Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2021):

"Cao điểm cuối cùng" - "Bức tranh" văn chương về chiến thắng Điện Biên

  • 10:26 | Thứ Năm, 06/05/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Với “Cao điểm cuối cùng”, người đọc thấy rõ hình ảnh một thời lịch sử oanh liệt, hào hùng của chiến thắng Điện Biên lịch sử tràn ngập từng trang sách. 
Đồi A1 ngày nay thuộc quần thể Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ
Đồi A1 ngày nay thuộc quần thể Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ
Hơn nửa thế kỉ làm báo, viết văn, nhà văn-chiến sĩ Hữu Mai đã có khoảng 60 tác phẩm gồm đủ thể loại, với hàng vạn trang in, trong đó phải kể tới tiểu thuyết “Cao điểm cuối cùng” (NXB Văn học 1960) - tác phẩm phản ánh cuộc chiến đấu oanh liệt của quân đội ta tiêu diệt Đồi A1, cứ điểm then chốt của quân đội Pháp, từ đó giành toàn thắng ở chiến trường Điện Biên Phủ vào ngày 7-5-1954. 
 
Với tư cách là phóng viên chiến trường của báo Quân Tiên Phong, đồng thời là phái viên của Phòng Chính trị Đại đoàn 308, một trong 4 đơn vị chủ lực, chiến đấu tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân đội Pháp, Hữu Mai có dịp luồn sâu xuống từng chiến hào, đi sát với các chiến sĩ qua từng đợt tấn công và được chứng kiến giờ phút lịch sử khi quân đội Việt Nam phất cao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” trên nóc hầm De Castries.
 
Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, đêm mùng 6 rạng sáng mùng 7-5-1954, quân đội ta đã đập tan cứ điểm A1, nơi quân đội Pháp gọi là “chìa khóa sống” của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, mở toang cánh cửa phía đông để tiến vào trung tâm Mường Thanh, giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ vào chiều 7-5-1954.
 
Tiểu thuyết  “Cao điểm cuối cùng” tái hiện khung cảnh chiến trường sôi động, khốc liệt và cuộc đọ sức vô cùng anh dũng của chiến sĩ ta ở Điện Biên Phủ với quân đội Pháp.
 
Tại Đồi A1, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã kiên trì bám trụ, chiến đấu giành từng tấc đất với đối phương để giành chiến thắng trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
 
Mọi người không thể nào quên những cảnh bom đạn mù trời; chi chít chiến hào bùn lầy đọng máu; những đợt tấn công như vũ bão của bộ đội ta, chiếm từng cứ điểm của kẻ thù; bao nhiêu gương mặt chiến sĩ xạm đen khói súng xen lẫn lo lắng, buồn vui…
 
Những nhân vật trong tác phẩm, từ người chiến sĩ đến cán bộ tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn và Tư lệnh Đại đoàn…, đều gợi lên hình ảnh gần gũi, thân thiết, từ nhiều nguyên mẫu trong cuộc sống chiến đấu ở Điện Biên Phủ.
 
Đó là những con người bình thường, giản dị, lạc quan yêu đời nhưng không sợ gian khổ, hi sinh; đó là những người chất phác, hiền lành, còn bỡ ngỡ trước một cuộc chiến tranh quy mô, hiện đại nhưng đã chiến thắng đối phương có lực lượng hùng hậu, có máy bay, xe tăng, súng phun lửa và nhiều vũ khí tối tân khác.
 
Những nhân vật có tên trong tiểu thuyết “Cao điểm cuối cùng” như chiến sĩ Phấn, Trung đội trưởng Quách Cương, Đại đội trưởng Khỏe, Trung đội trưởng thông tin Chư, Chính trị viên đại đội Thọ, Tiểu đoàn phó Hồng Quân, Trung đoàn trưởng Lê Trang…, đều là những người dân yêu nước, được Đảng lãnh đạo, giáo dục, đã cầm vũ khí xung trận và góp sức cùng với toàn dân tộc quyết định vận mệnh của Tổ quốc.
 
Trong tác phẩm “Cao điểm cuối cùng”, nhà văn Hữu Mai còn đề cập tới con đường phấn đấu của 2 nhân vật “tiểu tư sản” là Tiểu đoàn trưởng Quế Vinh và Chính trị viên Tiểu đoàn Tuấn. Những bước đi ban đầu của họ có chệch choạc trên chặng đường khúc khuỷu, quanh co, nhưng cuối cùng, các anh vẫn tới đích, những chiến sĩ quả cảm cùng đồng đội làm nên chiến thắng cuối cùng.
 
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà văn Hữu Mai đã nhiều lần trở lại chiến trường xưa, lên thăm Đồi A1, thăm Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam vào ngày 26-1-1954 đã quyết định chuyển phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
 
Nhà văn Hữu Mai còn dành thời gian gặp nhiều cán bộ, chiến sĩ từng tham gia chiến dịch đã trụ lại ở Điện Biên Phủ để xây dựng quê hương mới như Đại tá, cựu chiến binh Nông Văn Khầu và nhiều người khác…
 
Thông qua những con người cụ thể này, nhà văn có thêm tư liệu bổ sung cho những điều ông thu thập được tại chiến dịch.
 
Hữu Mai cho rằng “Cao điểm cuối cùng” tuy là tiểu thuyết nhưng thực ra là câu chuyện “người thật việc thật” được sắp xếp lại thành tác phẩm văn học.
 
67 năm đã qua kể từ chiều ngày 7-5-1954 lịch sử ấy, bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu và tiểu thuyết “Cao điểm cuối cùng” của nhà văn Hữu Mai có thể được coi là những đỉnh cao văn chương về chiến thắng Điện Biên Phủ.
 
Với “Cao điểm cuối cùng”, người đọc thấy rõ hình ảnh một thời lịch sử oanh liệt, hào hùng của chiến thắng Điện Biên lịch sử tràn ngập từng trang sách. Kí ức về chiến thắng lẫy lừng ấy vẫn sống mãi với các thế hệ mai sau.
 
Nhà văn Hữu Mai (tên thật là Trần Hữu Mai), sinh ngày 7-5-1926, nguyên quán làng Đông Trụ, xã Chiến Thắng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
 
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (1946), ông tham gia tự vệ, chiến đấu trong nội thành Hà Nội rồi vào bộ đội, phụ trách báo Quân Tiên Phong (báo của Đại đoàn 308); từng tham gia nhiều chiến dịch thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ.
 
Trong sự nghiệp sáng tác, ông là một trong số ít người để lại cho hậu thế một khối lượng tác phẩm văn chương thật sự đồ sộ với hơn 60 tác phẩm đã công bố.
 
Năm 2000, tiểu thuyết “Cao điểm cuối cùng” cùng với các tác phẩm “Vùng trời”, “Ông cố vấn” của nhà văn Hữu Mai được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt I.
 
Ông mất vào ngày 17-6-2000 tại Hà Nội, hưởng thọ 81 tuổi.

Theo Chinhphu.vn