xuân Bảy, Phó trưởng đồn Biên phòng Cà Roòng cho biết: Đơn vị hiện được giao quản lý, bảo vệ 28km đường biên giới, 9 cột mốc quốc giới và 1 cọc dấu.
 
Nhờ sự đàm phán thành công giữa hai nước Việt-Lào, nhiều cột mốc quốc giới đã được dựng lên dọc theo tuyến biên giới đất liền của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng đôi bên dễ dàng quản lý, xác định được phần chủ quyền của mỗi nước.
 
Hiện nay, việc kiểm tra cột mốc quốc giới số 542 rất thuận lợi nhờ Đảng, Nhà nước ta quan tâm đầu tư xây dựng đường tuần tra đến sát chân cột mốc.
 
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cà Roòng trò chuyện cùng ông Đinh Bu, Trưởng bản Troi, xã Thượng Trạch (Bố Trạch)
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cà Roòng trò chuyện cùng ông Đinh Bu, Trưởng bản Troi, xã Thượng Trạch (Bố Trạch)

"Tuy nhiên, trên tuyến đường biên ngang qua xã Thượng Trạch vẫn còn nhiều vị trí cột mốc muốn kiểm tra được thì mất cả ngày đi bộ, phải luồn rừng rậm, lội suối, trèo đèo... Chính nhờ sự hỗ trợ của đồng bào Ma Coong trong việc tuần tra đường biên, cột mốc, lực lượng Biên phòng đã tránh được nguy hiểm, tiết kiệm được khá nhiều quỹ thời gian.

Đặc biệt, cũng nhờ đạt được sự thỏa thuận trong tuyến đường tuần tra chung, lực lượng chức năng của hai nước Việt-Lào đã rút ngắn được quỹ thời gian, sự nguy hiểm do phải đi đường khó qua núi cao, suối sâu, vực thẳm.

Đơn cử như từ vị trí cột mốc quốc giới số 542 đến số 541, đơn vị phải thường xuyên "mượn đường" vòng qua nước bạn Lào để thực hiện nhiệm vụ một cách dễ dàng, thuận lợi hơn…", đại úy Trần Xuân Bảy cho biết thêm.

Nhiều năm qua, dọc theo tuyến biên giới phía Tây của tỉnh, để bảo vệ vững chắc "phên dậu" của Tổ quốc, mỗi một cán bộ, chiến sỹ biên phòng đều xem đồn là nhà, biên giới là quê hương và đồng bào sinh sống nơi miền biên viễn là anh em ruột thịt.

Mỗi khi đồng bào có việc to, việc nhỏ, chuyện vui, buồn... thì cán bộ, chiến sỹ biên phòng đều có mặt để chia sẻ, động viên, giúp đỡ, gắn kết thêm tình quân-dân như cá với nước. Đặc biệt, các cán bộ, chiến sỹ biên phòng còn ra sức vun đắp, thắt chặt, tô thắm thêm mối quan hệ ngoại giao Việt-Lào ngày càng đoàn kết, hợp tác toàn diện và thắm tình hữu nghị.

"Biên cương được yên ổn thì đồng bào hai nước Việt-Lào mới có sự yên bình để an tâm làm ăn, xây dựng bản làng ngày càng ấm no, hạnh phúc. Hiểu được điều đó nên người Ma Coong luôn động viên nhau cùng góp chút công sức với bộ đội để giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc", già làng Đinh Thựt bày tỏ.

 "Trong năm 2021, quan hệ hợp tác giữa BĐBP tỉnh Quảng Bình với Bộ chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh Khăm Muộn, Sa-vẳn-na-khệt (Lào) được triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. 

Các lực lượng đã phối hợp ở rất nhiều công việc, như: Quản lý, bảo vệ vững chắc đường biên, mốc quốc giới; kiểm soát xuất nhập cảnh; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống dịch Covid-19; giải quyết tốt các vụ việc xảy ra trên biên giới đúng nguyên tắc; giữ vững mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển...", đại tá Lê Văn Tiến, Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết.

 
Văn Minh
 
 

tin liên quan

Triển khai nhiệm vụ quốc phòng-an ninh năm 2022

(QBĐT) - Sáng nay, 30-12, các đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tổng kết nhiệm vụ quốc phòng-an ninh (QP-AN) năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Bộ CHQS Quảng Bình nhận cờ thi đua xuất sắc của Bộ Quốc phòng trao tặng

(QBĐT) - Sáng ngày 28-12, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tổ chức hội nghị Quân chính, tổng kết thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2021; Báo cáo kết quả tổ chức thực hiện Chỉ thị 917/1999/CT-QP về "Xây dựng đơn vị VMTD". 
 

950 công dân Quảng Bình nhập ngũ vào các đơn vị quân đội trong năm 2022

(QBĐT) - Được sự ủy quyền của UBND tỉnh và Hội đồng Nghĩa vụ quân sự tỉnh, ngày 28-12, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức hội nghị hiệp đồng giao, nhận quân năm 2022.